Bức thơ thứ 29: Trong kỳ kinh nguyệt tốt nhất không nên đi bơi

Minh Anh thân yêu,

Hôm qua là chủ nhật, nhóm con rủ nhau đi bơi. Bởi vì con biết bạn Thanh đang “bị” nên đã thuyết phục cả đám không đi. Mặc dù bạn Thanh hơi miễn cưỡng nhưng cuối cùng vẫn nghe theo lời khuyên của con. Do vậy, trước tiên mẹ có lời khen ngợi con. Nhân tiện mẹ sẽ giảng giải cho các con nghe, trong kỳ kinh nguyệt có thể làm gì, không thể làm gì. Con cũng có thể cho bạn Thanh và các bạn khác đọc, để mọi người cùng hiểu nhé.

Trước tiên, nói về việc tắm rửa.

Trước đây, chúng ta từng nói, để giữ gìn sự sạch sẽ của cơ quan sinh dục, trong thời gian có kinh nên dùng vòi hoa sen vệ sinh vùng kín hàng ngày. Vì vậy, có thể suy luận, tắm rửa là có thể, cho dù ngay cả trong những ngày máu kinh ra nhiều, nhưng điều cần nhấn mạnh là chúng ta nên tắm bằng vòi hoa sen. Tắm không chỉ thúc đẩy quá trình trao đổi chất của toàn thân, tuần hoàn máu ở cơ thể mà còn giúp điều chỉnh tinh thần, khiến cho tinh thần sảng khoái, là một cách giải tỏa căng thẳng, áp lực cho con người. Có thể các con sẽ cảm thấy lo lắng, khi tắm mà ra máu sẽ rất phiền phức. Ha ha, cơ thể chúng ta rất kỳ diệu! Khi đi tắm, cơ thể chúng ta sinh ra phản ứng ngăn chặn hiện tượng ra máu, ngăn không cho nước đi vào âm đạo, vì vậy không cần phải lo lắng nước sẽ chảy vào âm đạo. Nhưng trong thời gian bị hành kinh, tuyệt đối không nên sử dụng bồn tắm, tránh để các vi khuẩn ở trong nước bám vào vùng kín, càng không nên đến các nhà tắm công cộng, bởi vì ở đó có nhiều người, dễ bị nhiễm khuẩn.

Vậy, các con sẽ hỏi, tại sao tắm thì được mà đến hồ hơi thì không?

Đầu tiên là bởi vì nước ở các hồ bơi thường có chất khử trùng, có tính kích thích rất mạnh, hơn nữa hồ bơi cũng là nơi tắm công cộng, cũng tồn tại nhiều loại vi khuẩn. Bên cạnh đó, nhiệt độ nước ở hổ bơi thường thấp hơn nhiệt độ cơ thể, nước lạnh sẽ kích thích cơ phần bụng dưới co lại, gây cảm giác khó chịu. Mặc dù chúng ta vừa nói rằng, khi cơ thể ở trong nước, nó sẽ sinh ra phản ứng ngăn máu chảy ra, nhưng khi rời khỏi nước, lượng máu chảy ra sẽ tăng lên. Vì vậy, đi bơi trong thời gian có kinh có rất nhiều cái hại. Để bảo vệ sức khỏe, tốt nhất chúng ta không nên đi bơi trong thời gian có kinh.

Ở trên mẹ đã nói rằng, nước lạnh ở hồ bơi sẽ kích thích lên bụng dưới, vậy thì bây giờ chúng ta sẽ nói đến vấn đề giữ ấm trong thời gian có kinh.

Trong thời gian có kinh, cơ thể, đặc biệt là nửa thân dưới khi bị lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, gây ra bệnh cảm cúm, thương hàn, thậm chí có thể gây giảm lượng máu kinh hoặc đột nhiên mất kinh trong thời gian hành kinh. Do vậy, trong thời gian hành kinh cần chú ý sức khỏe, đặc biệt chú ý giữ ấm chân, tay, mông và bụng dưới; không nên gội đầu, rửa mặt, rửa chân và tắm bằng nước lạnh; không nên ngồi bệt xuống nền đất lạnh, cũng không nên để quạt, điều hòa thốc thẳng vào người, càng không nên để dính nước mưa hoặc xuống sông, hồ bơi lội, … Bên cạnh đó, cũng cần chú ý chế độ ăn uống trong thời gian có kinh, không nên ăn kem, uống nước lạnh, cho dù là vào mùa hè.

Cuối cùng, chúng ta sẽ nói đến vấn đề vận động trong thời gian có kinh, đây cũng là một khó khăn thường gặp của các con ở trường.

Thông thường, chỉ cần không có các phản ứng dữ dội, ví dụ như đau bụng kinh thì các hoạt động thể thao thích hợp có thể thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, xoa dịu cảm giác đau lưng, căng tức bụng dưới, không chỉ có lợi cho cơ thể mà còn có thể giảm nhẹ gánh nặng tâm lý trong thời gian kinh nguyệt. Do vậy, tuyệt đối không tham gia các hoạt động thể thao trong thời gian có kinh là suy nghĩ không khoa học. Nhưng vận động mạnh sẽ khiến cho máu kinh ra nhiều và nhanh, gây xung huyết ở khoang chậu, nhẹ thì mất máu quá nhiều, nếu kéo dài sẽ khiến thể chất suy nhược; nặng thì có thể để lại bệnh tật cho cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe cả đời.

Do đó, các hoạt động thể dục thể thao trong thời gian có kinh cần được cân nhắc kỹ càng. Nếu chỉ là các hoạt động nhẹ nhàng như tập thể dục, diễu hành thì vẫn có thể tham gia; nếu gặp phải các hoạt động mạnh như thu thể lực, các bạn nữ đang trong thời gian có kinh nên xin giáo viên cho nghỉ, cho dù là giáo viên nam hay nữ cũng sẽ không làm khó các con. Các giáo viên đều có kiến thức vệ sinh sinh lý, cũng sẽ biết cách bảo vệ và thông cảm cho các con. Cũng sẽ có một số bạn gái bởi vì ngại nên không nói với giáo viên, lại lo sợ bạn khác chê mình đỏng đảnh nên bất chấp sức khỏe của bản thân, vẫn tham gia các hoạt động mạnh trong thời gian có kinh. Các con không nên cố ‘gắng gượng’ như thế. Các con phải hiểu, kiên cường và ‘gắng gượng’ là hai chuyện khác nhau, con gái phải có ý thức tự bảo vệ bản thân, tránh những hành vi gây hại cho sức khỏe.

Đương nhiên, lúc ở trường, trước mặt bao nhiêu bạn bè, nhất là cả các bạn nam, việc này cũng khiến các con cảm thấy e ngại. Nếu thế, con có thể viết một đơn xin phép rồi nộp cho thầy cô trước khi vào tiết học. Như thế đến khi vào học, con có thể lặng lẽ đứng sang một bên hoặc giúp thầy cô làm một số việc lặt vặt. “Nói nhỏ” với giáo viên cũng là một phương pháp hay đó các con!

Mẹ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!