Tác giả: Giáo sư John Vũ – Nguyên Phong
Công ty phát hành: First News – Trí Việt
Xuất bản: 06/2020
Bạn có bao giờ tự hỏi, con người sinh ra để làm gì?
Mỗi ngày đi làm, vất vả mệt nhọc, đến cuối cùng nằm xuống nhắm mắt xuôi tay, chẳng đem theo được gì.
Những sản phẩm, thành tích, chỉ số, tiền bạc, danh vọng, tài năng, kinh nghiệm… tích lũy trong mấy mươi năm cuộc đời, với bao khổ nhọc bỏ ra, lại để mất hết như thế. Vậy sinh ra 1 kiếp người để làm gì?
Nhìn hẹp hơn, 1 kiếp người với trí khôn siêu đẳng, mà còn lăn tăn với câu hỏi “Ta sinh ra để làm gì?” như vậy rồi, thì kiếp sống của những con vật, từ thú vật lớn như sư tử, chó, mèo… đến loài côn trùng nhỏ bé như giòi bọ ruồi muỗi, chúng sinh ra để làm gì? Hay những loài virut gây bệnh, chúng từ đâu tới và sinh ra để làm gì? Tại sao vũ trụ lại có những kẻ hủy diệt?
Nhìn rộng ra, ở 1 thời đại, 1 quốc gia, hay cả 1 nền văn minh. Từng lớp người sinh ra rồi mất đi, cống hiến thanh xuân, xương máu tạo dựng nên những công trình to lớn, vĩ đại. Nhưng rồi 1 lúc nào đó, 1 trận đại hồng thủy cuốn trôi tất cả. Vậy những thành tựu đó, tạo dựng nên để làm gì?
Bạn có từng nghe nói đến nền văn minh Atlantis từ hàng chục ngàn năm trước, bây giờ chỉ còn vết tích dưới đáy Đại Tây Dương?
Hay bạn có từng nghe nói đến nền văn minh Lưỡng Hà rực rỡ, bắt đầu từ Ai Cập của các vị Pharaoh, tiếp nối là những cuộc thay ngôi đổi chủ liên tục, vài trăm năm sau là danh xưng Alexandre Đại Đế của Hy Lạp. Những nền văn minh to lớn cũng như 1 đời người, sinh ra rồi tàn lụi. Cái sau thay thế cái trước.
Những công trình huyền thoại vườn treo Babylon, kim tự tháp…được xây dựng từ những tảng đá nặng hàng trăm, hàng ngàn tấn, kết tinh văn minh người xưa 1 cách bí ẩn mà đến nay khoa học hiện đại chưa giải mã và chưa sao chép được, rồi cũng chỉ còn là dấu tích. Những tinh hoa đó, sinh ra rồi mất đi, để làm gì?
À mà rồi lại thắc mắc, lịch sử loài người, đã đi qua bao nhiêu nền văn minh rồi? Có phải thời đại bây giờ là văn minh tối thượng không?
Văn minh nhân loại, hay thành tựu công nghệ, được gì và mất gì? Công nghệ đem lại cuộc sống phồn hoa, hay là hiểm họa diệt vong?
Có người nói, công nghệ không có tội, người sử dụng sai mục đích mới có tội. Tội thành lập khi hành động xảy ra. Và hậu quả đã có. Đó là những sự thương vong, sự mất mát, sự xóa bỏ 1 hay nhiều sự sống, thậm chí rất nhiều sự sống. Đến khi cái chết diễn ra hàng loạt, lúc đó, đi tìm người gây ra cái tội có vẻ đã quá muộn, hoặc họ cũng đã chết theo.
Phiên tòa công lý còn ai để xử?
Nếu bạn từng nghe và tin có những kiếp sống trước và sau kiếp hiện tại, mời bạn đọc Muôn kiếp nhân sinh để thấy được sự tiếp nối và tiến hóa, theo 1 quy luật rất khác, khác hẳn quy luật tiến hóa Darwin đưa ra.
Còn nếu bạn không tin đến tiền kiếp và hậu kiếp, cũng không sao cả. Sách sẽ cho bạn thấy, ở cuộc đời hạn hữu vài chục năm này, làm sao để sống cho trọn vẹn hơn. Bạn có cần chạy đua theo công nghệ, theo những vật chất ngày một nhiều hơn, để lại cho con cháu thừa kế với hy vọng mọi thứ là trường tồn mãi mãi?
À, mà bạn có tin vào chữ Mãi Mãi không?
Bình Dương, ngày 1 tháng 9 năm 2020
Tuệ Khiêm