Bà Sương Nguyệt Anh với bài thơ người chinh phụ

Đã bảo rằng tư tưởng của văn nghệ sĩ trong tác phẩm không phải một cái gì thoát trần siêu tục mà do hoàn cảnh của cải xã hội mà thi sĩ đang sống cấu tạo nên.

Tác phẩm “Thạch Hào Lại” của thi hào Đỗ Phủ là do hoàn cảnh chiến tranh tang tóc, cảnh tượng bắt lính ăn tiền … trong giai đoạn hỗn loạn nhà Thuyết Đường.

Tiếng khóc than não nuột của người chinh phụ Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm là tiếng khóc của thời đại, cuộc nội chiến kéo dài vào khoảng Lê mạt, Nguyễn-Trịnh phân tranh, cuộc chiến tranh bẩn thỉu nồi da xáo thịt.

Chúng tôi đại bất đồng quan điểm với những kẻ mỗi khi bàn tới người chinh phụ Việt Nam là đem “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm ra làm điển hình, làm ví dụ.

Theo chúng tôi, Chinh phụ ngâm chỉ là tiếng khóc lóc rên xiết của những khuê phụ vắng chồng, buồng hương lạnh lẽo, chiếc bóng cô đơn, chỉ vì cuộc chiến tranh vô nghĩa lý của quốc gia và thời đại.

Những điệu kêu van não nuột của hai thi sĩ Đặng, Đoàn … đâu phải tiếng lòng của những vợ hiền đảm đang mọi việc gia đình ở hậu phương để cho lang quân vững tâm làm nhiệm vụ một người công dân ngoài mặt trận khi tổ quốc lâm nguy, đất nước bị ngoại bang dày xéo, như các chiến sĩ “Sát Đát đời Trần, chiến sĩ đời Lê, chiến sĩ Đống Đa dưới cờ Nguyễn Huệ “.

Nhưng ở đây thời khác hẳn, bối cảnh lịch sử của tác phẩm … tác phẩm “Người Chinh phụ” của bà Sương Nguyệt Anh là nối cảnh lịch sử Việt Nam vong quốc, quân thù bắt nhân dân Việt Nam sang mãi tận Tây phương làm bia đỡ đạn cho chúng.

Bà Sương Nguyệt Anh (1864-1922) chính tên là Nguyễn Thị Xuân Khuê, cũng gọi là Nguyễn Ngọc Khuê. Thuở xuân xanh đang độ, nữ sĩ viết văn lấy bút hiệu là “Nguyệt Anh” đến khi đứt gánh nửa chừng xuân bèn thêm vào trước một chữ “Sương” thành ra “Sương Nguyệt Anh”.

Nữ sĩ là con gái thứ năm của một thi sĩ mù, nhưng lại rất sáng, cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Nữ sĩ mở mắt chào đời, đã là một người dân mất nước, mắt thấy tai nghe đều là những chuyện đau thương tang tóc. Nhất là bên Pháp có giặc, chúng đều bắt thanh niên Việt Nam sang làm bia đỡ đạn cho chúng.

Cùng một quan điểm với nữ sĩ, nên nhà tiền bối cách mạng, cụ Giải nguyên Lê Văn Huân, trong trận giặc 1914-1918 đã viết:

“Năm một ngàn chín trăm mười bốn

Cõi Âu châu thành chốn chiến tranh

Máu nah6n dân chảy còn tanh tới giờ

Bọn đế quốc bất nhân lắm tá

Đem ta làm thịt cá mà chơi

Chốc đà hơn bốn năm trời

Non cao xương trắng, bể voi máu hồng

Thảm nỗi vợ mất chồng góa bụa

Tủi điều con mất bố mồ côi”.

Và ông Tín Thần, một nhà cách mạng ở hải ngoại cũng viết:

“Cha thì đi lính cho Tây

Chúng bắt đi đánh bỏ thây nước người

Bây giờ mẹ góa con côi

Kể sao cho xiết khúc nôi đạon trường”.

Và cụ Ngô Sanh Đặng Thúc Sứa, một nhà cách mạng ở Thái Lan, cũng viết:

“Ảm đạm tây thiên sát khí hoành

Huyết sang nhục đạn khấp thương sinh

Không trung thuyền sử vân vô sắc

Hải nể lôi sinh lặng hữu thanh

Mục hạ cường quyền duy võ lực

Khẩn đầu công lý thuyết văn minh

Hà đương xã hội khai tân mạc

Khả ái hòa bình yếm chiến tranh”.

Tạm dịch:

“Mịt mù sát khí sinh linh đổ xối đầy

Biển rộng thủy lôi hòa tiếng súng

Trời cao phi đỉnh lấp màn mây

Văn minh công lý khua đầu miệng

Vũ lực cường quyền cướp thẳng tay

Xã hội bao giờ thay đổi mới

Yêu hòa bình ghét chiến tranh thay”.

Đồng thời với những nhà tiền bối cách mạng nói trên, bà Sương Nguyệt Anh cũng biết bài “Chinh phụ thi” trong một hoàn cảnh lịch sử đau thương ấy.

Đình thảo thành hào liễu hữu ty

Chinh phu hà nhật thị quy kỳ

Bán liêm tàn nguyệt thương tâm dạ

Nhất chấm đề quyên lạc lệ thì

Tái bắc vân trường cô nah5n ảnh

Giang Nam xuân lạc lạo nga my

Tái lai kỷ đệ tương tư mộng:

Tàng dao quân biến tri bất tri?”

Em ruột bà, ông Nguyễn Đình Chiêm dịch như sau:

“Cỏ rạp sân thềm liễu rủ hon

Chàng đi bao thuở lại quê nhà

Nửa đêm trăng xế lòng ngao ngán

Chiếc gối quyên gào lụy nhỏ sa

Ải Bắc mây giăng che bóng nhạn

Vườn xuân nắng tắt ủ mày nga

Nhớ nhau mấy lúc chiêm bao thấy

Ngàn dặm lang quân biết chăng là”.

Nội dung của 8 câu thơ tác giả phô diễn một cách kín đáo nỗi buồn cô quạnh của một người chinh phụ có chồng ra trận nhưng không sao trả lời được những câu hỏi.

Vì ai mà phải ra trận?

Ra trận để đánh ai?

Tại sao phải đánh? Và đánh cho ai?

Nếu phải chết thì đã hy sinh cho ai?

Những câu chết cho Đại Pháp, chết cho mẫu quốc. Hay là chồng họ chỉ là những tên lính đánh thuê – Nợ áo cơm phải trả đến thi hài – thì thật là đau thương tủi nhục.

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh viết bài thơ trên, khi đứng trên lầu tòa soạn báo “Nữ Giới Chung” nhìn đoàn thanh niên Việt đang xuống tầu sang Pháp vào trận đại chiến thứ nhứt 1914-1918.

Mặc dầy rất hàm súc kín đáo nhưng cũng là một cáo trạng phản chiến, một chiến cuộc giữa đế quốc và đế quốc với nhau mà bắt dân thuộc địa chết lây cực kỳ vô lý. Lời lẽ và tác dụng là của bài “Người chinh phụ” của bà Sương Nguyệt Anh ra đời cùng một hoàn cảnh với bài “Đòi chồng” của một thi sĩ người Bắc:

“Nước non xa cách nghìn trùng,

Ai gây chiến họa mang chàng ta đi?

Nỗi niềm từ thuở phân ly

Bày chi nên cảnh sầu bi đau lòng?

Để ta ấp bóng cô phòng,

Hỡi ai ai đấy trả chồng ta đây

Chồng con cha mẹ xum vầy,

Ra vào có mặt tháng ngày vui tươi.

Đói no cơm cháo chẳng rời

Gia đình lạc thú là nơi non bồng

Ai gây binh lửa đùng đùng

Mưa bơm gió đạn mang chồng ta đi.

Chồng ta có tội tình gì,

Mà bắt vác súng làm bia đất người,

Xông pha bom đạn bời bời,

Chẳng qua để một bọn người cướp công

Tiếng kêu như xé cõi lòng

Có ai bắt chúng trả chồng cho ta.”

Những tác phẩm trên đây, đầy ý nghĩa yêu tổ quốc, yêu giống nòi, yêu hạnh phúc hòa bình của dân tộc, đồng thời cũng chửi vào mặt những tên bồi bút của bọn thống trị Đông Dương, ví dụ Lê Trung Thu trong bài vè “Lính mộ đi Tây” vào thế chiến thứ nhất 1914-1918 với những câu:

“Tại nơi mẫu quốc

Giữa nơi chiến trường

Lên ngựa cầm cương

Xông vào súng đạn.”

Và Phạm Huỳnh trong bài:

“Hỡi anh em bạn tùng chinh” vào thế chiến thứ hai 1939-1945, với những lời lẽ.

“Hỡi anh em tùng chinh

Vì sao nước Pháp hưng binh phen này

Chỉ vì giặc Đức cô gây

VỚi quân thuộc địa khắp miền gần xa

Binh hùng tướng mạnh kéo ra

Dưới cờ Đại Pháp kể là rất đông

Anh em Nam Việt ta ơi

Vốn dòng nghĩa khí vốn nòi thông minh

Trong lòng vốn sẵn cảm tình

Biết ơn Bảo Hộ với mình xưa nay (?)

Tùng chinh lại gặp hội này

Đền ơn ta phải tiếp tay với người

…”

Thiệt là không ai ngờ, Phạm Tiên Sinh với bút hiệu Thượng Chi đã từng viết những bài khảo luận về văn hóa, chính trị, xã hội kinh tế trên tạp chí Nam Phong của ông, không những đã làm vang bóng một thời trong làng văn, mà cho đến nay cũng còn được nằm trong văn học sử Việt Nam cận đại, mang tiêu đề là nhóm “Nam Phong” lấy thế mà khi:

“Giấc Nam Phong khéo bất bình

Bừng cơn mắt dậy thấy mình Thượng Thơ”.

Thì Cụ Thượng họ Phạm ấy có thể viết ra những tác phẩm trên, làm cho bà con Sông Hương Núi Ngự nói riêng, quốc dân Việt Nam nói chung phải nôn ọe, nguyền rủa.

Nói về bài thơ chữ Hán “Chinh phụ thi” của bà Sương Nguyệt Anh” về hình thức không có gì là đặc sắc kiệt tác, nhưng về nội dung quả là một tiếng nói đúng và cần thiết của thời đại.

Tác giả xứng đáng là con gái Nguyễn Đình Chiểu tiên sinh vì đã giữ được và làm rạng thêm cho truyền thống tiết tháo và trung kiên, di sản tinh thần quý báu của phụ thân để lại.

error: Content is protected !!