Bãi Sậy đã thành một danh từ lịch sử, vì nơi đây là một chiến khu của nghĩa quân Cần Vương, Gắc Hà do nhà lãnh tụ Nguyễn Thiện Thuật tổ chức và lãnh đạo.
Nghĩa quân Bãi Sậy đã từng làm cho giặc Phát thất điên bát đảo, ngụy quyền tai say Hoàng Cao Khải bạt vía kinh hồn, ở đây đã từng ghi những nét vàng son vào bộ lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam …
Nhưng từ trước tới nay, mỗi khi nói tới nhân vật Bãi Sậy, ngoài vị chủ soái Nguyễn Thiện Thuật người ta thường chỉ nói thầm: Tân Cao, Đốc Tích, Lãnh Giang, Hai Kế, Đề Kiều, Đốc Cọp, Đề Vinh, mà người ta ít nhắc tới một nhân vật phụ nữ, đã đóng góp một phần công trạng khá lớn vào cái vị trí quân sự lịch sử này: đó là cô Đào Thị Mai.
Cô Mai là con gái một vị ẩn sĩ, Đào Duy Đức ở Bắc Ninh (Bắc Việt). Phải nói cụ Đức là một cao ẩn sĩ là vì sau khi giặc Pháp tới đây xéo lên non sông, gấm vóc Việt Nam.
Đau đớn bởi bốn ngàn năm non nước, đất thanh cao giầy dấu vết Sài lăng,
Xót xa và hăm lăm triệu sinh linh, giòng tiên thánh sa vào hang sói cọp.
Một người như cụ Đức không thể trông nổi bộ mặt những thằng cướp nước và bè lũ bán nước. Nên cụ trốn lên vùng Thái Nguyên, đổi tên thay họ rồi ở ẩn ở đây. Và cũng nơi này, cụ kết duyên với một người phụ nữ Thổ, rồi sinh hạ ra cô Mai. Cho nên còn có một cái Thổ nữa gọi là “Nàng Phềng”.
Năm đó Mai mới 18 tuổi; một hôm cô đi rừng lấy măng và nấm, tình cờ gặp Đề Vinh, một viên tướng trẻ tuổi của nghĩa quân Bãi Sậy, bị lac vào rừng già sau một trận ác chiến với giặc Pháp.
Chàng, nàng gặp nhau trên bờ suối, qua những lời hỏi han để tìm hiểu tâm sự nhau … rồi Vinh với nàng đã hiểu được nhau thiệt.
Từ buổi kỳ tình tương ngộ ấy đã dẫn tới việc cha con Mai đều về chiến khu Bãi Sậy chiến đấu dưới cờ nhà lãnh tụ Cần Vương Bắc Hà Nguyễn Thiện Thuật. Cha là một nhân viên quan trọng trong bộ Tham mưu; con gái là vị chỉ huy tổ chức tình báo của nghĩa quân.
Sự gặp nhau một cách hơi kỳ lạ giữa Vinh và Mai đưa nhà lãnh tụ Bãi Sậy tới một quyết nghị là muốn dàn xếp cho Vinh-Mai thành đôi lứa. Với Vinh và Mai có gì hơn thế nữa.
Nói là thành vợ chồng đôi lứa, nhưng họ không có gia đình riêng tư, cả đôi đều sống tập thể trong quân ngũ, ngoài một cái buồng riêng của vợ chồng.
Vợ chồng mới chung sống với nhau được độ bốn năm tháng thì Đề Vinh phải lên thay thế Đốc Cọp, viên tướng tối cao Bãi Sậy vửa hy sinh trong một trận ác chiến với quân thù.
Địa vị Vinh càng cao, trách nhiệm Vinh càng nặng bao nhiêu thì lòng lo âu của Mai cũng tăng lên bấy nhiêu. Nhất là lúc bấy giờ giặc Pháp đã dẹp yên nhiều nơi khác, chúng dốc toàn lực vào tấn công Bãi Sậy. Cho nên nghĩa quân Bãi Sậy lúc này gặp rất nhiều khó khăn. Điều này cả Vinh và Mai đều hiểu cả.
Thế rồi trong một trận ác chiến với giặc Pháp tại làng Bích Khê, Đề Vinh, viên tướng trẻ tuổi của nghĩa quân Bãi Sậy đã hiến mình cho tổ quốc. Được tin cấp báo, chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật cảm thấy như bị gẫy mất cánh tay phải, cô Mai như bị nhầu nát cả tâm hồn, anh em nghĩa quân Bãi Sậy sụt sùi sa lụy.
Nước mất, nhà tan, chồng chết: nếu như Mai là một người non yếu thiếu nghị lực, thì chỉ có nước khóc đứng khóc ngồi. Nhưng không, nàng chẳng những không hề khóc, trái lại nàng đã biến chí căm thù thành hành động, để rồi càng tích cực phụ vụ cho đại cuộc được nhiều công tác khẩn trương, và cần thiết hơn.
Trước tình trạng bi đát đó, nhà lãnh tụ Cần Vương Bãi Sậy nghĩ sao? Ông không thể ngồi trông đại cuộc tan vỡ sẽ diễn ra trong một ngày nào, than ôi! Ngày ây không còn xa.
Thế rồi Nguyễn đại nhân quyết định cùng em là Hai Kế phải tạm xuất bôn qua Trung Hoa, để mưu toan cầu viện.
Trong chuyến đi cuối cùng này cô Mai và một số nữ điệp viên tình báo cũng do Mai điều khiển có nhiệm vụ hướng dẫn Nguyễn tướng quân vượt biên giới Hoa Việt. Khi tới biên giới, chia tay với Nguyễn đại nhân là đoàn tùy tùng trở lại về miền xuôi.
Được vài ngày sau đó cô nhận tin thân phụ, cụ Đào Duy Đức, ở chiến khu Bãi Sậy lại cũng lâm trọng bịnh, cô Mai vội vã đi thâu ngày. Nhưng khi về tới nơi thì than ôi, cụ Đức đã ra người thiên cổ.
Cô Mai tổ chức lễ tống táng ông cụ xong, thì chiến khu Bãi Sậy cũng có quyết định giải tán. Sau khi giải tán chiến khu Bãi Sậy, cô Mai có trở lại vùng Việt Bắc, nơi thân sinh của mình nhưng sau đó không còn tin tức gì khác.
Tương truyền rằng, khi nhà cách mạng Nguyễn Thượng Hiền trải qua bao phen thất bại, đã vào tu ở chùa Thường Tích Quang ở Hàng Châu (thị xã tỉnh Thiết Giang, Trung Quốc). Đàng sau vườn chùa có một ngôi mộ. Đầu ngôi mộ có dựng mộ chí đề chữ là: “Yên nam phu nhân Đào Thị Mai pháp danh Diệu Thanh chi mộ” (Dịch nghĩa: Đây là ngôi mộ của một người đàn bà Việt Nam tên là Đào Thị Mai vào chùa này tu hành, mang pháp danh là Diệu Thanh).
Đây có thể là mộ cô Mai này, vì sau khi giải tán chiến khu Bãi Sậy, có tin rằng cô qua Trung Hoa vào tu chùa này, rồi chết và chôn ở đây. Hoặc giả là người khác, chỉ trùng tên họ, chưa có minh chứng xác thực nào.