”Cái bất hạnh đối với một họa sĩ là để cho lý thuyết lấn bước thực hành”.
Léonard De Vinci.
Ngay từ đầu thế kỷ 15, vải bắt đầu được dùng làm mặt nền, và cách dùng đó được phổ biến rộng khi ở nước ngoài người ta đặt tranh nhiều hơn và những cuộc trao đổi tác phẩm nghệ thuật trên qui mô quốc tế tăng lên. Trong khi bảng gỗ dù cho được đóng thanh giằng chắc chắn cũng có thể bị vênh hay nứt vì ảnh hưởng thời tiết thì vải hợp với sự vận chuyển một cách dễ dàng nhờ nó nhẹ và gọn vì có thể cuốn lại. Hơn nữa, tính mềm dẻo của vật liệu nầy còn làm cho việc thể hiện đa dạng hơn trên gỗ cứng và nhẵn láng. Thí dụ, trên vải, sự tương phản giữa bề mặt sù sì của đá hay kim loại với vải nhung rõ ràng là có ấn tượng hơn.
Cùng với sự tiến triển của sơn dầu, thạch cao không còn được dùng làm lớp lót và ở Ý người ta bắt đầu quen hồ mặt vải với một lớp sơn dầu. Ngay những cuộc thử nghiệm đầu tiên với chất pha màu mới nầy, một số họa sĩ cho là nên trải trên nền trắng một lớp màu mỏng (imprimatura) để chuẩn bị cho toàn sắc cuối cùng của bức tranh trước hoặc sau hình vẽ nét chuẩn bị. Cuối thế kỷ 16, các họa sĩ Venise trộn màu trực tiếp vào lớp lót. Trong hơn ba thế kỷ, việc vẽ trên nền tô màu sẵn theo phương pháp nầy hay phương pháp kia không được đặt lại thàhh vấn đề.
Bắt đầu từ thế kỷ 15, sự phát triển của công nghiệp giấy và sự phổ biến nó đã cho phép các họa sĩ vẽ khảo họa trước khi thực hiện tác phẩm. Những nét vẽ tỉ mỉ được thực hiện bằng màu thủy noãn dưới lớp sơn dầu bị bỏ rơi để dùng phương pháp tự nhiên hơn; công việc chuẩn bị được thực hiện trên nền tô màu trực tiếp bằng sơn dầu và màu trắng được dùng để làm rõ hình thể đối tượng và xác định vùng tối và sáng. Đó là một kỹ thuật có thể so sánh với kỹ thuật toàn sắc xám, bố cục được phác họa bằng những lớp màu phớt mỏng thay vì bằng đường, và những vệt màu sáng được đánh dấu bằng màu trắng mờ đục.
Những màu được chọn làm lớp màu mỏng (imprimatura) hay lớp lót chuẩn bị đó thay đổi và phụ thuộc nơi hiệu quả của toàn thể bức tranh mà họa sĩ mong muốn. Những họa sĩ Ý, như Le Caravage chẳng hạn, vẽ trên các lớp lót đỏ sẫm hay nâu để có sắc độ sâu. Các họa sĩ phong cảnh Hà Lan ở thế kỷ 17 tiếp tục dùng nền trắng mà họ phủ bằng màu xám hay màu đất son, tùy theo sự điều hòa sắc độ mà họ muốn tạo ra trong cái sáng láng của bầu trời hay của nước. Trường phái hội họa Anh ở thế kỷ 18 rất thích các sắc độ nóng, chúng có khuynh hướng nhuộm hồng các lớp màu kế tiếp; trái lại, các họa sĩ Pháp, những người rất thích màu phấn tiên, thì thích dùng màu sáng phớt lam hơn.
Vì toàn sắc cuối cùng do cái nền tô màu và công việc chuẩn bị tạo ra, sự vận dụng sắc độ được điều biến một cách tinh tế bằng nét bút ở lớp trên cùng. Tùy theo họa sĩ vận dụng cây bút mạnh mẽ hay nhẹ nhàng, cả một phổ màu sắc tăng, giảm và các sắc thái hiện ra tức khắc. Khi đè mạnh cây bút trên mặt vải, họa sĩ sẽ được nét màu đậm đà dày đặc; nếu lướt nhẹ ngọn bút, cái nền tô màu có thể lờ mờ hiện ra với cát nổi của mặt vải dưới những lớp màu phớt nhẹ và trong mờ. Sự điều hòa màu sắc còn có thể phong phú hơn bằng sự xen kẽ của những lượt màu nóng và lạnh, chúng tan hòa vào nhau một cách tinh tế hay trái lại đối chọi nhau để tạo ra sự tương phản đẹp mắt. Sự hoàn tất các chi tiết, như những nét điểm xuyết, kết thúc việc vẽ.
Các phương pháp khác nhau đó được dùng để bổ khuyết phổ màu tương đối hạn chế mà các họa sĩ có được cho tới thế kỷ 19. Khi bức tranh gần như chỉ được vẽ bằng những màu gốc đất thì phải cầu tới sự tương phản của các màu bổ túc để đạt được sự mãnh liệt thật sự của sắc độ. Màu đất đỏ có được ánh sáng chói đỏ son như vậy khi ta đặt nó cạnh màu đất lục: màu thổ hoàng có được cái dáng của vàng bên một trường màu lam cùng một cách như vậy.
Nếu phổ màu vẫn nghèo nàn trong một thời gian dài thì kỹ thuật sơn dầu và sự tự do ngẫu hứng mà nó cho phép có, lại đòi hỏi một bảng màu có đủ các màu cần thiết mới thuận tiện cho người vẽ. Các sắc tố dạng bột được pha trộn với đầu bằng dao vẽ cho tới khi các phương tiện bao quản được hoàn thiện, màu được họa sĩ và người phụ nghiền hàng ngày.
Tranh Các con gái của họa sĩ với con mèo (chưa hoàn tất), năm 1759
Tác giả: Thomas Gainsborough, họa sĩ Anh.
Ta thấy rõ việc sử dụng nền tô màu sẵn trong các chân dung dở dang ở thế kỷ 18. Thật vậy, cách làm thông dụng là vẽ hoàn chỉnh đầu của người mẫu trước và để nền trống hay chỉ phác họa sơ sài các hình thể. Gainsborough đã trải một lớp lót chuẩn bị màu nâu đỏ trên đó ông vẽ các hình diện với màu đỏ sắt với một hỗn hợp màu trắng. Nét bút nhanh nổi cát của ông thấy rõ trong chi tiết, có lẽ với vài vệt phấn màu mơ hồ ở bên phải. Con mèo đã bị xóa một phần bằng một lớp màu thổ hoàng. Có lẽ Gainsborough đã muốn bỏ con mèo ra khỏi bức tranh hoàn tất và chắc là ông đả giảm độ nóng của màu ở hậu diện để tăng sắc độ của da thịt bằng sự tương phản và để cho chúng có vẻ trong suốt hơn.