Nhà em ở chợ Giang Đình
Ở ven bãi cát, trên ghềnh sông Lam.
Nhà em vách đất mài rơm,
Một ngày hai bữa, cháo cơm lần hồi.
Chồng em nhập ngũ lâu rồi,
Hiện đương khuấy nước chọc trời Vũ Quang.
Đó là những câu để tự giới thiệu mình của cô Trần Thị Cúc, cô hàng xén chợ Giang Đình.
Hỏi ai đi sớm về trưa,
Nhớ khoai chợ Chế, nhớ dưa Giang Đình.
Giang Đình là một cái chợ được thiết lập bên bờ sông Lam vào khúc cuối gần cửa Hội Thống, thuộc địa phận mấy làng Phổ Hài, Cương Giản, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, quê hương của hai nhà đại văn hào Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ.
Nhưng nói tới Nghi Xuân, nhắc tới chợ Giang Đình, chúng ta không thể không tổng luận về các tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh.
Thanh – Nghệ – Tĩnh, từ xưa vẫn là một đất biên cương, phân chia Việt Nam với Chiêm Thành, bao vây ba mặt bởi núi sông và biển; vốn là một hiểm địa nhưng có khí tượng anh hùng. Thiên nhiên ở Nghệ – Tĩnh chứa chất nhiều sinh lực, nhiều dũng khí quật cường, bởi núi cao, rừng rậm, biển rộng, sông sâu.
Phải chăng cũng là một điểm phước đặc biệt mà cô Cúc, người con gái có một giai thoại chúng tôi sắp kể sau đây, đã được ra chào đời tại cái vùng “Hồng Lam khí tiết” này?
Cô chính tên là Trần Thị Cúc, con gái một nhà nho, cụ Trần Đinh Thắng, ở làng Cương Gian, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Về danh giáo cũng như về văn chương, cô quả xứng đáng một “Nữ trung anh tuấn” của vùng Hồng Lam khí tiết vậy.
Lúc giặc Pháp chiếm xong Kinh thành Huế, vua Hàm Nghi phải chạy ra Quảng Bình và hạ chiếu Cần Vương. Cụ Phan D)ình Phùng tổ chức công cuộc kháng chiến. Các cụ già đã sống qua thời đó thường kể lại rằng: Hồi ấy không có các cơ quan tuyên truyền như bây giờ, muốn phổ truyền chính sách của chính nghĩa, người ta chỉ dùng những câu hát ru em, hát dặm, hát ví, nhất là hát ví để làm phấn khởi nhân tâm, k1ich thích tinh thần đấu tranh chống giặc của quần chúng mà thôi. Trong đám sĩ phu có cụ Hà Văn Cát cũng là một nhà nho uyên bác, nhưng rất say mê hát ví.
Ngay khi chiếu Cần Vương được ban ra, cụ Cát liền hát ví ở làng Tả Ao, Nghi Xuân. Trong số chị em tham dự vuộc hát ví đó có một cô gái bán hàng xén (tức là chạp phô tiếng miền Nam) ở chợ Giang Đình. Cô Cúc vừa thấy cụ Cát đã cất tiếng oanh thỏ thẻ:
Núi Hồng Sơn chín mươi chín con phượng đậu,
Sông Lam thủy bẩy khúc rồng quanh,
Nước non gặp hội bất bình!
Thân nam nhi gặp hội, bóng nghê kình lặng tăm.
Thấy lời chất vấn khiêu khích của mình được hiểu và đáp lại một cách xứng đáng, cô gái chợ Giang Đình thầm khen ông Cử là người có khí phách, nên lòng cô vừa trọng vì tài, vừa xiêu vì tình, cô hát tiếp;
Cây Hồng Sơn chờ người hào kiệt,
Nước Lam Giang hẹn khách tu mi,
Mấy lời cũng đã tương tri,
Rồng mây ta sẽ đợi thì gió mưa.
Biết gái thuyền quyên cũng là trang nữ kiệt, ông Cử không ngàn ngại, cát lời nguyền ước trăm năm:
Một lời cũng đã tiến rằng …
Hồng Sơn, Lam Thủy ta hằng có nhau.
Nước non tình nghĩa cao sâu,
Lời thề xin hẹn bạc đầu chớ quên.
Từ đây cung đàn ái quốc, dưới bóng trăng trong đã cùng hòa nhịp, cùng rung chuyển. Hai quả tim cùng đập một nhịp, dù cho biển dẫm cạn, núi dẫu mòn, lời hẹn trăm năm vẫn không thay đổi. Cô hàng bày tỏ tâm sự:
Hẹn một lời, trót đời ghi nhớ,
Nước sông Tương kẻ bên nớ, kẻ bên ni;
Trăm năm kết nghĩa xướng tùy,
Dù đá mòn biển cạn, lòng còn ghi lấy lòng.
Lòng ái quốc đã cột chặt hai cuộc đời, hai linh hồn tươi trẻ và đầy nhiệt huyết. Nhưng trong lúc quốc gia hữu sự nào ai đã được ngồi yên, huống hồ là đôi trai tài gái sắc có đầy dũng khí ấy … Thế rồi một hôm cụ Cử Cát ra đi … Lúc chia tay, cảm khái trước cảnh ngộ bên tình nghĩa vợ chồng, bên hồn thiêng đất nước. Cụ Cử để lại mấy lời tha thiết sau đây cho “người trong trướng”:
Một lời ghi tạc đá vàng,
Dẫu quan san nghìn dặm, thiếp với chàng có nhau,
Mặc cho trẻ tạo cơ cầu,
Kiếm cung là khách mày râu ở đời.
Thế là sau một cuộc hát ví, cô gái chợ Giang Đình đã thức tỉnh được ý chí của một bực anh hùng, mà cũng sau một đám hát ví mà cô Cúc đã gặp được người bạn chung gối. Nhưng rồi đường mây ngàn dặm, lưỡi kiếm anh hùng tung hoành ngang dọc bốn phương để lại trong trướng liễu một chiếc thuyền quyên lẻ bóng.
Rồi cuộc đời của đôi trai hào kiệt gái anh thư ấy kết thúc ra sao?
Sống trên núi được ba năm băng mình trong núi cao rừng rậm, dãi gió dầm mưa, hiến thân cho đại nghĩa diệt thù cứu nước, cuối cùng cụ Cử Cát tử trận! Vành khăn tang ngang mái tóc xanh, cô Cúc thủ tiết đúng ba năm, hương khói cho cụ đến lúc mãn tang, phần thì buồn vì thời cuộc, nhà tan nước mất, phần thì nghĩ tới nỗi “anh hùng ẩm hận”, xót thương cho người tình chung dưới suối vàng, Một chiều nọ sau khi thắp nén hương lòng cầu nguyền cho người đã khuất, cô nhảy xuống sông Lam tử tiết!
Thiệt là:
Trăm năm đã hẹn một lời,
Mòn non cạn biển trọn đời dám sai.
Chiến trường đã rạng danh trai,
Đoàn viên về dưới tuyền đài gặp nhau.
Trên giòng nước bạc sâu sâu,
Con thuyền Thủy Ái cũng đâu thể này,
Rộn ràng trong cuộcv gió mây,
Trai ngay vẹn tiết, gái ngay vẹn tình.