Lễ cúng Tổ năm 1948

Bài viết trích trong sách ”50 năm Cải lương” của Vương Hồng Sển.


Năm 1948, lễ cúng Tổ rất có trật tự. Hát bội cúng trước, rồi mới đến lượt cải lương, cúng qua ngày khác kế đó. Bữa tôi dự kiến là phiên cúng của nhóm hát bội, kép và đào tề tựu đã đông, chia nhau theo thứ tự niên kỷ, phân cắt ràn rồi cứ đến phiên mình ra hành lễ. Mỗi người tự lựa một câu hát ruột bấy lâu ưa thích nhứt để hát lên kính dâng với lòng thành cho thánh Tổ nghe.

Thí dụ kép Tám Tri, trước ở gánh Cần Thơ nay lên nhập gánh Hai Thắng đình Cầu Quan, y sở trường vai Vương tư đồ trong lớp Phụnghi Đình, bữa ấy khăn đen áo dài ra xá Tổ rồi chắp hai tay hát câu ”Ngọc chỉ trù trì …” hát dứt câu lạy ba lạy rồi lui ra nhường chỗ cho người kế.

Tục lệ phải tránh những câu hát tử vận hoặc quá thảm thê vì e rằng hệ. Năm ấy tội nghiệp cho kép Tư Huân, cũng là tay có hạng, đang đau liệt giường, cũng ráng gượng cậy người xóc nách ra lạy Tổ. Huân định thần, cố hát được nửa câu hát khách, tôi lóng tai nghe kỹ rõ là một thứ tiếng cao vút, nhưng đã không phải là tiếng người, có lẽ là tiếng thiêng liêng tự đáy lòng nhiệt thành, hoặc từ cõi dưới âm nào đưa đến. Tư Huân hát được nửa vế đầu, rồi hát tiếp không nổi nữa, đuối hơi quá nằm mọp trước bàn thờ, hai hàng lụy nhỏ ròng ròng, khách bàng quan không cầm giọt lụy cũng khóc theo. Sau phải khiêng anh tránh một bên cho cuộc lễ tiếp tục. Nghe nói không mấy hôm là Tư Huân thở hơi cuối cùng.

Cũng dịp ấy tôi nghe nói lại rằng những trường hợp như Huân, nếu có kép nào tập sự còn non nghề mà muốn thọ giáo thì hãy lạy ra mắt xin trước với Huân bằng lòng cho tôn làm thầy. Khi Huân bằng lòng thì người kia nghiễm nhiên là học trò phải ra công săn sóc cho thầy, chạy thuốc và nuôi dưỡng tử tế. Khi thầy gần hấp hối, thì phải túc trực sẵn gần bên, đợi khi vuốt mặt thì người chết sẽ truyền nghề lại trong mấy hơi thở cuối cùng. Như vậy người học trò sẽ thừa hưởng cái ”hơi ấm” và nghệ thuật của thầy để lại. Tôi tưởng nhờ đức tin, nhờ lòng thành, người mất sẽ thấy như nghề mình chưa mất, và người học trò đinh ninh thầy truyền nghề hay, truyền hơi ấm tiếng thanh cho mình, tức nhiên sẽ trở nên kép hay kép giỏi và mỗi lần hát sẽ vững bụng tin có hồn thầy theo phù hộ tự tin lấy mình thêm và hát phát hơn trước.

Trong lễ cúng tổ năm ấy tôi học nhiều về nghệ thuật hát bội và tiếc cho mình bất tài không đủ sức để giúp cái nghề ấy khỏi bước suy tàn trước mắt. Kép Chín Tài, Tám Hiển, Sáu Hẩu (vừa mất đầu năm 1968), các cô Hai Nhỏ (đã mất mới đây), cô Ba Đắt, cô Ba Út, cũng không tránh được luật đào thải. Năm ấy tôi đã nghe nhiều câu chướng tai như có người làm tàng nói Tổ hát bội do Tổ hát bội Tàu sang nên tên húy là ”Hồng Tào Xạc’, tôi muốn nói sao không gọi ”Hồng Tàu Xá, Hồng Tàu Chúc”, nhưng tôi dằn vì ngày cúng và hẹn khi nào viết tập sau ”Hồi ký về hát bội”, sẽ xin trở lại.

Cũng năm 1948, thành lập ”Hội nghệ sĩ ái hữu tương tế”. Nhưng cái số đào kép hát bội cũng như cải lương, hay kịch nghệ tài tử ciné sau nầy, là nhóm khó tánh: khi mạnh lành vẫn có tánh ỷ tài ỷ vận, xem thường sự tương thân tương ái, đến khi bóng xế chiều tà, Tổ không đãi nữa, khi ấy con cim không nơi đùm đậu, lại trách xã hội quên mình, hoặc hội tương tế có đó mà bỏ rơi ta. Khi còn nhỏ tuổi nhựa sống đầy mình, thà sắm xe hơi mới và thục bi da, hội nghệ sĩ tiền nguyệt liễm giúp cho hội hao5t động đã có người khác lo giùm, cái tánh không lo hậu là tánh chung của người Việt, cũng không hơi đâu mà trách bao đồng và triết lý.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!