Chất liệu và kỹ thuật hội họa: Bước đầu của sơn dầu

”Cái bất hạnh đối với một họa sĩ là để cho lý thuyết lấn bước thực hành”.

Léonard De Vinci.

Tranh sơn dầu, thể loại chủ yếu trong lịch sử hội họa Tây phương, đã khởi đầu chậm chạp, khó khăn và bất trắc. Tuy nhiên, sơn dầu là một chất pha màu rất lâu đời, đã được dùng để vẽ các xác ướp của người Ai Cập, để sơn khiên của lính La Mã và vẽ cờ xí trong các đám rước thời Trung cổ, cũng như để làm dầu bóng lớp mặt. Các họa sĩ vẽ trên gỗ thời Trung cổ đúng là đã dùng lớp phủ mặt bằng sơn dầu để bảo quản tác phẩm của họ hay để cho chúng có vẻ bóng, và họ đã nhận ra rằng người ta có thể lợi dụng chất linh hoạt đó để nối kết các sắc tố và làm nổi bóng. Ngay từ cuối thế kỷ 13, nhiều ”công thức” sơn dầu nhũ tương khác nhau đã là đề tài của nhiều sách khảo luận, nhưng cái khó là làm sao có được một chất pha chậm khô hơn và lỏng hơn những chất mà người ta thử nghiệm cho tới lúc đó và không được để lại dấu vết nào. Các họa sĩ Florence ở thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15 đành dùng dầu cho những phần thô nhất của bức tranh.

Người ta phải mang ơn các họa sĩ Bắc Âu – anh em Van Eyck – là những người đã hoàn thiện kỹ thuật sơn dầu. Đầu thế kỷ 15, họ và các họa sĩ Flandres khác, những người theo kỹ thuật mới nầy, bắt đầu bằng việc thận trọng theo phương pháp màu thủy noãn đã được thử thách: thoạt đầu bản vẽ nét chuẩn bị vẽ bằng màu keo được phủ một lớp mỏng trong suốt có gốc dầu và nhựa cây, phương pháp nầy không phải là không có nét tương tự với cách tráng ảnh đen trắng. Các bản gỗ có lơp lót thạch cao được dùng làm mặt nền làm cho các lớp liên kết có vẻ sáng, và để có hiệu quả hơn, người ta có thể trải trên các lớp dầu mỏng một lớp màu trắng thủy noãn nhẹ.

Những bức tranh thủy noãn có tráng sơn dầu đầu tiên đó có đặc điểm là nét vẽ chính xác và màu sáng chói. Những lớp liên tiếp làm tan hòa vào nhau một cách tinh tế các bóng nổi thủy noãn trong các sắc độ đậm hay nhạt dần và làm cho hiệu quả ánh sáng thêm đa dạng; đưa không gian hội họa vào ánh sáng dịu của một ngọn nến hay, ngược lại, trong ánh sáng tự nhiên. Các chuyển sắc tinh tế và bóng ngả được giả tạo khéo léo làm cho các đối tượng có sức nặng và sự vững chắc. Nhưng toàn bộ bức tranh, được tạo dựng công phu từ bức vẽ nét sơ khởi, vẫn giữ nét bố cục Trung cổ không chối cãi được. Sự xử lý hình diện và nền còn hết sức chi tiết, không tính với vị trí trong không gian của đối tượng; đường viền được xác định kỹ lưỡng làm các hình thể phân biệt nhau rõ rệt, những hình thể nầy cũng phân biệt nhau do màu sắc khác nhau. Tính hệ thống của kỹ thuật nầy cho các chân dung và hình bán diện vẽ giống như tượng một vẻ to lớn trong sáng và cái cảm giác trong sạch lạnh lùng đó còn được tăng cường bằng nét hoàn tất tuyệt diệu của lớp màu không có chút dấu vết nào của nét cọ.

Với sự hoàn thiện kỹ thuật sơn dầu, kiểu cách càng khác biệt và trở nên tự do hơn. Nhưng một số danh sư tiếp tục truyền thống nghiêm ngặt. Các họa sĩ trường phái tân cổ điển, như David và Ingres chẳng hạn, trở về nguồn gốc bằng cách sử dụng một cách có hệ thống kỹ thuật vẽ nét trước. Ở thế kỷ 19 cũng vậy, trường phái Tiền – Raphael dựa theo các kỹ thuật màu thủy noãn thịnh hành trước thời kỳ Raphael và cố tìm lại sự trung thành với thiên nhiên bằng những phương pháp phức tạp. Gần đây hơn, các họa sĩ siêu thực như Dali và Magritte, trong cố gắng thuyết phục người xem về ”sự thật” của những hình ảnh vô thức, đã tước bỏ sức mạnh biểu hiện đặc thù của bút ý để chỉ để cho sư thể hiện khách quan và vô ngã lộ ra dưới những bề mặt hoàn toàn trơn nhẵn. Các họa sĩ hiện thực – nhiếp ảnh. Với mục đích hoàn toàn khác, cũng tìm thấy trong sơn dầu một phương tiện để làm chủ chi tiết có thể sánh với phương tiện nhiếp ảnh.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!