Sáu mươi năm chấm dứt chế độ đa thê ở Việt Nam

Cách đây vừa tròn 60 năm, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đã ban hành Luật số 1/59 ngày mồng 2 tháng giêng năm 1959 về “Gia đình”.

Lần đầu tiên trong lịch sử, pháp luật Việt Nam quy định: “Chế độ đa thê từ nay bị bãi bỏ hẳn.”

Đây là dự án luật về “Gia đình” của bà dân biểu Ngô Đình Nhu.

Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa đã thảo luận và biểu quyết dự án luật “Gia đình” trong 32 phiên họp chia ra như sau:

– 10 phiên họp trong khóa họp thường lệ thứ 2, năm 1957;

– 6 phiên họp trong khóa họp bất thường từ 1-1-1958 đến 20-1-1958;

– 15 phiên họp trong khóa họp thường lệ thứ I năm 1958; và

– 1 phiên họp để thảo luận và biểu quyết phúc nghị về dự luật “Gia đình”, ngày 18-12-1958, thuộc khóa họp thường lệ thứ 2 năm 1958.

Trong phiên họp ngày 29-5-1958, bà Ngô Đình Nhu đã phát biểu: “Cuộc thảo luận và biểu quyết của Quốc hội về dự án luật “Gia đình” đã tới phút chót…. Tôi lên đây chỉ vì thấy cần phải nhân danh phụ nữ cám ơn quý vị đã góp phần xây dựng vào trong dự án luật này…. Tôi cần phải xác nhận lại rằng, nhân danh phụ nữ đứng đắn, nhân danh những gia đình xứng đáng, với sự bảo vệ của luật pháp, tôi xin cám ơn quý vị đã cân nhắc thận trọng trong khi biểu quyết và đã đồng ý với tôi về bản dự thảo án này.”

Và trong ngày ấy, toàn bản văn của dự án luật “Gia đình” được Quốc hội chấp thuận với 88 phiếu đối với 1 phiếu nghịch.


Trong quá trình phát triển của xã hội, Luật Gia đình đã bị bãi bỏ và thay bằng Sắc Luật số 15/64 ngày 23-7-1964 và cuối cùng thay bằng một phần của Bộ Dân Luật 1972 nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc “Chế độ đa thê từ nay bị bãi bỏ hẳn.”


Tại miền Bắc, ngày 29-12-1959 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua Luật Hôn nhân và gia đình. Chế độ hôn nhân một vợ một chồng được lặp đi lặp lại đến 3 lần tại các điều: Điều 1 (Nhà nước bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng, …), Điều 3 (Cấm lấy vợ lẽ) và Điều 5 (Cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác.)

Sau năm 1975, Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 76/CP ngày 25-3-1977 công bố danh mục văn bản pháp luật áp dụng trong cả nước, trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959.


Ngày 22-02-1978 Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư số 60/TATC “Hướng dẫn giải quyết các trường hợp cán bộ, bộ đội trong Nam tập kết ra Bắc mà lấy vợ, lấy chồng khác”.

Thông tư này chỉ áp dụng đối với các đối tượng là cán bộ, bộ đội đã có vợ hoặc có chồng trong Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ hoặc lấy chồng khác và chỉ đóng khung trong thời gian từ sau ngày ký hiệp định Genève đến ngày Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố thống thất đất nước, Luật Hôn nhân và gia đình về nguyên tắc được áp dụng chung trong cả nước.

Tức áp dụng trong khoảng thời gian Hiệp định Genève ký ngày 20/7/1954 đến ngày ban hành Nghị quyết 76/CP công bố danh mục văn bản pháp luật áp dụng trong cả nước, trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 – ngày 25/3/1977.

Lấy lý do “Nhân dân ta vừa trải qua một cuộc chiến tranh ác liệt, kéo dài. Đất nước bị chia cắt hơn hai chục năm ròng. Nhiều gia đình vợ chồng sống xa nhau quá lâu, không biết tin tức của nhau, hoặc tin tức không xác thực. Do đó mà trong cuộc sống gia đình sinh ra nhiều cảnh éo le phức tạp.”

Dẫn đến tình trạng một chồng hai vợ hoặc một vợ hai chồng, trong đó một vợ hay chồng cũ ở miền Nam, một vợ hay chồng mới ở miền Bắc.

“Tòa án cần hòa giải giúp đỡ để họ CHUNG SỐNG TAY BA.”

Tức “chung sống tay ba” là hợp pháp.

Thông tư này vượt quá quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959.


Cách đây 60 năm Luật Gia đình Việt Nam đã công bố: “Chế độ đa thê từ nay bị bãi bỏ hẳn.” Nhưng thực tế mãi đến ngày 25-3-1977 chế độ đa thê mới thực sự chấm dứt tại Việt Nam.


Nguồn: Luật sư NGUYỄN VĂN MIẾNG

VPLS Luật Hồng Đức

Sachxua.net

Viết một bình luận

error: Content is protected !!