”Cái bất hạnh đối với một họa sĩ là để cho lý thuyết lấn bước thực hành”.
Léonard De Vinci.
Chúng ta đã nhận xét hội họa chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội – văn hóa tới mức độ nào và quan niệm cá nhân của nghệ sĩ đối với bố cục bức tranh như thế nào. Một nhân tố quan trọng khác là kỹ thuật được dùng vì mỗi kỹ thuật có những đặc thù và những hạn chế riêng, mà chúng ta sẽ khảo sát trong phần nầy.
Khi người ta có dịp may thấy một hình ảnh sinh ra từ bàn tay của một nghệ sĩ tài năng, người ta chỉ có thể thán phục sự biến hóa thần tình trong việc sáng tạo đó thôi. Vì đó đúng là sự ”biến sắt thành vàng” đặc biệt là trong hội họa châu Âu, trong nhiều thế kỷ vốn gắn liền với môn hóa học và nghề sắt cũng như nghề nhuộm. Hội họa là một nghề thật sự, phải học tập chuyên cần và cần tới những chất liệu đắt tiền và đôi khi khó kiếm; kỹ thuật thường được giữ kín, quyết định tính chất của tác phẩm trong những giới hạn khá chặt chẽ. Sự xuất hiện màu đựng trong ống và các vật liệu khác làm cho công việc của họa sĩ dễ dàng hơn chỉ mới có ở Tây phương đây thôi; việc nầy đã ảnh hưởng đáng kể tới sự tiến hóa của hội họa.
Thuật ngữ nghệ thuật thường mơ hồ nên nhắc lại vài định nghĩa không phải là vô ích. Chẳng hạn như ”chất pha màu” đôi khi được dùng để chỉ nước, dầu (sơn), nhựa thông hay nhựa tổng hợp được thêm vào màu đặc để có độ đặc mong muốn. Nhưng theo một nghĩa rộng hơn nhiều, nó chỉ những kỹ thuật khác nhau của họa sĩ: màu thủy noãn, màu pha sáp, bích họa, sơn dầu, sơn acrylic, mục tàu, màu nước, màu bột, phấn màu, cả những kỹ thuật vẽ nét và khắc nữa. Nói hội họa là nói tới chất màu có gốc là sắc tố dạng bột, hóa chất hay do thảo mộc và khoáng chất. Các sắc tố đó được cố định bằng chất kết dính, keo, bã sữa (caséine), trứng, dầu, sáp hay nhựa cây, trừ cho bích họa, vì sự cố định màu chỉ xảy ra do phản ứng hóa học của nước với vôi trên tường.
Các hoại sĩ cũng dùng nước, dầu, nhựa thông hay nhựa tổng hợp để làm loãng màu đặc, để tác động tới thời gian khô và để làm cho màu mờ đục đi sáng lên. Chất pha màu khô được dùng vẽ nét cũng có thể được pha màu, nhưng chỉ có phấn màu được dùng cho tranh sơn vì màu của nó được trải đều. Từ ”mặt nền” phụ thuộc bề mặt mà hình ảnh được vẽ lên, như bản gỗ, vải, giấy hay lớp trát thạch cao.
Chất liệu, kỹ thuật và mặt nền được một họa sĩ sử dụng có thể tăng những khả năng của một phương tiện, nhưng đặc thù của nó thì không thay đổi. Trong số những màu sơn nước khô nhanh, màu thủy noãn và màu bột là thứ thích hợp nhất cho tranh vẽ nét và hình ảnh được cắt hình rõ rệt; màu tương đối phẳng và kết cấu khá phong phú. Tính lỏng và trong suốt của màu nước và thủy mặc đòi hỏi phải vẽ thật nhanh và thích hợp để vẽ những sắc độ giảm dần tinh tế trong các hợp sắc dịu và của không khí. Sơn dầu thì cho phép thể hiện hình khối và không gian bằng cách tăng giảm mức độ giá trị màu. Màu acrylic đặc biệt dễ sử dụng, kết hợp tính mềm dẻo của sơn dầu với tính chính xác và nhanh của màu thủy noãn và bột màu. Hiệu quả của kết cấu thay đổi rất lớn từ chất pha màu nầy tới chất pha màu khác: cái thanh tú của màu thủy noãn, sự nhẹ nhàng của bích họa, và của màu nước, tính đa dạng của sơn dầu. Tùy loại bút lông chồn hay lông heo, đường viền sẽ rõ nét và bức tranh có vẻ trau chuốt, hay nét bút sẽ mạnh mẽ và chất màu có vẻ xù sì. Cuối cùng, với con dao vẽ, bề mặt tranh sẽ sống động với những bệt màu nổi cộm.
Toàn sắc và màu cũng phụ thuộc nhiều những chất liệu mà họa sĩ sử dụng. Trong màu thủy noãn và bích họa, việc màu khô đi làm cho toàn sắc sáng hơn. Chỉ khi sơn dầu phát triển người ta mới có thể đạt được độ phong phú và vẻ đậm đà của màu sắc như ta thấy trong các bãi biển sẫm màu của Le carcavage và Vélasquez. Trường phái ấn tượng và trường phái dã thú, những cuộc cách mạng thật sự về mặt màu sắc, đã dựa theo các phát minh kỹ thuật của các nhà hóa học ở thế kỷ 19 cho phép chế tạo các sắc tố bền dùng cho mỗi màu trong phổ màu. Trước kia, phổ màu chỉ tăng lên rất chậm. Những chất thiên nhiên không phải lúc nào cũng cho phép có được những màu rực rỡ mà các họa sĩ ngày nay lúc nào cũng có sẵn. Một số màu có gốc khoáng có sẵn thường rất đắc tiền đối với các họa sĩ ở thế kỷ 16 nên họ đành dùng những chất liệu thông thường để vẽ trên các bề mặt rộng; họ dùng cách phủ chồng nhiều lớp và dùng sự tương phản màu sắc để tạo ảo ảnh thị giác về chiều sâu hay cường độ màu sắc.
Chúng ta biết khá ít về các kỹ thuật cổ xưa và rất thường khi những sự hư hỏng hay sự phục chế hấp tấp không cho phép chúng ta đánh giá đúng các tác phẩm trong trạng thái nguyên lai của chúng nữa. Nhưng những tiến bộ mới đây trong lãnh vực nghiên cứu sử học giúp xác định rõ hơn sự khéo léo của các danh sư xưa cũ và hiểu rõ hơn các tương tác giữa các chất pha màu và ý nghĩa của tác phẩm, kỹ thuật và cách diễn đạt của mỗi người.