Bức thơ thứ 31: Có đối sách với cảm giác khó chịu khi ‘đến tháng’

Minh Anh thân mến,

Phải chăng do gần đây quá bận rộn với các hoạt động kỷ niệm thành lập trường nên kỳ kinh này mẹ thấy con có vẻ cực kỳ khó chịu, suốt ngày ủ rũ, ăn không ngon, ngủ không yên, đây chính là những phản ứng rõ ràng nên mẹ cũng coi nhẹ vấn đề này, bây giờ chúng ta sẽ bổ sung thêm ‘bài’ này, để mẹ nói cho các con biết nên đối phó với những cảm giác ‘khó chịu’ này như thế nào nhé!

Cơ thể chúng ta là một chính thể, các hệ thống trong cơ thể đều có mối liên quan đến nhau. Trong thời gian hành kinh, ngoài các cơ quan thuộc khung chậu bị xung huyết, đường ruột cũng có hiện tượng xung huyết. Vì vậy, có bạn gái sẽ gặp phải hiện tượng khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bó ở mức độ nhẹ, sẽ cảm thấy dạ dày khó chịu hoặc chán ăn. Nếu gặp đúng lúc cơ thể mệt mỏi, tinh thần căng thẳng, hiện tượng khó chịu này sẽ càng thêm rõ rệt và nghiêm trọng. Do vậy, để thoải mái vượt qua những ngày có kinh, về phương diện ăn uống cũng cần phải chú ý (kể ca khi con không có cảm giác gì quá khó chịu. Trước đây mẹ quá sơ ý, mẹ cũng phải có trách nhiệm về việc này, sau này chúng ta sẽ cùng nhau chú ý hơn nhé!): trong những ngày này, tốt nhất không ăn hoặc hạn chế ăn các thực phẩm gây kích thích như tỏi, ớt, trà đặc (hôm nay còn có món gà cay mà con thích nữa, đành phải bỏ vậy, để hôm khác mẹ làm bù cho con nhé), ăn nhiều các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng nhạt và dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó, bởi vì hiện tượng táo bón sẽ khiến khoang chậu càng thêm xung huyết và chứng đau bụng kinh thêm nghiêm trọng, vì vậy, những bạn nữ hay bị táo bón cần phải ăn nhiều rau xanh, hoa quả để quá trình bài tiết được thuận lợi.

Lại nói đến vấn đề ngủ nghỉ. Bởi vì kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý đặc trưng ở nữ giới, ngoài việc gây ra những khó chịu cho cơ thể, nó còn khiến phái nữ gặp phải các rắc rối về mặt tâm lý như căng thẳng, lo lắng, tâm trạng không ổn định … Thêm vào đó, vào những ngày máu ra nhiều còn phải lo lắng vấn đề đêm khuya không kịp thay băng sẽ dây bẩn quần, ga giường, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Nhưng trong thời gian kinh nguyệt, những giấc ngủ chất lượng, đầy đủ là một điều vô cùng quan trọng. Vì vậy, các bạn nữ, trước tiên cần học cách nhìn thẳng vào vấn đề, cố gắng hết sức điều chỉnh trạng thái và tâm trạng của bản thân, sắp xếp thời gian ngủ nghỉ hợp lý, đảm bảo thời gian ngủ nghỉ hợp lý, không vì chuyện bài tập, học hành mà ngủ không ngon giấc. Ngoài ra, mỗi ngày trước khi đi ngủ dùng nước ấm để ngâm chân, có thể xoa dịu cảm giác mệt mỏi, thư giãn tâm sinh lý, đồng thời phải đảm bảo nơi ngủ nghỉ được khô ráo, ấm áp, không khí trong phòng ngủ lưu thông tốt, trong lành, như vậy mới có thể giúp các con dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Còn về vấn đề lo lắng máu kinh bị trào ra ngoài, một là có thể lựa chọn các loại băng vệ sinh ban đêm dày và dài hơn, hai là chẳng phải mẹ đã chuẩn bị cho con một cái đệm mỏng đặt trên ga giường rồi sao? Những ‘kỹ thuật’ này có thể giúp con giải quyết vấn đề nêu trên, con cứ thoải mái ngủ ngon giấc. Mẹ còn phải nhắc nhở con một điều, buổi sáng trước khi đi học nên mang thêm một chiếc áo khoác. Mỗi lần ‘đến ngày’, sự thay đổi của các hormone cùng với việc cơ thể mất đi một lượng máu nhất định sẽ khiến cho sức đề kháng của cơ thể suy giảm so với bình thường. Mấy hôm nay nhiệt độ buổi sáng và buổi tối thấp, vẫn còn phải cẩn thận một chút, tránh để bị cảm cúm nhé. Nhất là những bạn nữ vốn có thể chất yếu, lại bị mất nhiều máu (hình như trong số này không có con, nhưng con có thể nhắc nhở các bạn khác), nếu không chú ý đến việc giữ gìn sức khỏe trong thời kỳ kinh nguyệt sẽ dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm, cơ thể bị nhiễm lạnh gây ra bệnh cảm cúm. Đối với những trường hợp này, trước tiên cần luyện tập để tăng cường thể chất và sức đề kháng của cơ thể; ngoài ra, trước kỳ kinh nguyệt cần chú ý vấn đề vệ sinh, ăn uống, xem xét thời tiết để mặc quần áo cho thích hợp nhằm giảm bớt các nguyên nhân gây bệnh từ bên ngoài.

Chúc con ngủ ngon!

Mẹ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!