Đọc lịch sử cách mạng Việt Nam qua cuộc võ trang khởi nghĩa ở Phú Yên năm 1897 và cuộc tổng khởi nghĩa của vua Duy Tân ở Huế năm 1916, cùng xen bi hùng kịch đã diễn ra ở làng An Hòa thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên cách cố đô Huế về phía Bắc 3 cây số. Hẳn mọi người đã rõ thân thế sự nghiệp của vị anh hùng chí sĩ Trần Cao Vân. Nhưng ai là người đã giúp Trần Công hoàn thành sự nghiệp vĩ đại để rồi được hiến thân cho đất nước; được chết cái chết không bao giờ chết.
Vậy khi biên khảo thân thế sự nghiệp Trần Cao Vân, mà bỏ sót người ấy đi, thì quả là một việc làm còn thiếu sót. Nghĩ như vậy nên chúng tôi biên khảo bài tiểu sử nầy.
Trần Cao Vân phu nhân, chính tên là Võ Thị Quyền, sinh năm Mậu Thìn (1868), con gái một nhà thanh bạch, được cha mẹ và anh chị em trong gia đình quý mến. Hai mươi ba tuổi mới kết duyên cùng cụ Trần Cao Vân. Bà cũng như tất cả các chị em phụ nữ đương thời, là “lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng”.
Lúc cụ Trần Cao Vân vào hoạt động cách mạng ở tỉnh Bình Định (miền Nam Trung kỳ) thì bà cũng lủi thủi xách gói theo chồng cho trọn nghĩa tònh phu với một tâm hồn vô tư lự cho đó là một thiên chức của người đàn bà.
Cụ Trần Cao Vân dừng gót tại tỉnh Bình Định, thuê nhà ở nói là ở để làm ăn. Nhưng bà không hề thấy chồng lưu tâm đến việc gia đình – kinh tế – vì thiên hạ giả bất cố gai – chỉ có ở việc làm nhưng cụ Trần không hề nói ra. Bà chỉ thấy chồng giao du với bạn bè là cần thiết. Từ đây, bà bắt đầu để ý và theo dõi mọi hành động của chồng, lần hồi bà hiểu được tâm trạng cũng như con người của đức lang quân.
Lúc vào tỉnh Phú Yên, cuộc khởi nghĩa của Trần Cao Vân và Võ Trứ bị thất bại, bà phải đem chồng đi trốn ở động Ba Thiên. Từ đó trở đi bà chẳng những là một tay nội tướng vững mà còn là một Đồng chí rất trung kiên theo giúp đỡ Trần công trong đại cuộc diệt thù cứu nước. Thiệt là “buồng cách mạng có gió xuân thổi vào”. Rồi từ đó trải bao cơn nguy hiểm, mỗi lần Trần công bị bắt là bà cũng bị bắt theo; Trần công bị tra tấn tù đầy thì bà cũng bị giam cùm hành hạ. Cho tới lần cuối tức là cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916 ở Huế thất bại. Trần công cùng với những đồng chí: Thái Phiên, Tôn Thất Đề phải lên đoạn đầu đài của giặc Pháp ở làng An Hòa, thuộc huyện Hương Trà, cách cố đô Huế 3 cây số về phía bắc. Lúc đó tất cả mẹ con bà đều bị b8át và gia tài bị tịch thu. Nhưng sự bắt bớ tra khảo tù đầy đối với bà đã thành chuyện cơm bữa. Bà bị giam một thời gian khá lâu mới được chúng thả cho về.
Trước cảnh tượng thương tâm thảm mục, chồng tử tiết, gia đạo tiêu tan, bầy con thơ chiu chít, bữa đói bữa no; bà con không ai dám gần, lân lý chẳng ai dám hỏi. Hai cậu con, một cậu 12 tuổi, một cậu lên 8 tuổi, bà phải dắt đi trốn, hết nơi này nơi khác, nhiều nỗi đau đớn kinh hoàng chơ vơ nơi quê người xứ lạ.
Than ôi: tay không chưa dễ. Đến đâu người ta đều xem như một vị hung thần mang tai họa tới cho họ. Bốn phương trời rộng, dấu phiên bồng không biết giữ vào đầu? Nhưng trong cảnh nước mất nhà tan, đau thương tang tóc ấy, không làm bà nản chí, mà chỉ là những cuộc thử thách can trường của người gái Việt, người Liệt nữ họ Võ, một nhân vật điển hình cho Ngũ Hành Sơn, nơi núi cao sống sâu truyền thống cách mạng.
Tháng 2 năm 1930 bà lại dắt các con trở lại tỉnh Bình Định, tạm ở ẩn một làng trong núi. Nhưng bước cơ tung mới vừa kỳ tích thì ngọn cờ khởi nghĩa lại phất phới từ huyện Phù Mỹ tới huyện Phù Cát đề tên Trần Cao Phong.
Chính quyền tay sai của Pháp ở Bình Định nghi cho con của bà nên chúng kéo lính tráng tới bắt hết toàn gia đem về hạ ngục. Tuy một cậu con của bà được trốn thoát chạy đi nơi khác lánh nạn nhưng rồi lại bị bọn chó săn thực dân đón bắt luôn.
Khi hết hạn tù về, bà đã ngoài 60 tuổi; các con đã trưởng thành, bà bảo người con trai trưởng là Trần Cao Nguyên đệ đơn lên phủ Thừa Thiên xin đem hài cốt Trần công Cao Vân về xứ. Nhưng không được thực dân và phong kiến chấp nhận.
Thảm thay thi hài Trần công Cao Vân và mấy đồng chí lúc bấy giờ chỉ vùi lấp dưới đám cỏ hoang, trải bao nắng dãi mưa dầu, gió vùi cát lấp, hồi Chí sĩ không nơi nương tựa, chốn Tân đình ai kẻ rơi chân. Khổ nỗi nắm xương khô của người ái quốc chí sĩ cũng bị xiềng xích trong vòng cương tỏa, cho đến ngày cuối cùng khi đất nước được hoàn toàn giải phóng khỏi ách thống trị ngoại bang.
Bà hoàn thành sứ mạng đối với Tổ quốc, với hương hồn một nhà ái quốc chí sĩ, lại là chồng của bà. Lúc bấy giờ nợ trần đã sạch, mượn câu kinh tiếng mõ để phá tan khổ não ưu phiền.
Trên con đường gian lao nguy hiểm, vào tù ra tội, đánh đập xích xiềng, thịt rơi máu đổ, cửa nát nhà tan, không bút mực nào kể cho hết được. Thế mà bà vẫn giữ một niềm chung thủy không chút khôi tâm.
Trần phu nhân Võ Thị Quyền tuy không thành công trong việc diệt thù cứu nước như Trưng nữ vương, Lệ Hải bà Vương. Nhưng tinh thần “Trung dũng, bất khuất, trung hậu đảm đang” của bà, vẫn bất tử với thời gian, không lạc mất với không gian, thiệt là những tấm gương trong sáng cho nữ giới soi chung.