Điều 19 – Thắng hay thua không phải lúc nào cũng rõ ràng như số 1 và số 2

Nhà văn Mỹ Denis Waitley đã nói: ”Trong cuộc sống, những người thắng cuộc luôn nghĩ rằng tôi có thể, tôi sẽ, tôi là. Trong khi đó, những người thua cuộc lại luôn suy nghĩ trong đầu việc gì họ nên làm, đáng nhẽ đã làm hoặc điều gì họ có thể làm”.

Huấn luyện viên bóng đá huyền thoại người Mỹ, Vince Lombardi, từng nói: ”Trong mỗi cuộc đấu, phần thắng không phải luôn thuộc về kẻ mạnh hơn hay nhanh hơn. Chỉ có điều chắc chắn rằng người thắng cuộc là người luôn nghĩ mình có thể thắng”. Ông còn khẳng định: ”Một người sẽ trở thành vĩ đại nếu anh ta muốn thế. Nếu bạn tin tưởng bản thân và có lòng dũng cảm, quyết tâm, sự cống hiến và có hướng đua tranh, nếu bạn sẵn sàng hy sinh vì những điều nhỏ nhất trong cuộc sống và trả giá cho việc làm đó thì bạn xứng đáng trở thành người thắng cuộc”. Người thắng cuộc luôn mong muốn tất cả mọi người đều chiến thắng, còn kẻ thua cuộc luôn nghĩ rằng mình là người chiến thắng duy nhất.

Tiểu thuyết Jonathan Livingstone Sea Gull (Con chim biển Jonathan Livingstone) của tác giả Richard Bach bị 18 nhà xuất bản từ chối. Cuối cùng, tác phẩm được in năm 1970 và bán được 7 triệu bản riêng ở Hoa Kỳ trong suốt năm năm.

Một giáo viên dạy nhạc nói với cha mẹ Enrico Caruso rằng cậu không có chất giọng. Vậy mà sau này, Enrico Caruso lại trở thành một nam danh ca giọng tenor nổi tiếng, từng hát trong các đại hội âm nhạc lớn  của thế giới.

Sau khi xem phim chiếu thử trên màn ảnh, một nhà phê bình diện ảnh đã nói với Fred Astaire là anh không đóng phim được vì anh bị hói đầu, anh chỉ có thể nhảy múa chút ít. Khi đã nổi tiếng, tài tử Astaire chép lại lời bình phẩm đó rồi lồng vào khung kính và treo nơi trang trọng trong nhà, trước lò sưởi gia đình.

Ngay cả cha mẹ nhiều khi cũng không thẩm định đúng khả năng của con cái mình. Cô Louisa May Alcotte được cha mẹ khuyên tìm một nghề lao động chân tay như học may hay nội trợ. Nhưng cô đã trở thành một vũ công danh tiếng trong vở nhạc cổ điển The Little Women (những người đàn bà bé nhỏ).

Thực tế, bạn không thể nói trước bất cứ điều gì về tương lai của mình nhưng có một điều bạn có thể làm được, đó là suy nghĩ tích cực. Hãy nghĩ rằng bạn có thể làm có nghĩa là bạn đã thành công.

Nếu người thắng cuộc luôn đứng trên những giá trị cao đẹp và bỏ qua những điều nhỏ nhặt thì kẻ thua cuộc hơn thua nhau bằng những điều nhỏ nhặt mà bỏ qua những giá trị cao đẹp của cuộc sống.

Những người thua cuộc thường ghét những cuộc đua tranh vì họ ghét bị thua cuộc. Họ tránh bị kiểm tra vì họ sợ xảm giác bị xấu hổ hơn là quan tâm xây dựng các kỹ năng hoặc đạt được mục tiêu nào đó. Người thua cuộc thường đưa ra những lý do biện minh, đổ lỗi cho người khác hoặc lúng túng khi bày tỏ ý định của họ. Họ luôn có ý định làm gì đó nhưng thật sự không bao giờ thực hiện nó. Họ thường dễ dàng chán nản, bỏ qua vấn đề và chướng ngại vật mà họ gặp phải. Vì vậy, họ hình thành thói quen bỏ cuộc.

Những người thua cuộc luôn nghĩ tiêu cực. Thay vì khâm phục những thành công của người khác, họ lại nghĩ đó là kết quả của sự thiên vị, do may mắn hay được hưởng những lợi thế nào đó không công bằng với những người khác. Họ không sẵn sàng chấp nhận việc chỉ vài người xứng đáng có được sự thăng tiến. Còn họ bị buộc phải chấp nhận sự thật là thế, còn nếu xét thẳng thắn, những người kia không xứng đáng.

Những người thua cuộc tự thuyết phục bản thân rằng, họ không thật sự muốn trở thành người thắng cuộc. ”Tôi không thật sự muốn trở thành một nghệ sĩ xuất sắc, mà chỉ muốn là một nghệ sĩ bình thường”, một đồng nghiệp có lần nói với tôi như vậy.

Trước ngày tham dự các lễ hội thể thao lớn của thế giới, trưởng đoàn Việt Nam thường trả lời báo chí rằng các vận động viên của họ đi thi đấu để cọ xát, học hỏi là chính. Thắng hay thua không quan trọng. Kết quả là các vận động viên tầm cỡ quốc gia thi đấu vật vờ, thành tích còn kém hơn cả trên sân tập. Chẳng ai phải chịu trách nhiệm với việc cả đoàn bị xếp vào top cuối cả vì ai cũng đã được đặt mục tiêu ”cọ xát” và ”học hỏi”. Đó là sự thua cuộc ngay từ trong ý nghĩ, điều tối kỵ trong mọi công việc chứ không riêng gì thể thao.

Ngược lại, những người thắng cuộc không sợ kiểm tra, thi cử và không ngại bị loại ra khỏi các cuộc thi. Cái họ có mà những người thua cuộc không có là sự tập trung, chuẩn bị, tính kiên nhẫn và tham vọng. Họ là những người biết cách tách ra khỏi những trò tiêu khiển và những suy nghĩ tiêu cực. Những người thua cuộc thường cho rằng mọi thành công đều nhờ may mắn. Người thắng cuộc cho rằng không bao giờ có yếu tố may mắn trong thành công. Thành công hay không phụ thuộc vào chính bản thân họ và họ sẵn sàng chịu trách nhiệm để có được điều đó.

Người thắng cuộc luôn quan niệm rằng, đừng làm những điều mà mình không muốn người khác làm cho mình. Còn kẻ thua cuộc thì quan niệm, phải làm điều đó với người khác để xem thái độ họ như thế nào rồi mới làm với mình và phải quan tâm đến mình trước khi quan tâm đến người khác.

Cuộc sống luôn tồn tại người thắng và kẻ thua. Cả hai đều cảm thấy thoải mái và bằng lòng với chính mình, bởi họ có những lý lẽ riêng nhất định.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!