– Thế anh bạn đã học được những gì qua các buổi tham dự họp nhóm của công ty chúng tôi? – Vị Giám đốc Một Phút hỏi Dan khi anh vừa bước vào văn phòng của ông.
– À, trước tiên là bốn giai đoạn phát triển mà bất kỳ một nhóm nào cũng phải trải qua lúc này hoặc lúc khác. – Dan nói – Giai đoạn thứ nhất mà nhóm trải qua chính là giai đoạn Định hướng. Ở thời điểm này, năng suất làm việc còn kém do các thành viên chưa hiểu rõ những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể. Họ cũng chưa nắm được cách làm việc trong một nhóm sẽ ra sao. Tuy vậy, nhuệ khí trong nhóm rất cao vì ai cũng hăng hái được làm thành viên của một nhóm mới, ai cũng có những kỳ vọng rất cao.
Tiếp theo đó là đến giai đoạn Thử thách. Giai đoạn này cũng giống như khi “tuần trăng mật” kết thúc, những kỳ vọng của nhóm đặt ra dường như quá khó khăn để đạt được. Và đến giai đoạn Hòa nhập tức là lúc các thành viên bắt đầu học cách làm việc chung với nhau để giải quyết những quan điểm khác biệt của nhau, từ đó phát huy sức mạnh liên kết và sự tự chủ. Cuối cùng chính là giai đoạn Tạo hiệu quả. Đây là thời kỳ hoạt động mạnh nhất của nhóm. Năng suất làm việc tăng cao vì các thành viên đã hiểu biết về nhóm, về các kỹ năng cần thiết, và tinh thần của nhóm tràn đầy sức sống.
– Một tóm tắt khá súc tích đấy Dan ạ. – Vị Giám đốc Một Phút nhận xét – Thế anh còn phát hiện ra điều gì nữa không?
– Tôi cũng nhận thấy năng suất làm việc của nhóm tăng dần qua bốn giai đoạn. – Dan tiếp tục – Ở giai đoạn Định hướng – năng suất thấp, song no sẽ tiếp tục được cải thiện qua giai đoạn Thứ thách và Hòa nhập cho đến khi đạt đến mức độ cao nhất ở giai đoạn Tạo hiệu quả. Mặt khác, nhuệ khí và sự năng nổ tuy khởi đầu rất cao ở giai đoạn Định hướng nhưng sẽ suy giảm dần cho đến giai đoạn Thử thách để rồi lại tiếp tục vươn lên ở giai đoạn hòa nhập và đến cao điểm trong giai đoạn Tạo hiệu quả.
– Anh nhận xét khá lắm! – Vị Giám đốc Một Phút nói – Một nhà nghiên cứu chuyên về sự phát triển của nhóm đã mô hình hóa những khía cạnh ấy bằng một biểu đồ để diễn tả sự biến thiên của năng suất và nhuệ khí trong từng giai đoạn phát triển. Biểu đồ ấy trông như thế này. – Vị Giám đốc Một Phút vừa nói vừa đưa cho Dan xem một biểu đồ.
– Thật là dễ hiểu và bổ ích. – Dan nói – Nhưng tôi vẫn còn thắc mắc một điều?
– Cứ tự nhiên đi anh bạn! – Vị Giám đốc Một Phút khuyến khích.
– À, tôi thấy dường như ở mỗi giai đoạn phát triển cần có một hình thức lãnh đạo khác nhau. Thế thì làm sao người trưởng nhóm biết được đâu là cách lãnh đạo cho phù hợp ở từng giai đoạn?