Các sự kiện năm 1943 – Quý Mùi
Sài Gòn chỉ xuất được 740.000 tấn gạo và 18.000 tấn bắp (so với 1942 xuất được 1.450.000 tấn gạo và 125.000 tấn bắp). Nam kỳ và Sài Gòn ứ đọng lúa, ít tàu buôn đến mua. Pháp dùng lúa khô thay than đá để đun là nhà máy điện Chợ Quán.
Vải vóc khan hiếm, dân phải mặc quần áo bao bố, bao hàng.
Hàng tiêu dùng khan hiếm.
Ngoài lúa gạo, bọn Pháp – Nhật ban bố lệnh độc quyền lúa, gạo, muối, đường, việc trồng bông, vỏ ruột xe,..
Đêm 14, 21 và 24/0/, nhóm sinh viên diễn vở kịch Đêm Lam Sơn (của Hoàng Mai). Vở kịch này thành công rực rỡ tạo nên sự phấn khích cho người xem và đem đến một sinh khí mới cho phong trào kịch nói ở Sài Gòn.
Đặng Ngọc Tốt và Mai Văn Bộ diễn thuyết đề tài “Con đường mới của thanh niên” nêu bật những gương anh hùng dân tộc đã hiến dâng tuổi trẻ của mình để đi cứu nước. Tổ chức các đêm dạ hội biểu diễn các bài ca lịch sử; diễn vở kịch Đêm Lam Sơn, hoạt cảnh Sinh viên Việt Nam qua các thời đại.
Ngày 7/08, báo Thanh Niên xuất bản tại Sài Gòn ra số đầu tiên. Báo do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát chủ trương với sự cộng tác của giới trí thức, nghệ sĩ yêu nước: Dương Tử Giang, Lưu Hữu Phước, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Huỳnh Văn Nghệ, Xuân Diệu,.. Báo Thanh Niên là hạt nhân của phong trào thanh niên yêu nước Nam bộ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Số cuối cùng ra ngày 30/09//1944.
Ngày 17/08, Nhật chuyển sứ quán tại Đông Dương từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Tháng 10, Hội nghị Chợ Gạo thành lập Xứ ủy Nam kỳ và đồng thời Ban cán sự Thành Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.