Khi tin rằng mình đã tìm ra cách chế tạo một chiếc máy có thể ghi âm và phát lại giọng nói của con người, nhà phát minh Thomas Edison đã gọi một thợ thiết kế đến, đưa cho anh ta bản vẽ phác họa bằng bút chì ý tưởng của mình và đề nghị anh ta làm mẫu một chiếc máy như vậy.
Người thợ thiết kế nhìn vào bản vẽ thoáng chốc rồi kêu lên: ”Không thể được! Ông sẽ chẳng bao giờ làm nó hoạt động được đâu”.
Edison liền hỏi anh ta: ”Điều gì khiến anh nghĩ là nó sẽ không hoạt động?”
Người thợ thiết kế đáp: ”Vì chưa ai lại tạo ra một chiếc máy có thể nói được cả”.
Edison hẳn có thể đã đồng tình với lời nhận định đó và từ bỏ ý tưởng về một chiếc máy phát thanh. Nhưng ông lại không từ bỏ ý tưởng đó.
Edison vẫn đưa ra yêu cầu: ”Anh cứ làm đi, làm một chiếc mẫu giống hệt bản vẽ này cho tôi và tôi sẽ chấp nhận thua cuộc nếu nó không hoạt động;.
Người nào tự tin vào ý tưởng và kế họach của mình luôn có lợi thế hơn những người từ bỏ và quên đi dự định của mình ngay từ dấu hiệu thất bại đầu tiên. Chiếc máy mẫu cuối cùng cũng được làm xong, và hoạt động ngay từ lần thử đầu tiên trước sự ngạc nhiên tột độ của người làm ra nó.
Thành công không đến với những ai đánh giá thấp bản thân mình do thiếu tự tin. Thành công chỉ đến với những người biết rõ mình muốn gì, cần phải làm gì để đạt được mong muốn đó và không chấp nhận từ ”không thể”.
Một trong những giám đốc kinh doanh bảo hiểm thành công nhất tại Mỹ luôn yêu cầu nhân viên bán hàng của mình mỗi sáng phải dành năm phút đứng trước gương khi bắt tay vào việc để nhìn chính mình và tự nói: ”Mình là nhân viên bán hàng giỏi nhất, và mình sẽ chứng tỏ điều này ngay hôm nay, cả ngày mai và mãi mãi về sau”. và cũng là sự sắp đặt trước, vợ của mỗi nhân viên bán hàng này mỗi sáng đều ra cửa tiễn họ đi làm với lời nhắn nhủ: ”Anh đúng là nhân viên bán hàng giỏi nhất đó, hãy chứng tỏ điều đó ngay ngày hôm nay nhé anh yêu!”
Việc những nhân viên bán hàng này khẳng định rằng họ vượt trội hơn so với tất cả các nhân viên khác trong lĩnh vực bảo hiểm là hết sức quan trọng. Phần tiềm thức trong tâm trí con người ẩn chứa sức mạnh vô song. Mỗi người có thể vận dụng sức mạnh đó hướng tới việc đạt được bất kỳ kết quả nào mà họ mong muốn. Nhưng cách thức định hướng lại đơn giản đến mức nhiều người đã không tin vào hiệu quả của nó. Nói ngắn gọn là con người có thể định hướng được tiềm thức của mình bằng cách trò chuyện với nó, ra lệnh cho nó như thể đó là một ngườii phục vụ vô hình đang chờ mệnh lệnh, sẵn sàng làm bất cứ điều gì nếu được yêu cầu.
Tiềm thức con người có một đặc tính vô cùng đặc biệt. Nó tin vào tất cả những gì người khác nói và phản ứng theo đó. Không những thế, thật đáng ngạc nhiên là tiềm thức con người còn tin tưởng và hành động theo suy nghĩ – đặc biệt là những suy nghĩ chịu tác động mạnh của niềm tin hoặc sự sợ hãi.
Tiềm thức cũng tuân theo sự lặp đi lặp lại của suy nghĩ và ngôn từ. Thật may mắn khi nó có đặc tính này vì đó là cách đơn giản giúp con người buộc tiềm thức phải hướng theo bất cứ mục đích nào mà mình mong muốn. Đặc tính đó cũng lý giải tại sao người nào tâm trí cứ suốt ngày quẩn quanh nghĩ tới đói nghèo, thất bại, tình trạng sức khỏe yếu kém và tất cả những điều mà họ không muốn, thì sớm muộn cũng sẽ phải gánh chịu những bất hạnh đó.
Mỗi người thành đạt đều có một phương thức rèn luyện trí óc để hướng tiềm thức của mình tới những mục đích, mục tiêu đã chọn và họ làm việc đó tích cực đến mức tiềm thức của họ không lúc nào bị xao lãng về những điều mà họ không mong muốn. Cách thức này là gì không quan trọng mà quan trọng là sự lặp đi lặp lại, sẽ truyền tới tiềm thức những ý niệm rõ ràng về những điều chúng ta mong muốn.
Hãy tạo dựng sự tự tin cho chính mình, như thế bạn sẽ buộc tâm trí phải phục tùng bạn trong bất cứ việc gì.
”Nếu tôi mất lòng tin vào chính mình, cả đất trời sẽ chống lại tôi”.
”If I have lost confidence in myself, I have the universe against me”. – Triết gia Emerson.