”Cái bất hạnh đối với một họa sĩ là để cho lý thuyết lấn bước thực hành”.
Léonard De Vinci.
Người Ai Cập, người Hy Lạp và người La Mã đã biết dùng màu thủy noãn nhưng nó chỉ phát triển thật sự vào thời kỳ Byzance và vẫn là phương pháp được sử dụng nhiều nhất cho tranh cỡ nhỏ cho tới khi có sơn dầu vào thế kỷ 15.
Theo từ nguyên, từ thủy noãn (tempera) chỉ sự pha trộn các sắc tố với một chất kết dính, và do đó có thể lẫn lộn với kỹ thuật thủy hồ hay màu keo (détrempe). Chẳng hạn như trong tranh màu pha sáp, chất kết dính là sáp nóng và lỏng. Sáp pha màu được phết bằng cọ lên bản gỗ, và khi nó đã bám vào gỗ thì người ta tạo hình bằng một thỏi sắt nóng gọi là ”mũi đốt”. Phương pháp nầy có lẽ do người Hy Lạp phát minh, đã được người Ai Cập dùng lại vào thế kỷ 2 để vẽ lên xác ướp. Vẻ láng và đều của bề mặt vẽ bằng màu pha sáp thuở đó trái ngược với mục đích của các họa sĩ hiện đại, họ dùng sáp ở thể nhũ tương để làm nổi bật nét bút lông và dấu mũi đốt trong kết cấu cuối cùng. Trong Nghệ thuật Đại chúng (Pop Art), nhất là trong các tác phẩm của Jasper Joyns như Cờ và Mục tiêu, xuất hiện từ phương pháp rất xưa nầy một công dụng mới.
Một chất kết dính khác ngày xưa thường được dùng là chất bã sữa. Với phương tiện nầy, bức tranh khô rất nhanh và mặt tranh hoàn chỉnh có vẻ mờ, các màu tan vào nhau rất khó và phải dùng dao vẽ hay cọ cứng để trát màu dày. Những họa sĩ cận đại như Matisse và Motherwell đã dùng hỗn hợp nầy mà hiện nay được bán sẵ trong ống. Các bức tranh bột màu mà ngày nay người ta cũng còn vẽ thường bị xếp vào loại màu thủy hồ một cách sai lầm.
Trong loại tranh thủy noãn thật sự, chất kết dính là tròng đỏ trứng, và hiếm khi tròng trắng được dùng, được trộn trong nước dưới dạng nhũ tương.
Nó khô hết sức nhanh và, về một vài điểm, kỹ thuật nầy gần giống với kỹ thuật vẽ nét; khía cạnh hình họa và cách điệu của những bức tranh giản dị mà tinh tế thời Trung cổ và thời kỳ đầu Phục Hưng quả là điểm đặc trưng.
Tính trong sáng của tranh thủy noãn là do lớp lót thạch cao trắng trộn với keo mà trên đó người ta tô màu lên. Nhiều lớp lót được trát lên mặt nền, thường là một bản gỗ, lớp thạch cao mịn cuối cùng được tô láng để bề mặt có vẻ láng như men. Hình vẽ có thể được vẽ trực tiếp bằng than trên lớp lót hoặc, đối với những tác phẩm quan trọng, được chuẩn bị trên giấy và khắc lên đó bằng mũi trâm bạc. Hiển nhiên là có ít khả năng dặm vá một tác phẩm đang thực hiện.
Việc mạ bằng lá vàng là một yếu tố trang trí quan trọng cho tới giữa thế kỷ 15, vừa cho nền vừa cho các vầng hào quang của các vị thánh và chi tiết nếp áo. Các thánh tượng và bàn thờ được mạ vàng không chỉ để tăng thêm giá trị mà còn vì vàng tượng trưng sự vinh quang thần thánh và lấp lánh trong bóng lờ mờ của nhà thờ. Các sách viết tay trên da dê thời Trung cổ cũng được trang trí bằng lá vàng hoặc vẽ bằng màu thủy noãn.
Kỹ thuật màu thủy noãn đòi hỏi một cái nền sáng; sau hình vẽ nét độc sắc sơ khởi, người ta tô lên một lớp ”đất xanh” ở một số chỗ nhất định dùng làm nền trung hòa cho màu da thịt. Người ta dùng nhất là màu đất, chỉ trát qua một lớp. Đối vớc các sắc tố quý giá hơn, như màu son, màu lục gỉ đồng và màu xanh dương, người ta trải qua màu bằng nhiều lớp mỏng, có khi tới mười lớp để có được vẻ sáng đặc trưng của màu thủy noãn. Người ta dùng bút lông mịn quét thật nhanh vì màu khô rất lẹ. Các chi tiết nếp áo sau đó có thể được vẽ lại trên lớp mặt bằng những nét bút sát nhau.
Ngay từ thời Phục Hưng, phương pháp nầy đã dần dần được thay thế bằng sơn dầu dễ sử dụng hơn. Nhưng kỹ thuật màu thủy noãn lại được các họa sĩ hiện đại như Ben Shahn, Edward Wadsworth và Andrew Wyet trọng dụng.
Tranh Các con số vẽ bằng màu của Jasper Johns
Tranh Các số vẽ bằng màu
Tác giả: Jasper Johns
Phương pháp màu pha sáp cổ xưa được sử dụng lại theo một hình thức mới, trên một mặt nền bằng giấy báo vò nhàu dán trên vải. Bề mặt lồi lõm và nét chấm phá nham nhở do màu ăn nhanh làm cho sự thể hiện các hình ảnh quen thuộc nầy gồm chữ, số, cờ, lá bài, có các tầm vóc nghệ thuật, nó ghi đậm nét trong truyền thống hội họa.