Những nét thể hiện của tranh chủ đề Phúng dụ – Huyền thoại – Hư ảo

“Nghệ thuật của người Hy lạp, người Ai Cập và các họa sĩ lớn mà ngày nay không còn nữa không phải là một nghệ thuật của quá khứ; ngày nay có lẽ nó còn sống động hơn bao giờ hết. Vì nghệ thuật là bất biến: chính ý tưởng của loài người tiến hóa, cũng như cách thể hiện của họ”.

Picasso.

Phúng dụ là một câu chuyện mà để được kể lại, nó mượn hình thức của một chuyện khác giống nó. Phương pháp mập mờ này phổ biến trong nghệ thuật thị giá cũng như trong văn học. Trong mọi nền văn minh, nghệ sĩ có sẵn trong tay nhiều nhân vật thần thoại hay những phúng dụ luân lý và tôn giáo tượng trưng bằng cá  thuộc tính quy ước. Các chủ đề được sử dụng hoặc cho các mục đích giáo huấn, hoặc với tính cách làm nền cho những hình thức mỹ học khác nhau. Nhưng việc giải thích một số bức tranh đôi khi đòi hỏi sự uyên bác mà người yêu tranh bình thường không có, vì vậy sự đánh giá của anh ta chủ yếu phụ thuộc các phẩm tính về mặt thị giác của bức tranh.

Bức Phúng dụ thiêng liêng của Giovani Bellini, một hình ảnh hùng vĩ, đẹp mê hồn của cái bí ẩn, cho chúng ta một điển hình mà ngày nay chúng ta cũng không thể giải thích một cách chắc chắn các biểu tượng. Ngày nay thì người ta gần như không còn tranh cãi là bức tranh đó thuộc về Bellini thay vì là của Giorgione, môn đệ xuất sắc của ông; nhưng sự nhất trí chỉ tới đó thôi: trong một thời gian dài cảnh tượng này được coi là minh họa một bài thơ Pháp ở thế kỷ 14 nói về linh hồn; cái đó có lẽ đúng một phần, nhưng coi đó là sự suy gẫm về sự Hóa thân của Chúa thì có lẽ đúng hơn.

Hình diện trung tâm, ngồi trên một cái gối, chắc chắn là Chúa Hài đồng; Người cầm một quả táo, biểu tượng của tội lỗi nguyên thủy mà Chúa đem thân cứu chuộc. Có những thiên thần, những linh hồn được cứu chuộc, nhưng họa sĩ thể hiện họ dưới dạng vay mượn của đa thần giáo cổ đại. Còn có những hình tượng đa thần khác phụ họa, nhất là con nhân mã; còn các dòng nước trong phần lớn chuyện thần thoại tượng trưng sự bất tử, ở đây cũng gợi hình ảnh dòng sông Léthé ở địa phủ mà nước của nó giúp các linh hồn quên mọi chuyện ở trần gian. Đức Mẹ Đồng trinh Marie ngồi dưới một cây nho (tượng trưng máu của Chúa Cứu thế) có vẻ đang phải phân xử giữa người đội mũ miện (là lòng Nhân từ hay sự Hòa thuận?) và người đàn bà bên trái (là Chân lý hay Công lý?) Thanh gươm trong tay Siméon đã báo trước Khổ nạn của Chúa. Gần bên ông, tiên tri Isaie tuyên báo việc Thụ thai trinh bạch của Đức Mẹ. Hai người bên phải là Job và thánh Sébastien được nhận vào số những người được ân sủng, ở khu vựa sân lát cẩm thạch.

Phúng dụ này vẫn còn bí ẩn đối với đa số người bình thường, và ngay các chuyên gia cũng không thống nhất cách giải thích nó; nhưng bức tranh thì làm ta say mê thật sự mà không giải thích được; ta chỉ cảm thấy ngay như đó là hình ảnh có thật trong một khung cảnh đồng quê ở miền bắc Ý. Vì đó là một phong cảnh được vẽ ra một cách tình tứ trong một thứ ánh sáng vừa tản mạn vừa trong như pha lê, như thể nó ci phối cách bố trí các hình diện trên sân cẩm thạch; mỗi hình người, bí ẩn và đơn độc trong sự trầm tư của mình nhưng tham dự vào một cảm thông thầm lặng trong bầu không khí hạnh phúc chung. Toàn thể bức tranh có cái nhất quán triệt để của sự mơ mộng, được cấu trúc bằng những đường đối xứng và phi đối xứng và bằng sự sử dụng phối cảnh hình học tuyệt vời. Đó là một hình ảnh thần thánh, nó làm cho thiên nhiên sống động mà trở thành siêu việt.

Phần lớn các huyền thoại phương Tây đã ra đời rất lâu trước khi nghệ thuật và văn học chiếm dụng chúng, và sở dĩ huyền thoại đã sống sót qua bao nhiêu thế kỷ, có lẽ là vì chúng đáp ứng nhu cầu sâu kín về cái tưởng tượng của con người. Nhiều truyền thuyết đã tồn tại và làm cho di sản văn hóa của chúng ta phong phú thêm lên trong khi các sự kiện sinh ra chúng đã bị lãng quên từ lâu.

Một trong các huyền thoại sống dai nhất là câu chuyện Pâris được thần vương Jupiter triệu tới để thẩm định người nào đẹp nhất trong ba vị nữ thần bằng cách trao cho người được chọn một quả táo. Vì Pâris đã chọn Vénus nên hậu quả là vụ bắt cóc Hélène, cuộc chiến tranh thành Troie và, qua trung gian của Énée, việc thành lập thành Roma. Giá trị lịch sử và tượng trưng của huyền thoại này không đủ giải thích lý do nó sống lâu như vậy.

Nghệ thuật đã hăm hở chiếm lấy chủ đề này thoạt tiên vì nó cho phép nghiên cứu hình khỏa thân, nhưng cũng vì sự thẩm định của Pâris biểu thị sự quyến rũ không thể cưỡng lại của cái đạp đối với giác quan. Từ thời Phục Hưng, nhiều thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau đã ghi nhớ những cách thể hiện khác nhau đã có về huyền thoại và đóng góp cho chúng phong phú thêm.

Như vậy, bức tranh khắc của Marc Antoine Raimondi, theo một bức vẽ nét đã mất của Raphael, bao gồm cả chư thần không tham dự trực tiếp vào câu chuyện khởi thủy, có lẽ đó là các thần và nữ thần sông suối. Ở trên trời, Apollon ngồi trên xe và Diane được nhận ra nhờ mặt trăng lưỡi liềm của nàng; nhưng điểm lý thú của bức tranh khắc này chắc chắn ở chỗ thể hiện hình ảnh khỏa thân theo cách mạnh mẽ: thân thể các nữ thần có vẻ chỉ kém lực lưỡng hơn thân thể của chàng thanh niên theo các kích thước lý tưởng chút ít. Tính chất gợi tình hoàn toàn vắng mặt trong tác phẩm của Raimondi thì lại thấm đẫm bức tranh của Rubens, ông có vẻ mời mọc những người đàn ông đồng nhất với Pâris trong việc chiêm ngưỡng những tấm thân gợi cảm đó.

Sửa đổi truyền thuyết một cách ‘tài tình’, một họa sĩ của triều đình Anh dưới thời của Nữ hoàng Elisabeth đã biến Nữ hoàng ăn mặc lộng lẫy thành giám khảo; khi tự ban cho mình quả táo, theo ý họa sĩ, nữ hoàng đãtruất bỏ được ba nữ thần với vẻ đạp hoàn hảo tự nhiên của họ. Chủ nghĩa tân – cổ điển đã gây được sự chú ý trở lại đối với huyền thoại này mặc dầu hình ảnh do Blake thể hiện thật khác xa với các tiền bối cổ điển ở sức mạnh tạo hình của các hình diện. Một trong những họa sĩ đồng thời là Rowlandson đã chuyển phong cách hào hùng thành nhả nhớt: Pâris được thể hiện như tên phóng đãng, Hermès như tên dẫn mối và các nữ thần thành gái giang hồ. Ở thế kỷ sau, trong một bức tranh bị đàm tiếu rất nhiều, Manet đã dứt khoát loại bỏ các nhân vật trung tâm để chỉ giữ lại hình ảnh các thần sông trong bức tranh khắc của Marc Antoine. Dù động cơ nào đã khiến họa sĩ làm vậy đi nữa, ở đây ông khẳng định mạnh mẽ sự độc lập về mặt nghệ thuật khi đặt vào khung cảnh cuộc vui ngoài trời thời hiện đại đó một hình ảnh khỏa thân chân phương rực rỡ trong một cuộc chuyện trò sa đọa với hai nhân vật ăn mặc chỉnh tề. Tới lượt Picasso, dựa vào Manet, ông đã đòi lại nghệ thuật của họa sư có cái quyền như là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cũng ngang hàng như thiên nhiên vậy. Trong một bức tranh với lối thể hiện chắt lọc hết chất huyền thoại, ông tự biến mình thành Pâris nổi hẳn lên trong thiêng nhiên xinh đẹp, một thứ phúng dụ về quá trình sáng tạo.

Ở thế kỷ 19, các huyền thoại dân gian Hy Lạp hoặc Thánh kinh, truyền thuyết hào hùng về các vua Ba Tư (Shahnamesh) hoặc truyền thuyết về các hiệp sĩ Nhật (Samourai) do họa sĩ Nhật Kuniyoshi trình bày dưới hình thức hơi châm biếm, là những nguồn cảm hứng nghệ thuật quen thuộc với công chúng, phong phú cả tư liệu hiện tại lẫn ký ức văn hóa. Sự sáng tạo một tác phẩm có thể còn đi trước cả sự quan hệ của nó với huyền thoại nữa: đó là trường hợp tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Jean de Bologne, trước tiên được quan niệm như một giải pháp để thể hiện hình thể quấn quít của ba hình diện đang hoạt động. Chỉ sau khi thực hiện xong tác phẩm thì nhan đề thích hợp với chủ đề mới được thêm vào đế tượng: Bắt cóc các cô gái Sabines.

Bức tranh Apollon và Daphné của Tiepolo

Hai thế kỷ sau, Tiepolo còn khai thác các huyền thoại cổ đại để vẽ bức Apollon và Daphné. Theo đúng truyền thuyết, chúng ta thấy Daph né biến thành cây; nhưng trong bức này ta phải tìm xem sự ca ngợi cái đạp và những cảm giác kịch phát trong một trạng thái gợi tình hơn là sự ghi chép trung thành một câu chuyện. Sự dựa vào huyền thoại cổ điển chỉ là để cho tác phẩm có uy thế hơn và tìm sự hưởng ứng của một công chúng có học thức ơn. Trái lại, ở Botticelli, câu chuyện của Vénus và Mars không phải là chìa khóa duy nhất cho phép giải thích cảnh tượng kỳ lạ, cảnh tượng có vẻ ẩn giấu một cái gì nhiều hơn một phúng dụ đơn giản về sự chiến thắng của tình yêu trước chiến tranh.

Khi sự hiểu biết về truyền thuyết cổ điển bắt đầu suy giảm trong công chúng thì ngay những ám chỉ thần thoại rõ ràng nhất cũng không còn khơi dậy một hưởng ứng nào đó. Đối với những hình ảnh có ý nghĩa ở ngoài mọi sự viện dẫn bằng truyền thuyết. nhưng đôi khi đề tài tối nghĩa không quan trọng lắm nếu khả năng gợi ý của cảnh tượng đủ mạnh để tạo ấn tượng cho óc tưởng tượng. Cuối thế kỷ 18, William Blake không chỉ dựa vào thần thoại truyền thuyết mà còn sáng tạo chuyện thần thoại riêng của mình, và một vài hình ảnh có ấn tượng mạnh mẽ cũng đủ làm chúng ta tin theo nhãn kiến của ông. Để so sánh, ta thấy ý niệm của Ford Madox Brown, một họa sĩ ở thế kỷ 19 gần gũi với các họa sĩ Tiền – Raphael, có vẻ lạ lùng hơn là có tính thuyết phục.

Sự xuất hiện lại của các huyền thoại cổ điển trong thời cận đại đã mất đi phần lớn ý nghĩa sâu sắc. Ở thế kỷ 19, Daumier còn có thể sử dụng một truyền thuyết dân gian để nhại nó cho những mục tiêu châm biếm; nhưng gần đây, các tác phẩm phúng dụ của Picasso và của Matisse, chẳng hạn, chỉ là những bài tập hình thể, đành là chúng rất đạt. Còn các họa sĩ siêu thực, và nhất là Magritte, không dựa vào một truyền thống văn hóa nào hết để đưa chu1g ta vào thế giới hư ảo của họ, nơi cái phi lý là chúa tể. Họ vẽ một cách vô cùng chính xác chi tiết của những cảnh tượng không thể nào hòa hợp được với kinh nghiệm riêng của chúng ta về thực tại, vừa say mê vừa đáng sợ.

Rousseau – Viên thương chính của cũng bắt chúng ta chia sẻ những cái hoang tưởng trong trí tưởng tượng của ông, nhưng các hình ảnh của ông, trong sáng hơn, có cái đẹp hồn nhiên đầy thi vị của chuyện thần tiên thời thơ ấu của chúng ta.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!