”Tôi không thích giảng bài trong lúc các anh chị nói chuyện riêng!”
”Nguyễn Văn A, tại sao anh lại chạy với tốc độ rùa bò vật, trong lúc sải chân của anh dài gấp hai lần người khác?”
”Trần Thị B, đây là lần cuối cùng tôi nhắc nhở em. Nếu em cố tình quay cóp thì tôi sẽ cho em ra khỏi phòng thi!”
Yêu cầu khắt khe, nóng tính, cứn nhắc, hay ra lệnh, hắc xì dầu, … Bao nhiêu tính từ thể hiện sự khó tính, các bạn đều dễ dàng gán ghép cho thầy cô giáo của mình. Hẳn là những câu chuyện này chỉ diễn ra giữa bạn bè với nhau để các bạn giải tỏa căng thẳng trong việc học hành thôi.
Tôi tin là chẳng bao lâu nữa, khi trở thành những người lớn (hiểu theo nghĩa tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm), bạn sẽ cảm thấy nhớ nhung cái thời bị thầy giáo ”đe nẹt” vì tội nói chuyện, quay cóp hay không làm bài. Bởi vì ông thầy có tên gọi là ”trường đời” còn khắt khe hơn nhiều lần so với ông thầy dọa đuổi bạn ra khỏi phòng thi ngày nào.
Giữa hai môi trường sư phạm và kinh doanh có sự khác biệt rõ rệt. Nếu một ông chủ hiệu bánh không hiểu khách hàng thích ăn loại bánh nào, hương vị ra sao, mẫu mã gì và nhất là không biết quản lý, điều hành nhân viên làm việc theo yêu cầu của khách hàng thì không thể kinh doanh lâu dài và hiệu quả được. Nhưng một vị hiệu trưởng được bổ nhiệm dù thiếu năng lực quản lý, chuyên môn không giỏi song bằng nhiều cách vẫn có thể tại vị. Đó cũng là một trong những lý do khiến một ông chủ doanh nghiệp sẽ đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn đối với nhân viên của mình so với việc xử phạt của một thầy giáo đối với học sinh.
Giờ thì bạn có nghĩ rằng thầy giáo của bạn nghiêm khắc, khó tính hơn ông chủ của bạn nữa không?
Ra trường, đi làm, bạn sẽ phải cọ xát, cạnh tranh với nhiều người, nhiều mối quan hệ ràng buộc để hoàn thành công việc. Ở trong trường, bạn không bị đuổi học chỉ vì đi trễ hay quên làm bài tập về nhà – khi đó, thầy giáo sẽ nhắc nhở và gia hạn hình phạt cho bạn. Trái lại, sếp của bạn sẽ ngay lập tức lưu ý việc bạn đi trễ bao nhiêu phút để có cớ trừ lương vào cuối tháng hoặc liệt bạn vào danh sách những người không được gia hạn hợp đồng. Ông ta sẽ nổi cáu khi giao cho bạn viết một bản kế hoạch, bán một món hàng hay kết thúc một công việc đúng thời hạn nhưng bạn không làm được. Hậu quả là công ty mất uy tín, đối tác hủy hợp đồng, hàng hóa ế ẩm, doanh thu thấp, … Bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm, phải bỏ tiền túi để bồi thường thiệt hại, thậm chí là bị sa thải. Bạn không có ơ hội để nói lời xin lỗi hay hứa hẹn. Chính bản thân ông chủ cũng không cho phép mình mắc lỗi, trừ những trường hợp xảy ra ngoài ý muốn hay bất khả kháng.
Đã có rất nhiều người thành đạt lên tiếng cảm ơn sự nghiêm khắc của thầy cô bởi nhờ có sự nghiêm khắc đó mà họ tiến gần đến sự hoàn hảo hơn. Bản thân họ sau này cũng mang hình ảnh ”khó tính” của thầy cô vào môi trường kinh doanh của mình vì họ hiểu sự ”khó tính” ấy bắt nguồn từ ý muốn cầu toàn mà thôi.
Bạn cứ thử làm chủ doanh nghiệp đi. Nếu nhân viên của bạn không làm việc hiệu quả, công ty có thể bị phá sản và bạn sẽ mất trắng cả vốn lẫn lãi. Có thể bạn phải bán nhà thế chấp ngân hàng vì khoản vay kinh doanh. Tồi tệ hơn, bạn có thể phải ngồi tù nếu nhân viên của bạn làm việc tắc trách, qua mặt bạn để ngoài sổ sách hàng tỷ đồng, viết khống hóa đơn bán hàng mà bạn lại ký vào mà không coi kỹ, …. Bây giờ thì bạn đã hiểu tại sao sếp của bạn lại hay cáu kỉnh rồi chứ? Và bạn sẽ nghĩ rằng: giá mà ai cũng được học những ông thầy khó tính thì nhân viên của bạn sẽ không làm ăn tắc trách như thế này.