Mỹ thuật ứng dụng là khái niệm ngày nay được dùng trong danh mục mã số đào tạo đại học, cao đẳng và thạc sỹ của Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành thay cho khái niệm mỹ thuật công nghiệp là khái niệm được dùng để chỉ các hoạt động sáng tạo mỹ thuật được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống thường ngày. Khác với khái niệm “Mỹ thuật thuần túy” – phục vụ cho các cảm xúc mỹ thuật hàn lâm.
Mỹ thuật ứng dụng rất thường gặp và có tầm quan trọng trong cuộc sống: thiết kế một trang báo, kiểu dáng một chiếc áo mới, kiểu dáng và cách trang trí mới trên một đồ vật, … Các lĩnh vực thuộc Mỹ thuật ứng dụng bao gồm:
- Thiết kế đồ họa
- Thiết kế tạo dáng công nghiệp
- Thiết kế thời trang
- Thiết kế nội thất
- Nghệ thuật trang trí
- Mỹ thuật đa truyền thông
Người tốt nghiệp những lĩnh vực này có khả năng làm tốt một nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng có trình độ lý luận chuyên sâu nắm vững phương pháp sáng tác và nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam và thế giới có khả năng dạy và hướng dẫn sinh viên.
Tuy nhiên, sự nhận thức trì trệ, bảo thủ, lạc hậu kéo dài ở nước ta về tương quan giữa mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng, ảnh hưởng đến chương trình, nội dung đào tạo mỹ thuật ứng dụng, khác biệt châu Âu luôn đổi mới trong nhận thức và hành động.
Quan niệm về mỹ thuật ứng dụng
Trong tiếng Anh, tiếng Pháp, danh từ “Art”, tiếng Đức danh từ “Kunst” dịch ra tiếng Việt là “nghệ, thuật”, là đúng theo nghĩa rộng của nó trong bản ngữ: cho dù đó là mỹ thuật, nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, văn học, … Tuy nhiên, không hiểu do đâu, danh từ “mỹ thuật” lại có ngữ nghĩa rất hẹp và phiến diện “thuật làm đẹp”, nghĩa là dùng tài trí sử dụng phương tiện nghệ thuật và kỹ thuật tạo ra sản phẩm đẹp. Do đó người ta cho rằng nó chỉ là mỹ thuật tạo hình: vẽ tranh, tạc tượng mới tạo ra tác phẩm mỹ thuật, còn tạo ra cái đẹp khác không thuộc mỹ thuật.
Phạm trù mỹ thuật gồm hai lĩnh vực: Mỹ thuật tạo hình và Mỹ thuật ứng dụng. Mỹ thuật tạo hình (tiếng D(ức: Bildende Kunst) là tạo ra hình ảnh, hình tượng, với hai ngành chính: Hội họa và Điêu khắc (vẽ tranh và tạc tượng), phản ánh thế giới khác quan, tự nhiên, con người, xã hội, có nhiều thể loại tranh sơn dầu, sơn mài, tranh khắc, … chất liệu khác nhau, treo trên tường, tiền sảnh, ngoài trời và các tượng đồng, đá, gỗ, thạch cao, composite, … tùy theo chất liệu đặt ở trong nhà, ngoài trời để mọi người thưởng thức, được gọi là loại hình văn hóa nghệ thuật phi vật thể, …
Khác biệt với Mỹ thuật tạo hình, Mỹ thuật ứng dụng (tiếng Đức Angewandte Kunst, tiếng Anh: Applied Art) không tạo ra hình ảnh, hình tượng, không phản ánh thế giới khách quan, tự nhiên, con người, xã hội mà sáng tạo ra tác phẩm vật chất cụ thể, cái đẹp bao hàm cái thực dụng. Mỹ thuật ứng dụng vừa để nhìn ngắm thưởng thức cái đẹp bằng cảm thụ thị giác và là vật thể sử dụng, nên nó thuộc loại hình nghệ thuật tổng hợp.
Mỹ thuật ứng dụng bao gồm mỹ nghệ thủ công như: Mây tre đan, gốm sứ, sơn mài, … Mỹ thuật công nghiệp, Thiết kế sản phẩm, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế môi trường, Thiết kế ánh sáng, … Riêng đề tài Thiết kế (Design) là sáng chế, sáng tạo, thiết kế, tạo dáng, cải tiến các loại: diều gió, roto gió, quạt trần, quạt bàn, thông gió, điều hòa không khí, mát bay, … kể cả đề tài Thiết kế phế liệu là sáng chế, sáng tạo trong lĩnh vực biến các phế thải thành sản phẩm công nghiệp như: giấy vụn thành đồ chơi hay hàng tiêu dùng, biến khí thải thành lò sưởi, …
Tuy nhiên, từ thế kỷ XIX đến gần giữa thế kỷ XX ở phương Tây, khi Mỹ thuật Tạo hình lên ngôi, có quan niệm hạ thấp và không thừa nhận sự tồn tại của mỹ thuật ứng dụng, mỹ nghệ thủ công. Các họa sĩ vẽ tranh, tạc tượng khinh thường mỹ thuật ứng dụng, không coi nó là tác phẩm mỹ thuật, tầm thường hóa mỹ thuật ứng dụng. Những họa sĩ tạo hình cho rằng loại hình mỹ nghệ thủ công, mỹ thuật ứng dụng là Miner (nhỏ hèn, yếu kém, thiểu số); còn tranh tượng mới là Majeur (đa số, lớn hơn, chủ yếu, trọng đại hơn, …)
Quan điểm đối lập đó dẫn đến cuộc đấu tranh nảy lửa kéo dài gần một thế kỷ. Không bị lép vế, những họa sĩ mỹ thuật ứng dụng thành lậ[ các trường đào tạo, các viện – hội Mỹ thuật ứng dụng ở khắp châu Âu, … với số lượng đông đảo đối lập với mỵ thuật tạo hình, nâng cao vai trò và tầm quan trọng của mỹ thuật ứng dụng, mỹ nghệ thủ công trong đời sống xã hội, trong sản xuất kinh doanh.
Đến nay, mỹ thuật ứng dụng đã được thừa nhận là một thành phần quan trọng trong nền mỹ thuật thế giới, góp phần vào quá trình phát triển mỹ thuật đương đại. Các ngành học mỹ thuật ứng dụng được mở ra để đào tạo nhân sự chuyên môn rộng khắp. Và theo đó là nhu cầu việc làm cũng tăng cao, cung – cầu lao động càng đa dạng về số lượng và chuyên môn.