”Cái bất hạnh đối với một họa sĩ là để cho lý thuyết lấn bước thực hành”.
Léonard De Vinci.
Tranh tường là một trong những nghệ thuật truyền thống cổ xưa và quý giá nhất. Trái với tranh màu thủy noãn đòi hỏi sự chính xác tỉ mỉ, tranh tường, do khuôn khổ lớn và tính công cộng của nó, hiến cho họa sĩ tầm thể hiện rộng lớn ở đó chi tiết không quan trọng bằng khả năng gợi ý của toàn thể.
Tranh tường cổ xưa nhất là tranh trong hang động vẽ bằng than củi và màu đất trực tiếp lên đá. Ở thời cổ đại Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ và châu Á, các đền đài, lăng mộ và cung điện được trang hoàng rất nhiều tranh tường, vì đó là một phần không thể tách rời của kiến trúc. Nhà của một số nông dân La Mã được trang hoàng bằng những bức tranh lừa mắt. Người Byzance trái lại thích cái rực rỡ của men khảm để trang hoàng bên trong nhà thờ và tu viện của họ, trong khi nước Ý duy trì truyền thống tranh trang trí trong thời kỳ Gothic với những hệ bích họa lớn trong nhà thờ.
Bích họa, ”tranh tươi” (fresco), là kỹ thuật phổ biến nhất thời Phục Hưng. Nó thay thế một phương pháp thịnh hành cho tới thế kỷ 13 gọi là phương pháp khô, nghĩa là trên lớp lót khô; các sắc tố tan trong trứng hoặc keo được tô lên bức tường hơi ướt, và bức tranh đôi khi còn được phủ một lớp sáp để khỏi tróc và để cho màu có vẻ sáng tươi mà kỹ thuật thủy noãn có khuynh hướng làm cho mờ đi.
Bích họa đúng nghĩa theo kiểu Ý (buon – fresco) là một phương pháp phức tạp hơn nhưng kết quả đáng chú ý hơn. Người ta tô các sắc tố pha trong nước lên lớp lót còn ướt, và do phản ứng hóa học dưới tác động của không khí, một lớp vỏ váng vôi sẽ thành hình, nó cố định và bảo vệ các màu. Các sắc tố được dùng phải có gốc khoáng như đất sét, si-li-cat, để kháng lại tác dụng của vôi. Các màu đất khá đục làm cho bích họa có các sắc độ dịu, nhẹ đặc trưng. Đối với các hợp sắc tươi sáng hơn, như các màu lam, phải cần tới kỹ thuật thủy noãn khi bề mặt bích họa khô.
Vì phải vẽ rất nhanh, toàn bộ công việc đã được chuẩn bị công phu. Từ một bản phác họa sơ khởi, các trục chính của bố cục đã được đánh dấu rõ ràng, họa sĩ thực hiện hình vẽ nét trên một lớp vữa khá xù sì gọi là arriccio. Giai đoạn đầu tiên nầy cho phép nghệ sĩ và người xuất vốn cho tác phẩm có một ý niệm rõ ràng về việc đưa cảnh tượng chủ yếu của tranh tường của thời kỳ đó.
Một lớp lót bằng vôi thứ hai, mỏng và có hạt mịn, gọi là intonaco, dần dần phủ lên lớp thứ nhất theo đà tiến triển của công việc khi họa sĩ ước lượng từng ngày bề mặt có thể hoàn thành trọn một lần. Công việc làm trong ngày, gọi là giornata, do đó sẽ thay đổi, nhiều hay ít, tùy theo sự phức tạp của những phần phải vẽ. Thường thì chính họa sĩ trát lớp lót cuối cùng để có bề mặt như ý muốn, và hình vẽ chuẩn bị vẫn còn thấy được vào lúc bắt đầu một gày làm việc mới cho phép anh ta không mất dấu bố cục. Màu của các sắc tố thay đổi khi khô, trở nên sáng hơn hay mờ hơn, do đó cần có một bảng sắc độ khô để hướng dẫn. Các họa sĩ đã vẽ màu nhạt và hơi lạnh vì đã quen với ánh sáng ban ngày hoặc ánh nến.
Kỹ thuật bích họa đòi hỏi làm việc khó nhọc trong nhiều giờ trong chỗ tranh tối tranh sáng và họa sĩ phải có sức khỏe cũng như khéo léo và nhanh nhẹn. Rất ít khi sửa chữa được vì màu bị lớp lót hút rất nhanh. Những chỗ dặm vá nhỏ có thể thực hiện bằng màu khô được, nhưng với những sửa chữa quan trọng thì phải cạo lớp thạch cao đi và làm lại.
Tính chất vĩ đại của bích họa nằm ở tính hoành tráng và tự nhiên của nó. Bút lông nhỏ bằng lông chồn thường được dùng để vẽ màu thủy noãn chỉ dùng để hoàn tất theo phương pháp khô. Sơn dùng cho bích họa được tô với số lượng lớn bằng cọ to quét nhanh lên bề mặt, như màu nước. Phương pháp nầy thích hợp một cách hoàn hảo cho việc trang trí lớn có nhiều hình diện có tính điêu khắc với nền được xử lý theo cách có tính ấn tượng. Kỹ thuật bích họa không được ưa chuộng nữa sau thế kỷ 16, một phần vì nhà nước không đặt làm, nhưng nhất là vì tranh sơn dầu trên vải dễ sử dụng hơn nhiều, dù là tranh khổ lớn.
Các giai đoạn thực hiện một bích họa
Hình phụ bản màu là phục trạng công việc của Andrea del Castagno và những người phụ tá khi vẽ các bích họa trong phòng ăn nhà thờ Saint – Apollonia ở Florence, bức Đóng đính, Hạ Thập giá và Chúa phục sinh, khoảng năm 1445 – 1450. Từ một bức vẽ nét chuẩn bị trước bằng màu đất có oxit sắt sinopia, ông tiến hành vẽ nhiều phần khác nhau, như phần Chúa phục sinh ở hết về bên trái. Bức vẽ toàn thể bằng màu sinopia được vạch trên một lớp lót xù sì arriccio phủ lên lớp hồ vữa. Để làm việc nầy, người ta dùng cái rập trên đó những đường viền được xoi lỗ bằng cái bánh lăn của thơ may. Kế đó người ta chà bằng một túi nhỏ đựng than gỗ và khi lấy rập ra thì chỉ con phải vẽ lại bằng màu sinopia đường mà các điểm đã đánh dấu. Màu sinopia được phủ một lớp vôi mỏng, intonaco, lớp lót mới trên đó họa sĩ vẽ những hình cho ngày hôm đó. Nhưng Castogno dùng lại rập để vạch lại hình vẽ bằng than trước khi vẽ màu. Sự thận trọng nầy là việc ít có vì phần lớn họa sĩ thời ông vẽ trực tiếp lên lớp intonaco. Những người phụ phải mang những thùng nước lớn lên để hòa màu trước, để rửa cọ bị dính vôi, và để thấm ướt lớp lót lần hồi theo tiến độ công việc. Giàn giá được gắn chặt vào tường bằng các cây ngang. Bức bích họa của Castagno được khám phá dưới một lớp nước vôi trắng vào năm 1890.