Các sự kiện
Tháng Giêng âm lịch, chúa Nguyễn Phước Thuần phong Phước Dương làm Đông cung. Đông cung ở lại với một số tướng hoạt động tại Cu Đê (Quảng Nam – Đà Nẵng), còn mình thì chạy vào Gia Định.
Đạo binh của Lý Tài ra cửa biển Hiệp Hòa phối hợp với đạo binh của Nguyễn Nhạc ở mạn Đông sông Thu Bồn đánh Nguyễn Cửu Dật đại bại. Dật phải chạy ra Trà Sơn (Quảng Nam – Đà Nẵng).
Tháng 2 âm lịch, 6.000 quân Tây Sơn chia làm 3 đạo tiến lên Quảng Nam lùng bắt Phước Dương. Tướng Diên và Tường bắt được Dương nhưng lại nghe Dương dụ dỗ theo vào Gia Định. Đi đến Ô Gia (Quảng Nam – Đà Nẵng), nhóm này bị Lý Tài bắt đưa về cho Nguyễn Nhạc ở Hội An.
Tháng 4 âm lịch, Nguyễn Nhạc cùng Lập Đình, Lý Tài đón đánh quân Trịnh ở Cẩm Sơn (Quảng Nam – Đà Nẵng). Bị thua, quân Tây Sơn chết nhiều, Nguyễn Nhạc rút về Bến Văn.
Tháng 5 âm lịch, Tướng Nguyễn là Tống Phước Hiệp mộ quân đánh chiếm Phú Yên. Quân Tây Sơn ở thế bất lợi, hai mặt Nam Bắc bị hai kẻ địch tấn công. Nguyễn Nhạc đưa Phước Dương về An Thái, Hà Tiêu (Nghĩa Bình) và rút quân về Qui Nhơn, xây thành lũy cố thủ. Nguyễn Nhạc thay đổi sách lược, tìm cách hòa hoãn tạm thời với quân Trịnh, tránh tình thế một lúc đương đầu với hai kẻ thù.
Tháng 7 âm lịch, Nguyễn Nhạc dùng mữu dụ Tống Phước Hiệp và sai Nguyễn Huệ đánh úp Phú yên, đánh tan hai vạn quân của Hiệp, giết cai đội Nguyễn Văn Hiền, bắt sống cai cơ Nguyễn Khoa Kiên. Tống Phước Hiệp phải bỏ thành mà chạy. Những tướng Nguyễn từ các nơi tới cứu nguy cho Phú Yên đều thất bại. Bùi Công Kế từ Bình Khương đem quân tới bị bắt sống. Tống Văn khôi từ Khánh Hòa ra bị tử trận.
Lý Tài được trao quyền trấn thủ Phú yên nhưng Lý Tài đã làm phản đem thành Phú Yên dâng quân Nguyễn.
Do chiến tranh, Hoa kiều ở Biên Hòa và Mỹ Tho tập trung về Sài Gòn (nay là Chợ Lớn). Khu vực kinh tế này bắt đầu thành hình và phát triển.
Bá Đa Lộc (đại diện Tổng tòa Đàng Trong) về lại Hà Tiên với đoàn tùy tùng 15 người, lập chủng viện ở Cây Quao.