Tác giả: Tuyết Như
Thời tiết Sài Gòn dạo gần đây rất tệ. Nắng hanh hao, trời oi nồng. Trong tiết trời chẳng lấy làm gì dễ chịu ấy, ai cũng thấy tâm tình mình uể oải một cách kỳ lạ. Sau những ngày Tết dài, cơn bệnh này càng trở nên trầm trọng hơn.
Mỗi khi phải vật lộn với cơn bệnh trì trệ của bản thân, tôi thường mặc định đấy là một dạng sức ỳ tâm lí. Cũng tựa hồ như việc khi bạn đi xe đạp, giây phút khó khăn nhất là lúc bạn nhảy lên xe đạp và nhấn chân lên bàn đạp. Trường hợp này cũng tương tự như việc mỗi sáng thức giấc, bạn tự động viên chính mình thức dậy, rời khỏi nhà và bắt đầu với cuộc chiến xe cộ, công sở mỏi mệt ngoài kia. Đó là giây phút ý chí của bạn được quán tính phá vỡ thế đứng yên, nhưng bị sức ỳ tâm lý cản lại nhất quyết giữ mọi thứ nguyên trạng.
Thông thường, khi chúng ta rơi vào trạng thái trì trệ, bản thân mỗi người sẽ mong muốn có một tác động nào đó từ bên ngoài tác động vào mỗi chúng ta, thức tỉnh thế giới tinh thần mỏi mệt và dựng bạn đứng thẳng dậy. Đó có thể là một lời khuyên rung động tâm can, một khích động tinh thần mạnh mẽ hay những điều kiện bạn tự đặt ra cho mình trong khi đầu óc vẫn còn lâng lâng sau những suy nghĩ vẩn vơ đêm hôm trước, Những tác động ấy kỳ thực sẽ xuất hiện, nhưng nó không phải là cứu cánh tinh thần thật sự dành cho bạn.
Điều thực sự quan trọng nhất mỗi khi gặp phải vấn đề này vẫn là chính chúng ta. Không có tác động từ bên ngoài nào có thể giúp được bạn, trừ phi bạn hiểu ra tác động chỉ là tác động. Bạn hãy biến nhận thức đó thành hành động. Nếu quyết tâm vượt qua trạng thái ý chí này, bạn nhất định sẽ lấy lại được nguồn năng lượng cần thiết cho bản thân mình. Bằng không, bạn sẽ mãi mãi trì trệ, dù sấm chớp có bổ xuống đầu.
Vậy bạn có muốn vượt qua sự trì trệ không? Nếu thật tâm mong muốn, câu trả lời đơn giản hơn bạn nghĩ rất nhiều: hãy cố gắng xác lập mục tiêu ngắn hạn cho mỗi ngày. Hiện tại của ngày hôm nay luôn là điều quan trọng nhất. Ngạn ngữ có câu rất hay: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Mỗi ngày, trước khi rời khỏi chiếc giường êm ái của chính mình, hãy luôn tự nhìn mình trong gương và đặt ra quyết tâm cho chính mình. Cứ như thế, kiên trì theo đuổi việc sống trọn vẹn từng ngày. Số lượng những “ngày hôm nay” đó sẽ mau chóng tăng lên đáng kinh ngạc, Chây lì tạo ra sức cản, nhưng sự siêng năng cần mẫn sẽ là động lực đánh bật nó ra khỏi bạn.
Tôi vừa trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn về mặt cảm xúc vì đời sống bộn bề đến quá tải. Có những ngày cảm giác bản thân gần như phát điên vì công việc. Thân thể kiệt quệ, cảm xúc cạn khô. Trong thời điểm nan giải ấy, tôi vẫn kiên trì động viên chính mình. Tôi cố gắng không bỏ thói quen tập thể dục hằng ngày, không ngủ trễ, không quá lệ thuộc vào mạng xã hội. Mỗi ngày, tập viết vài trang sách, đọc vài ba quyển truyện, đi bộ vài vòng quanh nhà…Bản thân tôi hiểu rõ rằng một khi ý thức duy trì thói quen bị phá vỡ, tôi sẽ rơi tận cùng xuống đáy của sự chây lì mà không cách nào cứu chữa.
Vì thế, tôi muốn tặng bạn bài học của chính mình:
Thứ nhất, đừng yêu thích sự trì trệ. Nếu bạn bí mật tận hưởng nó, bạn sẽ mãi mãi không thể rời xa nó.
Thứ hai, hãy vận động nhiều hơn. Thay vì gặm nhấm nỗi buồn và sự trì trệ, bạn hãy ra ngoài tập thể dục, gặp gỡ mọi người, đốt cháy hết những năng lượng tiêu cực mà bạn đang tích trữ thời gian vừa qua.
Thứ ba, bất cứ việc gì bạn cần làm, đừng trì hoãn, hãy tiến hành nó ngay hôm nay. Nếu không, cũng đồng nghĩa với việc bạn đang thoả hiệp với sự trì trệ, can tâm làm tù nhân bí mật trọn đời với nó.
Kỳ thực, bạn có biết điều này không, cuộc sống vốn chẳng bao giờ đứng yên. Một khi bạn vượt qua được điều gì đó trì trệ bản thân mình, bạn sẽ lại hoà nhịp với dòng chảy của đời sống. Hi vọng rằng những lần trì trệ này của bạn sẽ ngày càng ngắn hơn những lần trước.
Nào,bây giờ chúc bạn ngủ ngon và có những giấc mơ đẹp. Bạn đã làm xong việc phải làm hôm nay chưa?