7 cách nuôi dưỡng Cải tiến và Sáng tạo trong sản xuất

Cải tiến và Sáng tạo là một yếu tố quan trọng đối với ngành sản xuất. Nhưng làm cách nào để biến một ý tưởng trở thành hiện thực? Có phải tất cả đều dựa vào may mắn? Đôi khi, một ý tưởng phải trải qua một quá trình chuẩn bị, lên kế hoạch tỉ mỉ với sự tham gia của nhiều cá nhân quan trọng mới đạt thành công.

Bạn cần làm gì để tạo môi trường làm việc khuyến khích tư duy sáng tạo và thúc đẩy mọi người biến những ý tưởng đó thành hiện thực?

Dưới đây là 7 cách thức mà một doanh nghiệp có thể dùng để khuyến khích sự sáng tạo và thúc đẩy ý tưởng sáng tạo đó trở thành hiện thực.


1 – Ý tưởng sáng tạo

Ý tưởng mới có thể đến từ bất cứ đâu, kể cả những nơi chúng ta hoàn toàn không ngờ đến. Một doanh nghiệp sản xuất thường có đội ngũ kỹ thuật, bộ phận phát triển sản phẩm hoặc bộ phận R&D, tuy nhiên, họ không phải là những người duy nhất biết cách giải quyết vấn đề.

Những người có sự hiểu biết sâu sắc nhất về sản phẩm – những người sử dụng sản phẩm và những người trong dây chuyền lắp ráp sản xuất – có thể đưa ra những ý tưởng thiết thực nhất. Các nhà sản xuất cần có công cụ để nắm bắt và khai thác hiệu quả các nhân tố sáng tạo này. Cổng giao tiếp trực tuyến, công cụ hỗ trợ cộng tác và bảng tin nhắn thay cho hộp gợi ý truyền thống, sẽ giúp việc đóng góp ý tưởng trở nên dễ dàng hơn.


2 – Xây dựng văn hóa công ty chấp nhận rủi ro

Một môi trường thực sự sáng tạo đòi hỏi doanh nghiệp phải sẵn sàng thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và học hỏi từ những sai lầm đó. Để làm được điều đó cần bắt đầu từ chính các giám đốc, những người có tư duy cởi mở, khuyến khích thử nghiệm, khen thưởng cho các nỗ lực và chấp nhận rằng không phải mọi ý tưởng mới đều thành công. Điều này giúp củng cố lòng tin của nhân viên, loại bỏ các trở ngại ngăn cản sự sáng tạo.


3 – Tương tác với khách hàng

Khách hàng ngày nay mong muốn sản phẩm có tính cá nhân hóa cao. Các công cụ trực tuyến cho phép người tiêu dùng lựa chọn các tính năng, chọn phụ kiện, chọn màu sắc và phụ kiện cho nhiều loại sản phẩm khác nhau – từ giày dép đến xe hơi.

Khách hàng doanh nghiệp của các sản phẩm máy móc, thiết bị cũng mong muốn được dễ dàng tương tác với các kỹ sư thiết kế và yêu cầu những tính năng cụ thể. Khả năng kết nối với khách hàng thường tạo ra các ý tưởng sáng tạo.


4 – Cộng hưởng sáng tạo và những mối quan hệ mới

Cộng hưởng sáng tạo nghĩa là cải tiến dựa trên ý tưởng vay mượn từ các doanh nghiệp không cũng lĩnh vực kinh doanh với bạn. Ví dụ như bệnh viện học hỏi từ các doanh nghiệp khách sạn để đem đến cho bệnh nhân cảm giác thoải mái như ở nhà. Ngành công nghiệp thiết bị học hỏi từ ngành thời trang cách tao thuận tiện cho khách hàng truy cập và lựa chọn phụ kiện trang trí từ nhiều bộ phận khác nhau.


5 – Tuyển dụng những nhân tài biết nhìn xa trông rộng và sáng tạo

Khi vấn đề về khoảng cách năng lực vẫn gây ra nhiều khó khăn, một số nhà sản xuất đã mở rộng các tiêu chí tuyển dụng, không còn giới hạn bản thân trong lĩnh vực kỹ thuật truyền thống.

Vì tính sáng tạo rất quan trọng đối với quá trình cải tiến, các nhà sản xuất nên xây dựng các nhóm phát triển sản phẩm bao gồm các thành viên sở hữu nhiều kỹ năng đa dạng – bao gồm những cá nhân có khả năng sáng tạo, giàu trí tưởng tượng, tư duy luôn sẵn sàng thử nghiệm điều mới.


6 – Có được sự ủng hộ từ các nhân viên

Việc cải tiến, loại bỏ các quy trình truyền thống và thay đổi tổng thể có thể khiến đội ngũ nhân viên của bạn khó chịu – đặc biệt là nếu những thay đổi này được cho là mối đe dọa đến công việc của họ.

Hầu hết mọi người hành động theo thói quen vì nó đem đến cảm giác quen thuộc, an toàn, dễ tiên đoán. Một quy trình đột phá diễn ra đột ngột mà không có bất kỳ giải thích, lý do hoặc lợi ích rõ rệt có thể gây nên căng thẳng nội bộ.

Để tránh ngờ vực và nuôi dưỡng ý thức sở hữu, trân trọng những ý tưởng mới, hãy khuyến khích nhân viên bạn tham gia vào quá trình thiết lập quy trình làm việc mới, thiết bị mới hay chính sách mới về cách xử lý đơn hàng của khách. Giao tiếp là thành phần không thể thiếu ở mọi cấp độ của sự cải tiến.


7 – Thực hiện những cải tiến nhỏ nhưng thường xuyên

Trong quá trình lập kế hoạch để đưa ra mô hình sáng tạo mới, một kế hoạch tiếp cận theo giai đoạn – xây dựng dựa trên những thành công ban đầu và tiến dần đến giai đoạn cuối của dự án, có thể mang lại nhiều lợi ích.

Ngành sản xuất từ lâu đã ủng hộ tư duy cải tiến liên tục, nhấn mạnh việc liên tục theo dõi, giám sát, cải thiện và đánh giá kết quả. Mặc dù những cải tiến này thường không phải là đột phá lớn, nhưng chúng diễn ra thường xuyên và ổn định. Nhờ vậy, người lao động có đủ thời gian để dần làm quen với những thay đổi trong quy trình và hệ thống. Với cách tiếp cận này, đội ngũ nhân viên của bạn dễ chấp nhận và thích ứng nhanh hơn với thay đổi và những trở ngại hay gián đoạn được hạn chế đến mức tối thiểu.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!