Các sự kiện
Ngày 8 tháng 2, Nguyễn Lữ đem thủy binh vào Gia Định, đánh chiếm thành Sài Gòn và đưa binh tiến đánh Trấn Biên và Long Hồ. Nguyễn Phước Thuần bỏ thành chạy về Bà Rịa. Quân Nguyễn phản công, Nguyễn Lữ thua phải rút quân đem theo hơn 200 thuyền lương lấy được ở Gia Định đưa về Qui Nhơn.
Quân Nguyễn Lữ lần này cũng chiếm Nông Nại Phố (Biên Hòa), tháo dỡ phòng ốc lấy gạch đá, tài vật chở về Qui Nhơn. Người Hoa ở Cù Lao Phố đổ về Sài Gòn, Chợ Lớn để sau đó biến nơi này thành “đại đô hội”.
Đỗ Thành Nhơn đem quân từ Ba Giồng đánh chiếm lại Sài Gòn xong thì rước chúa Nguyễn Phước Thuần về Bến Nghé. Chúa triệu Tống Phước Hiệp từ Bình Khương về. Hiệp đem theo Lý Tài (thủ lãnh nhóm người Hoa Hòa Nghĩa Đoàn) về ra mắt chúa.
Chúa muốn dùng Lý tài, Đỗ Thành Nhơn không bằng lòng.
Tống Phước Hiệp chết, Lý Tài đem quân về đóng ở núi Châu Thới. Đỗ Thành Nhơn đắp lũy Nghi Giang để giữ.
Tháng 10, Đông cung Nguyễn Phước Dương trốn vào Gia Định cho mời Lý Tài vào Sài Gòn để hòa giải với Đỗ Thành Nhơn. Tài đem quân vào Sài Gòn, Nhơn sợ biến đưa chúa về Ba Giồng. Tài đưa Đông cung về trại Dầu Miệt (Thủ Dầu Một).
Tháng 11, Tài cho rước chúa Nguyễn Phước Thuần về chùa Kim Chương rồi đưa Đông cung đến bái yết, ép chúa nhường ngôi cho Đông cung. Nguyễn Phước Dương lên ngôi xưng là Tân Chánh vương, tôn Nguyễn Phước Thuần làm Thái Thượng vương. Nguyễn Ánh lúc đó 16 tuổi, được phái đem quân sang Cao Miên đòi nạp cống theo lệ cũ.
Ánh không ưa Lý Tài, khuyên Nguyễn Phước Thuần dựa vào Đông Sơn hạ Lý Tài. Quân Đông Sơn và Hòa Nghĩa tiếp tục xung đột nhau.
Lê Quí Đôn viết Phủ Biên tạp lục. Bấy giờ ở Gia Định “gieo một hộc thóc thì gặt được 100 hộc thóc”, châu Định Viễn “ruộng không phải cày, chỉ phát cỏ”, “một hộc thóc thu được 300 hộc”. Thóc gạo Gia Định nhiều, giá rất rẻ: 1 quan tiền quí mua được 16 đấu thóc.
Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825) rời Biên Hòa về Tân Long (Chợ Lớn). Sau vài năm học với thầy đồ, ông cùng các bạn lập nhóm “Gia Định Sơn hội” để học hỏi và giúp đỡ nhau trong việc sáng tác thơ văn.