Bà Trần Thị Quý biệt hiệu Thiệu Trưng, sinh ngày 15-8 năm Kỷ Sửu (1880) người làng Tưởng Lộc, quận Tân Bình, tỉnh Vĩnh Long, xuất thân trong một gia đình nho giáo, con gái cụ Trần Phước Định và bà Bùi Thị Lăng.
Ông cụ thân sinh bà là một nhà thâm nho và có tư tưởng cách mạng. Nhưng lúc bấy giờ ở miền Nam, phong trào Cần Vương kháng Pháp của các ông Trương Công Định, Thủ khoa Huân, Thiên Hộ Dương đã bị Pháp dùng bạo lực đè bẹp. Để kế tiếp cho phong trào đó, tại miền Nam có nhiều tổ chức do quần chúng tự động thành lập, chứ không có một đảng phái nào đứng ra lãnh đạo quần chúng, nên ông cứ vẫn ôm ấp trong lòng, đợi dịp là bùng khởi.
Năm 1904, phong trào Đông Du bắt đầu chớm mọc ở các tỉnh miền Bắc Trung Việt và Bắc Việt, và sau đó là Nam Việt. Nhân dịp đó cụ liền cho hai người con trai, em ruột của bà Quý, xuất dương qua Nhật, kế đến mấy năm sau thì ông cụ mất. Lúc bấy giờ bà Quý cũng đã khôn lớn, vẫn sẵn có đầu óc cách mạng, hơn nữa bà lại được hấp thụ nền luân lý Khổng Mạnh, tinh thần cách mạng của ông cụ thân sinh và truyền thống anh dũng của dân tộc ta từ nghìn xưa, nên bà quyết chí nối gót theo hai em bà và những người đã và đang đấu tranh cho độc lập dân tộc.
Cũng từ đó bà tìm cách liên lạc với các thân hào, nhân sĩ nhiệt tâm vì nước và các tổ chức cách mạng, trong số những người đó có cụ Huỳnh Hữu Chí là một cán bộ cách mạng, hoạt động cho phong trào Đông Du. Sau bao lần thử thách trong mọi công tác cam go, bà được phong trào cử đi công tác ở hải ngoại với nhiệm vụ là liên lạc với cơ quan trung ương. Trên đường công tác với bà có ông Yên Chiêu người Quảng Nam, khi hai người sang đến Hồng Kông thì được tin cơ quan cách mệnh tại đó đã dời qua tỉnh khác vì bị nhà cầm quyền truy nã. Sau đó bà được đưa về trụ sở khác ở Quảng Châu, đó là nhà bà Châu Linh Mẫu. Tại đó và được gặp ông Huỳnh Hưng, ông Đặng Bình Thành, Nguyễn Thần Hiến và cũng trong dịp đó, ông Nguyễn Thần Hiến đã tặng bà một bài thơ như sau:
“Mưa Âu gió Á tạt về Đông
Là tạo Mân gian đúc má hồng
Hồ thỉ bốn phương rầy tới gái
Tang bồng riêng gánh chằng cần chồng
Thân hèn bao quản không nhà ở
Chí cả toan lo có nước chung
Son phấn như vầy đâu dễ kém
Miền Nam cây cỏ thảy thơm nồng.”
Sau mấy ngày ở tại trụ sở Quảng Châu, bà được ông Đặng Bình Thành và ông Huỳnh Hưng đưa đến Cửu Long (một địa điểm ở Hồng Kông) tìm gặp ông Đặng Tử mãn và ở lại đó hai hôm thì không may cơ sở đó bị bại lộ. Nguyên do vì tạc đạn nổ trong khi ông Mân đang nghiên cứu, sự không may đó đã gây ra nhiều hậu quả tai hại cho sở cách mạng, còn riêng ông Mân thì bị mất một bàn tay và nhiều thương tích khác. Tuy vết thương trần trọng, nhưng ông Mân vẫn bình tĩnh nói với các đồng chí:
“Nay sự đã rồi, vậy để bảo toàn cơ sở cách mạng của chúng ta và hoàn thành công cuộc đấu tranh giành độc lập, tôi xin đề nghị với các đồng chí rút ngay về cơ sở khác và để đây mặc tôi xử liệu.”
Sau lần đó bà lại cùng các đồng chí trở về Quảng Châu được mấy hôm, bà sang Triều Châu, Chiết Giang, Quảng Tây rồi định sang Nhật, nhưng vừa đi đến Sơn Đầu thì bị chính quyền tại đây trục xuất, nên bà lại phải trở về Quảng Châu lần nữa, lần nầy may mắn là bà được gặp cụ Phan Bội Châu cùng cụ Kỳ ngoại hầu Cường Để và được ủy giao trách nhiệm về nước hoạt động. Nhưng khi bà vừa đặt chân lên Nhà Rồng thì liền bị mật thám Pháp bắt, mặc dầu cơ quan m65t thám Pháp đã dùng nhiều hình thức dã man để tra hỏi bà, nhưng bà chỉ trả lời vỏn vẹn có m65t câu: “Tôi là vợ nhỏ của một người khách trú, nay vì chúng bỏ trở về Tàu ở với vợ lớn mà không một lời nói với tôi, nên buộc tôi phải trốn gia đình đi sang tìm.”
Qua bao lần tra tấn, bọn mật thám Pháp vẫn không tìm ra manh mối, nên cuối cùng bọn chúng đành chịu và trả lại tự do cho bà và từ đó bà lại tiếp tục hoạt động để hoàn thành công tác do cụ Phan giao từ trước.
Tuy được trả tự do rồi, nhưng bọn mật thám Pháp vẫn rình rập theo dõi, hễ một biến cố chính trị nào xẩy ra trong nước thì bà lại bị bọn chúng bắt về cơ quan tra khảo.
Năm ông Nguyễn Bá Trạc về nước hoạt động, bà cũng bị bọn chúng bắt giam.
Năm cụ Cường Để về nước, bà được cử tháp tùng và dẫn lộ cụ Cường Để đi du thuyết khắp trong toàn cõi Việt Nam để quyên tiền và vận động thanh niên du học. Công tác đó hoàn thành tốt đẹp.
Sau khi cụ Cường Để và một số thanh niên Đông độ lần thứ hai, một lần nữa bà lại bị mật thám Pháp bắt giam. Theo chúng lần này bà là một can phạm tái tam với câu “Mưu cựu bất thoan” (thói cũ không chịu chừa) nên chúng đã dùng nhiều cực hình để tra tấn. Nhưng trước sau bà vẫn không chịu tiêu xưng một đồng chí hay một cơ quan nào. Cuối cùng vì không tìm ra manh mối, nên chúng buộc phải thả bà, rồi ra lệnh quản thúc và nguyệt điểm (mỗi tháng phải tới trình diện ở sở mật thám 1 lần).
Nói về ông Huỳnh Hữu Chí, sau khi ông bị chính phủ Nhật trục xuất, ông liền trở về nước tiếp tục hoạt động cách mạng, nhưng rồi cũng bị mật thám Pháp bắt giam, sau những thời gian giam giữ tra tấn, ông được chúng thả cho về, nhưng cũng bị Nguyệt điểm như những nhà chính trị phạm khác. Thế là cả hai đều phải sống trong cảnh khó khăn tù túng dưới cặp mắt cú vọ của bọn thống trị Thực dân.
Nghĩa nước lo chưa tròn, tình nhà ta phải liệu; hay là “buồng cách mạng có gió xuân thổi vào” hay nữa là: “
Nặng tình non nước, nhẹ bước trong trần, trên mười năm bể Sở sông Ngô, nhụy phấn màu son, gác thôi gió trăng ngoài mộng tưởng.”
“Vì nghĩa gia đình trọng đường lâun lý, cuộc tr8am tuổi tơ Tần chỉ tấn: chồi Hồng, mầm Lạc, xây nền nòi giống giữa giang san.”
Sẵn mối cảm tình đồng tâm đồng chí từ lâu; năm 35 tuổi, bà kết duyên cầm sắt với ông Huỳnh Hữu Chí: 3 năm sau bà sinh được một cậu con trai.
Người ta thường nhắc lại rằng: Bà thường dậy con trai của bà câu này: “Hạnh phúc gia đình song song xây dựng với hạnh phúc dân tộc; nhưng gặp trường hợp cần, thườngkhi hạnh phúc gia đình phải hy sinh cho hạnh phúc dân tộc, chứ không có thể vì hạnh phúc riêng của gia đình mà bỏ hay làm tổn thương đến hạnh phúc chung của cà dân tộc được.”
Trên 15 năm hoạt động đấu tranh gian khổ, khi thì bôn ba nơi đất khách quê người, khi thì lẩn trốn nơi thâm sơn cùng cốc, biết bao gian nan khổ cực, nhưng bà đã làm sáng danh phụ nữ Việt Nam đối với cách mạng, đối với dân tộc.
Thế rồi với tuổi già sức yếu, ngày 12 tháng 2 năm Quý Tỵ (1953) bà đã từ giã cõi trần để về thế giới bên kia.
Bà Trần Thị Quý chết, nhưng tinh thần bà vẫn còn: tinh thần ấy là ý chí quật cường, suốt đời hiến thân cho dân tộc.