Cô Trà với cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên năm 1917

Tỉnh lỵ Thái Nguyên, hai mươi mốt giờ ngày 31 tháng 8 năm 1917.

Tiết trời còn vi bức khó chịu. Dưới ánh sáng lờ mờ vàng ệch của nhựng ngọn đèn dầu hôi, một vài khách đi dạo chơi hóng mát lang thang vớ vẩn, chốc chốc lại dừng chân trước một vài tiệm tạp hóa, dán mắt vào các món hàng mới lạ, nói mấy câu bâng quơ rồi lại thơ thẩn bước đi.

Quang cảnh có vẻ im lặng nặng nề đến khó thở. Dân chúng trong phố rủ nhau bắc ghế ra ngồi trước cửa nhà hay dưới các cột đèn hứng gió. Sau một ngày làm mệt nhọc, họ muốn nằm ngủ để lấy lại sức, nhưng hễ nằm ngủ là như lửa đốt sau lưng. Ai nấy mệt mỏi, thỉnh thoảng lại vang lên một tiếng ngáp dài …

Bỗng một hồi kèn báo động vang lên, ngân xa, tan vào khoảng không trung tịch mịch nghe đến rùng rợn.

Đội Cấn tay cầm súng, theo sau có Đội Giá và một số người thân cận, võ trang đầy đủ, dõng dạc tuyên bố lệnh khởi nghĩa với nghĩa quân, rồi phân công cho từng người một. Một phát súng báo hiệu nổ vang, nghĩa quân reo hò không ngớt, vừa chạy đi tới các công sở trong tỉnh lỵ để cướp chính quyền.

Dân phố nhớn nhác không hiểu là việc gì kinh khủng đã xẩy ra, Ai nấy vội vã chạy vào nhà đóng cửa, lo sợ đến nghẹt thở.

Ngoài đường tiếng reo hò không ngớt, tiếng chân người chạy thình thịch, tiếng binh khí loảng choảng, xa xa đây đó, tiếng súng vẫn nổ rền.

Trong không đầy một tiếng đồng hồ, các công sở trong tỉnh lỵ đã bị nghĩa quân chiếm đóng. Một số Kiều dân Pháp nhanh chân chạy kịp tới một đồn Lê dương đóng trên một quả đồi gần đó. May hôm đó công sứ Thái Nguyên là Darles và viên Phó sứ vì công vụ nên đã lên Hà Nội được. Các công chức Pháp – Nam, trong lúc bối rối cũng mạnh ai nấy chạy, tản mác khắp nơi run như lên sốt rét.

Vào khoảng nửa đêm thì tình hình đã tạm yên dịu. Đội Cấn nhân danh tổng chỉ huy cuộc khởi nghĩa, tập hợp nghĩa quân lại bàn định mọi việc, đoạn bố trí 200 quân tiến đánh đồn Lê Dương còn sót lại ở trên quả đồi. Mối căm thù còn sôi sục trong lòng, nghĩa quân ồ ạt tiến đánh, lửa đạn tơi bời, chỉ trong vài ba tiếng đồng hồ là toán lính Lê Dương và một số thường dân Pháp ẩn trú trên đồn đã phải tìm đường tháo chạy, để lại một số xác chết.

Thắng lợi đã đến liên tiếp, nghĩa quân càng thêm phấn khởi: Ban chỉ huy gồm có: Đội Cấn, Đội Giáo, Trần Lập Thành (em ruột Trần Cao Vân, lúc này ông Vân đã bị giết sau khi cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916 thất bại), Lương Ngọc Quyến (con cụ Cử nhân Lương Văn Can) vừa được nghĩa quân đón về sau khi phá ngục; liền xúc tiến mọi công việc phòng vệ tỉnh lỵ. Chủ ý của nghĩa quân là xây dựng và tăng cường lực lượng ở đây rồi sau đó mới tiến quân đi giải phóng các nơi khác.

Trong bầu không khí hoan hỉ vô biên, nghĩa quân ai nấy nức lòng làm việc không thấy mệt.

Nhưng! Ngay đêm hôm đó, tin Thái Nguyên bị nghĩa quân chiếm đóng đã về tới Hà Nội. Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut tức tốc triệu tập một hội nghị bất thường gồm đủ quần thần văn võ.

Thế rồi một đạo quân súng ống đầy đủ, có cả đại bác hạng nặng dưới quyền chỉ huy của viên Đại Tá Berger được lệnh kéo về Thái Nguyện “dẹp loạn”.

Được tin của quân Pháp tiếp viện tới đánh, ban chỉ huy nghĩa quân cũng cấp tốc bố trí mọi công việc phòng thủ cực kỳ chu đáo. Nhưng lòng người vẫn khó lòng mà địch với súng ống tối tân của đạo quân thống trị. Qua một trận tranh hùng lấy tim óc chọi với lửa đạn, nghĩa quân đành bỏ Thái Nguyên, sau khi đã cố giữ được 7 ngày! Rồi từ đó, trước một tình trạng trứng chọi đá, nghĩa quân đành phải chạy rày đây mai đó và luôn luôn chiến bại thảm hại, người chết, lực lượng yếu dần!

Cho đến ngày 30-9, sau trận đụng đầu với quân Pháp ở Xuân Phả thì nghĩa quân lại lâm vào tình trạng cực kỳ đen tối.

Sau khi quyết định phân tán lực lượng làm 3 Đội và hẹn nhau với các mặt trận đều thắng thì sẽ cùng kéo về đánh chiếm lại Thái Nguyên. Đội Cấn cùng Đội Giáo và Trần Lập Thành kéo một ít nghĩa quân về ẩn náu ở Phao Sơn để dưỡng binh sức nhuệ. Và cũng từ đấy, các nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên mới nghĩ đến chuyện vận động nhân dân để khuếch dương thế lực.

***

Một buổi chiều đông lạnh lẽo. Bầu trời u ám, gió lốc bất từng cơn thổi tạt qua làm mưa bụi, gieo cái lạnh thấm xương vào thân thể mọi người. Thành đương ngồi trầm ngâm uống rượu một mình trong cái quán ở vùng Đình Bảng, lòng mênh mang nghĩ ngợi đến những chuyện đã qua mà không hề để ý gì đến những khách hàng đang ngồi nói chuyện huyên thiên trong quán.

Bỗng từ ngoài đi vào một thiếu nữ vai đeo một tay nải nhuộm màu nâu non. Thành chưa kịp nhìn rõ mặt thì bọn người trong quán đã nhao nhao lên:

 – À! Cô Trà! Cô Trà! … Lâu ngày quá.

Thiếu nữ vui vẻ cười xòa với cả bọn rồi lẳng lặng đi vào quán ngồi lên cái ghế nhỏ đặt xa nhưng đối diện với Thành, gở tay nải ra mà xin bà chủ quán một chén nước. Nàng chưa kịp uống thì cả bọn nhao nhao lên:

 – Sao, Cô Trà, đã có chồng chưa mà al6u nay vắng tới đây thế. Hay là lại phải lòng cậu nào đâu rồi?

Trà chỉ im lặng, mỉm cười nói, chớp chớp mắt nhìn trộm Thành mấy cái, vừa nâng chén nước còn bốc hơi lên hớp một ngụm.

Cả bọn thấy Trà không trả lời, càng lỗ mãng:

– Sao Cô Trà, đã lấy chồng chưa?

– Chồng ấy à! Ôi chà! Cô này lại muốn lấy thầy thông thầy ký chứ gì?

 – Những hạng ấy chỉ là giá áo túi cơm, em thèm lấy làm gì cho thêm khổ. – Trà nói lại, vẻ mặt lạnh lùng chua chát.

 – Hay muốn lấy quan! Thôi thôi cô ơi, đừng có với mà bỏ đau thân. – Rồi lại cười như chế diễu.

Trà giận vô cùng nhưng vẫn thản nhiên như không:

– Những hạng ấy tôi càng không thèm nữa!

– Thế chồng cô phải là người thế nào?

Vẻ mặt Trà trở nên nghiêm nghị; nàng vén mấy sợi tóc mai rũ xuống trước mặt; đôi gò má bỗng ửng hồng:

 – Chồng tôi ấy à, … – Nàng cười mỉa mai.

– Chồng cô thì sao?

 – Chồng tôi thì là một người dân rất tầm thường, nhưng … thôi, tôi không nói nữa. – Rồi nàng lại cười.

 – Nhưng sao mới được chớ?

 – Nhưng biết điều hơn lẽ thiệt, biết thế nào là nhục nhã, thế nào là vinh hoa; thế nào là một con người xứng đáng.

Cả bọn không hiểu nàng muốn nói gì, ngơ ngác nhìn nhau rồi hỏi lảng sang chuyện khác.

Từ bấy giờ, ngồi im lặng theo dõi những lời đối đáp của Trà đối với bọn người trung quân, lòng Thành đang nặng trĩu bỗng trở nên nhẹ nhõm lâng lâng. “Đã đế lúc là trời giúp ta một người cộng sự rồi”. Thành nghĩ bụng thế. Lúc nầy Thành mới càng để ý quan sát Trà. Nàng có vẻ cương nghị, mạnh dạn khác thường; người tầm thước mĩ miều, gương mặt trái xoan, hai má nước da bánh mật lúm đồng tiền, mắt nhỏ xếch và cách nhau để lộ trên sóng mũi dọc dừa một khoảng trống rỗng thành ra khoảng mặt có một phong độ già dặn ngang tàng. Nhất là cái miệng ngang thẳng tắp, đôi môi mỏng lúc nào cũng mím chặt, thành ra nom có vẻ chứa chan nghị lực mà lại đa tình, Trà đã khiến lòng Thành bối rối cảm động vì cái duyên chưa chan hơn là nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành.

Một ý nghĩ đến trong đầu óc, Thành đánh bạo lại gần lân la gợi chuyện. Vốn đã đoán được phần nào khí tiết của Trà qua câu chuyện. Thành đã gây được cảm tình đầu tiên với người thiếu nữ. Trước còn hỏi thăm những chuyện buôn bán, dần dần Thành đã biết được Trà là con gái ruột một nhà cựu nho làm Chánh tổng ở vùng Dươn Mông, huyện Tiên Du thuộc Thái Nguyên. Chính khi Đội Cẩn và Thành còn hoạt động ở vùng này vẫn thường nghe tiếng và vẫn được cụ giúp đỡ lương thực.

Như bắt được vàng, lòng Thành vô cùng mừng rỡ. Nhưng còn chưa hết nghi ngại, Thành giả vờ nói mấy câu oán trách Đội Cấn đã gây cuộc binh đao để dò ý. Nhưng Thành đã lầm! Những câu nói của Thành vừa nói ra thì đã bị nàng đón nhận một cách lạnh nhạt. Nắm chắc được tâm lý nàng rồi, Thành liền thay đổi thái độ và bắt buộc nói sự thật …

Câu chuyện dần dần trở nên thân mật. Sắc mặt nàng trở nên tươi sáng lạ thường khi đón nhận những lời tâm huyết của Thành. Giữa hai người hình như đã có sự cảm thông sâu sắc và bắt đầu quyến luyến nhau.

Sáng hôm sau, theo thường lệ. Trà lại đeo tay nải lên vai đi chợ, nhưng khác hẳn mọi lần, hôm nay tay nải của Trà không đựng hàng vải mà chỉ là một ít áo quần cũ và một ít tiền dành dụm của Trà trong bấy lâu. Và cũng từ hôm ấy, Trà đi biệt tích. Gần tháng qua, khi Cụ Chánh được tin Trà đã gia nhập nghĩa quân Đội Cấn, lòng cụ không khỏi buồn phiền. Vì Cụ chỉ có một mình Trà là con gái lớn nhưng cũng không khỏi lấy làm mừng thầm về cái tư tưởng cao cả của con đã biết chọn con đường đạo nghĩa, trong khi hàng ngàn vạn thiếu nữ con nhà khác chỉ lao đầu đi theo thị dục tầm thường.

Đồn Phao.

Một đồn xây trên một ngọn đồi, bao quát cả một vùng hoang vu, giữa một thị trấn nhỏ trên mạn sông Lục Đầu, cách núi Phao chừng 4, 5 cây số. Trong đồn có chừng trên một trăm lính Lê Dương, hai trăm vừa cai đội, vừa lính tập võ trang đầy đủ, lại có thêm mấy khẩu liên thanh và một số đại bác 75 ly. Sĩ quan chỉ huy gồm có một Đại úy tên là Monille và 4 thiếu úy phò tá. Đồn nầy đã làm trở ngại và gây thiệt hại không ít cho nghĩa quân Đội Cấn đóng ở trên núi Phao, thường khi muốn về quanh vùng hoạt động.

Trần Lập Thành được lệnh phải hạ đồn. Nhưng chưa làm sao biết rõ nội tình địch, nên Thành đành giao kế hoạch trinh sát và địch vận cho Trà; mục đích của Thành là dùng mỹ nhân kế để lấy tài liệu và vận động lính trong đồn, nhất là được cấp chỉ huy làm nội ứng.

Thế là mội ngôi hàng được dựng lên bên cạnh cửa trại lính. Thời gian trôi qua. Trà đã dùng hết khả năng của mình về mọi phương diện để thực hiện kế hoạch của đảng giao cho. Hy vọng của nàng mỗi ngày mỗi lớn dần, vì nàng thấy hàng ngày các cai, đội và lính trong đồn ra vào quán hàng không ngớt. Anh nào anh nấy ngó bộ say mê chết mệt. Có anh lỗ mãng hơn, lại còn buông những câu làm nàng phải buồn cười nữa. Nhưng nghĩ đến đại cuộc, nàng chỉ cười xòa, có khi lại còn ra vẻ thân mật hơn. Cuối cùng con chim vành khuyên ấy, với dáng điệu dễ thương, tiếng nói dịu dàng, đã thành công trong sứ mạng: Đội Châu, một viên đội lính tập đã cung cấp cho nghĩa quân đủ tài liệu về địch tình và nguyện làm nội ứng cho nghĩa quân khi công phá đồn Phao.

Biết rõ địch tình lại có người nah65n làm nội ứng rồi, Đội Cấn và Thành liền bố trí tấn công. Quả nhiên, bị đánh bất ngờ, lính trong đồn không kịp trở tay, chạy loạn xạ, một số dơ tay hàng bị bắt làm tù binh. Chỉ trong một đêm là đồn bị hoàn toàn chiếm. Sáng dậy, Đội Cấn ra lệnh cho nghĩa quân khuân hết đạn dược súng ống rồi rút vào rừng và phóng lửa đốt đồn trại.

Nhưng rồi thắng lợi chỉ đến với nghĩa quân trong chốc lát! Trưa hôm ấy thì ở Hà Nội, một đội quân tiếp viện do Đại tá Maillard chỉ huy lại được lệnh lên truy nã nghĩa quân. Rồi suốt buổi chiều và đêm hôm ấy, đại bác nổ rầm trời, rớt không biết bao nhiêu là đạn lửa vào khu rừng nghĩa quân đang đóng giữ. Từ mờ sáng, biết thế nguy, Đội Cấn cho lệnh ứng chiến, nhưng muộn quá rồi! Bị đánh ba mặt; nghĩa quân yếu thế chống không lại, thây chất ngổn ngang, máu chảy nhòa khắp đó đây đọng thành vũng. Đội Giáo trúng đạn ngã gục bên khẩu súng. Đội Châu đang chỉ huy một toán quân chống cự với mấy tên lính Lê Dương, bỗng trúng đạn đổ nhào. Nghĩa quân núng thế chạy tán lạon. Riêng Đội Cấn thì bị thương ở cánh tay, nhưng nhờ có Thành và Trà liều chết cố dìu chạy thoát khỏi vòng vây về mạn Chí Linh.

Từ đó, nghĩa quân bắt đầu tan rã. Riêng ba người Đội Cấn, Thành và Trà thì phải ẩn núp nay đây mai đó, lén lút trong rừng, vừa đói vừa rét. Cái cảnh anh hùng mạt lộ thiệt muôn vàn đau khổ!

Cho đến ngày 11 tháng 1 năm 1918, Đội Cấn đã kiệt sức lắm rồi. Ngồi tựa lưng vào một gốc cây, hai mắt nhắm nghiền, Đội Cấn thở hổn hển gần như đứt quãng. Máu ở vết thương vẫn ri rỉ thấm ra ngoài mảnh thuốc đặt bằng lá cây. Thành và Trà ngồi bên, nhìn Cấn mà đau ruột. Quang cảnh thật là thiểu nảo. Gió rừng vi vu, lá cây xào xạ càng tăng thêm nỗi u trầm thâm đạm trong lòng người còn mang nặng một mối uất hận không tan. Cái hận đại cuộc tan tành kẻ còn người mất!

Bỗng, Cấn mở mắt kêu khát nước, Thành vội vã đứng dậy đi ra suối, lấy mũ sắt trên đầu múc một ít nước mang lại. Uống xong, Cấn có vẻ hơi tỉnh táo, cầm tay Thành và Trà nói hổn hển: “Các em, chúng ta hợp nhau ở đây lần này là lần cuối cùng. Anh nay không còn sống được với các em nữa. Đại cuộc của chúng ta theo đuổi bấy giờ đây chắc cũng khó lòng mà thành tựu nữa rồi. Nhưng dầu sao chúng ta cũng không đến nỗi hổ thẹn với lương tâm, với hồn thiêng non nước; anh chỉ mong rằng, sau khi anh chết rồi các em vẫn mãi mãi giữ được tấm lòng son sắt mà không để cho vật dụng tầm thường lôi cuốn được …”

Đến đây, dường như kiệt sức, Đội Cấn nín bặt, hai mắt từ từ nhắm lại rồi gục xuống cạnh gốc cây, và trong chốc lát chỉ là cái xác không hồn. Thành và Trà gục đầu xuống thấy Cấn khóc nức nở. Chiều hôm đó cả hai mới lo liệu chôn cất. Đám tang hai người, không kèn không trống được cử hành trong cảnh u tịch của núi rừng một buổi chiều đông lạnh lẽo.

Sáng hôm sau, Thành và Trà bàn nhau rời bỏ Chí Linh, định tìm đường về Móng Cáy để qua Tầu. Khi còn cách biên giới chừng năm chục thước, Trà dừng lại, hai dòng lệ rưng rưng, nói với Thành:

 – Anh ạ, từ giờ phút nầy chắc chúng ta khó lòng mà trở lại nơi đây nữa; chúng ta hãy dừng chân lại đây vài phút để vĩnh biệt quê hương một lần cuối cùng.

Nghe Trà nhắc tới việc mình sắp phải rời bỏ đất nước, tấm thân rồi đây chưa biết trôi dạt nơi nào; Thành như đứt từng khúc ruột.

 – Em nói phải, cho dù có đến thế nào chặng nữa, lòng chúng ta vẫn không một phút lãng quên đất nước thân yêu, đương bị ngoại xâm dày xéo nầy.

Nói xong, hai người bước lên đỉnh núi, nước mắt tuôn tràn.

Xa xa, một làn khói bạc quằn quại vật vờ đang cố nhoi lên khỏi một rặng tre xanh thẳm.

error: Content is protected !!