Pho tượng Quan Âm nàn mắt ngàn tay (còn gọi là tượng Bồ Tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn) là tác phẩm điêu khắc bằng gỗ lớn nhất Việt Nam thuộc chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự), thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Tượng có niên đại tuyệt đối là năm 1656, với tác giả được cho là Trương Thọ Nam. Chiều cao cả pho tượng là 3,7m. Tượng có 11 đầu, 42 tay lớn và 789 tay dài ngắn khác nhau. Trong lòng mỗi bàn tay có một con mắt. Phật ngồi trên tòa sen, cao 2,35m. Đầu rồng đội tòa sen cao 30cm. Bệ tượng cao 54cm, hình vuông được trang trí bằng các hoa văn, cây cỏ, con vật thiêng như rồng với viên ngọc, lân với quả cầu, quạt hai vòng tròn, họa tiết sóng nước, hoa sen. Phật Quan Âm ngồi tọa thiền với dáng hành đạo, hai tay chắp trước ngực, hai tay để trên đùi, phía sau lưng là các chùm cánh tay, với các thế rất đa dạng, đẹp mắt. Toàn bộ sau lưng của pho tượng là một lá đề lớn, trên đó có những bàn tay nhỏ, tạo hình hướng tâm như các tia hào quang phát sáng. Phật Quan Âm với khuôn mặt thư thái, ánh mắt quảng đại như bao quát cả vũ trụ.
Phật Quan Âm ngàn tay ngàn mắt là một kiệt tác mỹ thuật, nổi bật về nghệ thuật tạo hình với bố cục, tỉ lệ, hình khối, đường nét đạt đến độ hoàn mỹ, vừa tạo nên rung cảm thẩm mỹ, vừa thể hiện triết lý Phật giáo. Giải pháp tạo hình với lá đề làm nền, trên gắn những bàn tay có con mắt Phật, thể hiện triết lý của Phật pháp có ngàn con mắt, ngàn bàn tay cứu độ chúng sinh, thực sự là một sáng tạo tuyệt vời. Pho tượng được đặt trong không gian Phật giáo của cùa Bút Tháp, với Phật điện âm u, có Tích Thiện am ba tầng mái, tháp đá Bảo Nghiêm, lầu chuông, cầu đá, … cùng với hơn 70 pho tượng rất đẹp, trong đó có pho tượng Tuyết Sơn cũng là một kiệt tác mỹ thuật, thì Phật Quan Âm ngàn tay ngàn mắt càng nổi bật với những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu.