Một trí tuệ sáng suốt không thể bắt nguồn từ một nội tâm hay phiền muộn, lo lắng. Bất kỳ người thông minh nào cũng hiểu rõ điều này, họ sẽ tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh bởi vì người ngoài cuộc thường khôn ngoan hơn người trong cuộc.
Trong suốt giai đoạn đầu của cuộc Đại khủng hoảng trên toàn thế giới, một lần John Collier đến văn phòng của tôi để giải bày về một vấn đề khiến anh ta lo lắng đến muốn bịnh. Kỳ thực anh ta đã có trong tay câu trả lời, nhưng trạng thái tinh thần không tốt khiến anh ta không thể nhận ra đâu là lối thoát cho mình.
Clooier vốn là giám đốc một xưởng đóng giày tại Boston. Khi cuộc Đại khủng hoảng bắt đầu diễn ra, công ty của anh có một số hóa đơn đến hạn cần thanh toán với ngân hàng nhưng không đủ khả năng chi trả. Do vậy, ngân hàng đã tịch thu một phần máy móc thiết bị của xưởng sản xuất. Lúc bấy giờ, Coliier không thể đi vay ở nơi nào khác vì trong tay không còn tài sản để thế chấp.
Trước tình thế của anh, tôi đã suy ngẫm và nhận thấy rằng: Collier là một nhà sản xuất giày có uy tín sau hơn 20 năm hoạt động sinh lời. Anh có rất nhiều bạn hàng lâu năm kể từ khi mới thành lập công ty cho đến nay. Anh còn là nhà tài trợ cho một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất tại Boston. Anh có một cuộc sống gia đình vô cùng hạnh phúc. Khi tính tổng ‘tài sản’ kể trên của Collier, tôi đã nói với anh ta rằng: ‘Anh thật giàu có và những điều này quan trọng hơn hết thảy’.
Vâng, tôi biết thế’, anh ta trả lời, ‘nhưng giờ đây tôi đã khánh kiệt rồi’.
‘Nhưng tôi nghĩ, bất kỳ ai có được nguồn tài sản vô giá như anh sẽ không bao giờ bị khánh kiệt. Bởi vì đó mới chính là những tài sản bền vững nhất mà hiếm người có được’.
‘Nhưng ngân hàng họ đâu có nghĩ thế!’, Collier than thở.
‘Đúng, ngân hàng không nghĩ thế’, tôi giải thích, ‘nhưng có những cách khác để anh tìm được người giúp đỡ cho mình trong hoàn cảnh này. Và đây là điều mà tôi nghĩ anh nên làm: Hãy triệu tập một cuộc họp bao gồm 10 trong số những người thành đạt nhất mà anh từng biết, đặc biệt là những ai có khả năng về tài chính. Đồng thời, hãy mời 10 trong số các bạn hàng quen thuộc nhất của anh cùng tham dự. Anh có thể hỏi vay họ tiền để khôi phục lại hoạt động kinh doanh của mình’.
Tôi liền nhận thấy mình không cần phải nói nhiều thêm nữa bởi giờ đây trong ánh mắt của Coliier dường như đã mất đi sự lo lắng và sợ hãi. Anh mỉm cười, lấy ra từ trong cặp một cuốn sổ tay nhỏ và bắt đầu viết. Sau khi viết xong, anh chuyển cho tôi xem cuốn sổ và điều ngạc nhiên là trong đấy chỉ bao gồm tên của khoảng năm người trước kia từng là khách hàng quen thuộc của anh.
Tôi liền giải thích với Collier rằng cách mà anhđịnh áp dụng cũng tương tự như cách mà Henry Ford đã từng sử dụng vào những ngày đầu tiên thành lập Công ty Ford Motor. Nhờ biện pháp này mà Ford đã nắm trong tay đủ nguồn tài chính để đưa công ty vào hoạt động từ sự hỗ trợ của các khách hàng trước đây đã từng mua xe hơi của Ford.
‘Bây giờ thì tôi đã biết rõ mình phải làm thế nào’, Collier nói, ‘Nhưng điều khiến tôi thắc mắc chính là tại sao tôi lại không nghĩ đến biện pháp này trước khi gặp anh nhỉ?’ Những câu hỏi tương tự như thế cũng đã từng quanh quẩn trong đầu óc của nhiều người, dù họ thừa khả năng tìm được biện pháp để giải quyết vấn đề.
Sau đó Collier quay lại Boston và bảy tháng sau, tôi nhận được một lá thư do anh gửi đến kể về kế hoạch của mình. Kèm theo lá thư còn là một chiếc đồng hồ quả lắc rất đẹp có khắc dòng chữ: ‘Tặng Napoleon Hill, người chỉ đường dẫn lối cho phần còn lại trong con người tôi!’
Chính dòng đề tặng đó đã giúp tôi hiểu rõ toàn bộ câu chuyện. Tất cả những gì mà tôi đã làm chỉ là giải phóng Collier ra khỏi những song sắt của sự lo lắng vô nghĩa mà anh đã tự đặt ra cho mình.
Bài học rút ra là: Tài sản vô giá nhất của chúng ta chính là khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất kỳ ai có thể và sẵn lòng giúp đỡ khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh bế tắc.