”Họa sĩ – Nhà điêu khắc phải là nhà tư tưởng sáng tạo” trích lời Leonardo Da Vinci.
Đầu năm 2009, nhà văn Anh, Robin Edwards, đã ra mắt tiểu thuyết Lầm lỗi của gia đình Borgia, một tác phẩm văn học viết về danh họa Leonardo Da Vinci. Theo nhãn quan của Robin Edwards, Leonardo được hình tượng hóa giống như hình tượng Don Quijote đã chiến đấu với chiếc cối xay gió và bất chấp nguy hiểm, một người thông minh nhưng viễn vông và đầy đam mê cuộc sống. Trước đó, năm 2003, cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci của nhà văn Mỹ, Dan Brown, cũng sử dụng những bí mật xoay quanh những họa phẩm để đời của Leonardo làm chất liệu cho cuốn tiểu thuyết tốn nhiều bút mực trong suốt thời gian dài. Đây là một trong những tiểu thuyết trinh thám bán chạy nhất thế giới với hơn 40 triệu bản và được dịch ra hơn 44 ngôn ngữ (tháng 3.2006). Bộ phim cùng tên với sự tham gia của nam tài tử Tom Hanks và nữ diễn viên Andrey Tautou đã mở màn Liên hoan phim Cannes 2006 và trở thành siêu phẩm điện ảnh làm nổ tung màn bạc thế giới. Trước đó nữa, bộ phim Nụ cười Mona Lisa với sự tham gia của nữ minh tinh Hollywood Julia Roberts cũng trở thành một hiện tượng của phòng vé toàn cầu. Điều này chứng tỏ cái tên Leonardo Da Vinci cùng với những tuyệt tác nghệ thuật hội họa của ông trở nên khá phổ biến và hấp dẫn, trở thành đối tượng nghiên cứu và khai thác của nhiều lĩnh vực, cả về văn hóa nghệ thuật lẫn khoa học công nghệ.
Tước bỏ đi những bí ẩn, những rắc rối trong đời tư, tước bỏ đi những nghi ngờ về giới tính, không ai có thể phủ nhận Leonardo là một thiên tài toàn năng, một con người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật, cho khoa học. Ông không chỉ là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất thời Phục Hưng với tuyệt tác Mona Lisa, Bữa tiệc ly cuối cùng, mà ông còn được biết đến như là một nhà điêu khắc, kiến trúc sư, kỹ sư, nhạc sĩ, bác sĩ, nhà giải phẫu, nhà sáng tạo và triết gia, … Với những họa phẩm lưu lại trong đời và những ý tưởng vượt trước thời đại, những đóng góp to lớn của Leonardo Da Vinci mãi in dấu và mãi trở thành di sản vô giá của nhân loại.