Theo nghĩa hẹp, niềm tin chính là hành động. Đó là việc tin tưởng vào chính bản thân, vào thế hệ mai sau, vào những cơ hội sẵn có dành cho bạn và tin tưởng ở Đấng Sáng tối cao – trong bất kỳ tình huống nào.
Nếu mục tiêu của bạn càng cao, bạn càng dễ dàng theo đuổi nguyên tắc thành công. Và điều này đòi hỏi bạn phải có lòng nhiệt thành, có cống hiến cho việc đạt được những mục tiêu đáng giá đó.
Nếu bạn yêu cầu chứng minh những nguyên tắc thành công này, tôi sẽ không thể đưa ra được bằng chứng nào ngoại trừ một nhân chứng duy nhất, đó chính là bạn. Bạn là người duy nhất có thể kiểm chứng những nguyên tắc này, đơn giản bằng cách kiểm tra và áp dụng cho chính bạn.
Nếu bạn muốn tôi cung cấp thêm những nguồn thông tin xác thực và có căn cứ, tôi xin được giới thiệu đến bạn những triết lý của Chúa Jesus, Plato, Socrates, Epictetus, Khổng Tử, Emerson, James và Munsterberg. Từ triết lý của họ, tôi đã rút ra được những bí quyết quan trọng để đạt được thành công bên cạnh những kinh nghiệm mà tôi học hỏi từ trong cuộc sống.
Để có được niềm tin, bạn cần thường xuyên áp dụng Nguyên tắc vàng trong đời sống thường nhật của mình. Trong vòng hơn 4.000 năm, nhân loại đã xem nguyên tắc này là một quy tắc chuẩn mực của hành vi, nhưng đáng tiếc là thế giới dường như đã chấp nhận phạm trù này trong khi vẫn chưa hiểu được trọn vẹn tinh thần của nó. Chúng ta đã chấp nhận áp dụng Nguyên tắc vàng đơn thuần chỉ như một quy phạm đạo đức nhưng chúng ta đã không hiểu được các nguyên tắc nền tảng của nó.
Nguyên tắc vàng đó là: “Gieo nhân nào, gặt quả ấy”. Bạn đối xử với người khác như thế nào thì bạn sẽ nhận lại kết quả đúng như vậy. Bạn có thể đối xử không tốt với người khác và nếu bạn để ý đến Nguyên tắc vàng nêu trên thì bạn sẽ nhận ra rằng, bạn cũng bị đối xử như thế về sau. Nguyên tắc này không chỉ đơn thuần đề cập đến những hành động không tốt đẹp của bạn mà còn sâu xa hơn, nó đề cập đến những hậu quả không tốt đối với những suy nghĩ, tư tưởng xấu xa của bạn về người khác.
Do đó, đây không chỉ là một lời khuyên, rằng:”hãy cư xử với mọi người theo cách mà bạn mong muốn họ cư xử với mình”, bạn cũng cần phải “nghĩ về người khác theo cách mà bạn muốn họ nghĩ về mình”. Như thế bạn mới có thể hưởng thụ trọn vẹn những lợi ích khi thực hành nguyên tắc này.
Nhân cách của bạn chính là tổng hòa của tư tưởng và hành động. Từ đó, kh ông có lý do gì khiến bạn đối xử thân thiện với người khác mà lại không nhận trở lại một kết quả tốt đẹp nào. Tương tự, nếu bạn chỉ nghĩ làm tổn thương người khác thì bạn đã tự mình đánh mất đi một nguồn năng lượng tương ứng và một tâm hồn thanh thản.
Bản thân bạn là một “thanh nam châm” có lực hút mạnh. Bạn sẽ lôi kéo theo mình những ai có những đức tính tương đồng và đẩy ra xa những người không cùng tư tưởng và chí hướng. Nếu bạn mong muốn kết bạn với những người tốt bụng, rộng lượng, thành đạt, trước tiên bản thân bạn phải trở thành một người như thế. Quyền lựa chọn là ở chính bạn đó!