Vài lời từ người đánh máy
Các bản chụp của Báo Phụ Nữ Tân Văn có nhiều chỗ bị nhòe hoặc rách nên nội dung nhiều chỗ bị thiếu. Mong quý vị thông cảm.
Chữ Quốc ngữ vào những năm đầu thế kỷ 20 có khác so với chữ hiện đại. Tôi có “sửa vài lỗi về chính tả” nhưng vẫn giữ nguyên cách dùng từ, hành văn.
Một bức thơ ba mạng người
Tác giả: Lê Kế Huyên – Đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn (Số 83, ngày 21-05-1931 và Số 84, ngày 28-05-1931).
Gần đây hình như chị em ta ở Bắc Hà có một cái “dịch” tự sát. Nguyên nhơn phần nhiều là vì tình: hoặc lỡ lầm, hoặc éo le, hoặc tai tiếng; rồi đem cái thân như gấm như hoa, nỡ phó cho ba thước lụa đào, một dòng nước biếc. Việc tự sát đã làm ồn cả dư luận, là việc mới xảy ra ở Hanoi tháng trước: Cô Tuyết Hồng mới có 17 tuổi đầu, lấy chống được năm sáu ngày, vì mang tiếng thất trinh, mà gieo mình xuống hồ Trúc Bạch. Kế đó thấy các báo đăng tin cô nầy bỏ nhà, cô kia thắt cổ, nhiều lắm.
Tự sát đã không phải là chuyện hay gì, mà lại có ảnh hưởng không tốt đến xã hội. Làm sao trừ được cái tệ ấy, là ở gia đình phải trông nom, dư luận phải công kích, cùng là tờ báo nhà văn, phải lấy tư tưởng, văn chương, việc hư chuyện thiệt, đem hết ra mà bày tỏ và phẩm bình, để cho những cái nguyên nhơn gì trong xã hội gia đình làm cho người tự sát phải tiêu đi trước, rồi sau cái tư tưởng tự sát ở trong óc người ta mới tiêu đi được. Nguyên nhơn kia tư tưởng nọ, dầu là vì nhơn duyên, sanh kế, hay là gì cũng vậy.
Sẵn dịp có người bạn gởi lại một thiên tiểu thuyết đoản thiên nầy, là một chuyện thiệt, cảy ra cách mười năm nay, đại khái cũng gần giống như chuyện cô Tuyết Hồng bây giờ; bổn báo hãy đăng lên đây, để làm một chuyện tiêu khiển cho chư độc giả, và sau là một vấn đề bình luận cho bổn báo.
P. N. T. V.
Cửa hàng bán tạp hóa kia, ở phố Hàng Đồng tỉnh Nam Định, kẻ mua người bán, tấp nập cả ngày, coi có cái vẻ đắt hàng đông khách lắm. Tự nhiên một hôm thấy đóng cửa, không biết vì cớ nào?
Cửa hàng ấy là của ai?
Là cửa hàng của nhà bà Thông Trần. Ông Thông Trần mất đã hơn 10 năm nay, để lại cho bà hai người con gái và một người con trai nhỏ. Cô con gái lớn tên là Ý Hạnh, thông minh rất mực, nhan sắc tuyệt vời, năm 17 tuổi đã đậu bằng tốt nghiệp trường Sư phạm. Vì cô có sắc tài như thế, cho nên người đến hỏi cũng nhiều, nhưng cô không ưng ai cả. Sau cô được bổ đi làm Nữ giáo ở Ninh Bình, nhơn đó mà quen biết Ngô Minh Châu.
Minh Châu là con bà Giáo Ngô, ở phố Hàng Hồ Hà Nội. Ông Giáo Ngô cũng vừa mới mất, để lại một người con trai, tức là Minh Châu. Minh Châu thông minh sớm lắm, năm 17 tuổi đã đậu tốt nghiệp sau đi học Tây ba năm, đậu Tú tài. Khi về được bổ ra làm Đốc học các trường tỉnh Ninh Bình, cùng một tỉnh với cô Ý hạnh, thành ra hai bên quen biết nhau.
Từ khi đá biết tuổi vàng,
Một dây một buộc ai dằng cho ra.
Ý Hạnh đối với Minh Châu, định rằng ngàn tằm nhờ bóng tùng quân, được người bạn chung thân vừa thông minh vùa thanh giá như thế, thời môn my rạng vẻ biết bao. Nhưng trong khi Minh Châu bàn với Ý Hạnh về sự kết hôn, thời Ý Hạnh có ý ngần ngại, yêu cầu cho được phụ mẫu chi mạng đã. Minh Châu biết Ý Hạnh còn câu nệ theo lối cũ, mà tự xét sự gia đình mình thời không tiện, bèn mượn người giả làm bức thơ của mẹ gởi cho, để Ý Hạnh yên lòng.
Gió thu thổi ngọn phù dung,
Dạ em là sắt anh nung cũng mềm.
Trước kia Ý Hạnh còn ngần ngại chưa quyết đoán, về sau rồi cũng nghe lời Minh Châu, mà nhìn nhận cái lối tự do kết hôn là phải.
* * *
Ngày hôm nghinh hôn, người xem đông như kiến, các thầy giáo, cô giáo, và nam nữ học sanh, cùng thân thích hai họ, đều đông đủ cả, chỉ thấy vắng mặt có bà Giáo Ngô, tức là thân mẫu của Minh Châu. Ai hỏi thì Minh Châu nói rằng vì bà bị cảm không đi được, mà những người thân thích kia, chàng tự nhận người nầy là chú, người kia là bác, người nọ là anh em, kỳ thiệt đều là bá vơ cả ..
Nhưng ai cũng khên thầm rằng: một đôi giai ngẫu kia hẳn chiếm hết được cái ái tình diễm phúc của nhân gian, cho nên đều vỗ tay reo mừng; cái tiếng chúc mừng lẫn với tiếng đàn hảo hợp, thật là vui vẻ; bà Thông Trần thấy cũng mừng thầm.
Tối lại, mặt đối mặt, Minh Châu nhắm nhía vuốt ve Ý hạnh, rồi nói rằng:
– Cái đẹp của mình thật là tôi nhìn không chán, giá mình ăn mặc đầm nữa thì đẹp lạ.
Ý Hạnh nói:
– Không ngờ mình say mê đến thế ư?
Minh Châu nói:
– Đêm nay là đêm gì mà không vui vẻ, sao lại gọi là say mê?
Ý Hạnh cười nói rằng:
– Trái địa cầu kia mới là to! Chúng ta đây tuy vẫn là vui là sướng, nhưng cái buồn cái sầu cũng chẳng biết đâu mà hẹn trước được.
Minh Châu nghe vậy, liền đổi nét mặt, không vui, Ý hạnh trông mặt có ý ngần ngại, hình như thần kinh có bị một vật gì kích thích, trong lòng không yên. Ấy là buổi ban đầu hai bên thành thân, mà tự nhiện có mấy câu nói gở như vậy.
Đến ngày thứ ba, Ý hạnh nói với Minh Châu xin về bái kiến mẹ chồng, thì Minh Châu cứ hẹn nay, hứa mai, có ý lần lựa cho qua ngày tháng.
Qua bảy bữa, hai vợ chồng đều đến trường dạy học, sớm đi tối về, đối với ngọn đèn xanh, khi bàn văn chương, khi chuyện tâm sự, thật là ái tình đầm thắm, hình ảnh không rời.
Hết một tuần lễ, rồi qua ngày thứ hai, lúc ấy đã gần đến giờ tan học chiều, Ý Hạnh đương ngồi trong trường, thấy tên loong-toong đưa lại cái hộp da, mở ra thấy bức thơ:
“Hà Đông le 17 Février 1921
Madame Ngô Minh Châu née Ý Hạnh, Institutrice à l’École de Jevnes Filles de Ninh Bình
Chị Ý Hạnh của em ơi! Chị cùng em chưa tầng gặp mặt, thế mà em vội viết thơ nầy, tự em cũng biết thế là không phải lắm. Song sự cơ đã gấp, nên em không thế nào che lấp cái sỉ nhục của em, mà không thưa cùng chị biết.
Em hồi nhỏ đính hôn với Minh Châu đã gần sáu năm nay, bỗng dưng có một hồi vắng tin, lòng em vẫn lấy làm nghi hoặc. Nay thấy y đã cùng chị tự do kết hôn, cả nhà em đều giận, muốn đem việc nầy đăng lên báo chương, hoặc đem ra giải quyết tại tòa án, hai lẽ đó chắc là có một.
Nhưng em nghĩ rằng: Người ta mỗi người một ý chí, có lẽ nào ép người đã không tâm thuộc với mình, mà đặt lên trên lòng được. Chị cùng Minh Châu tự do kết hôn, tài sắc vẹn tuyền, chắc hai bên không có một điều gì là không như ý, em đây là người bạc mạng, cũng xin gởi lời chúc cho anh chị bách niên giai lão, trọn đời ở trong bể ái nguồn tình. Xin chị đừng ngại rằng: Kẻ kia đã hỏi một nơi rồi lại bỏ, mà chị cho thế là người bạc tình lang. Vì rằng kẻ kia cho em cũng như một hạng gái tầm thường, nếu theo lời ước cũ, mà kết hôn cùng em, chẳng cũng hư ohi1 cái tuổi trời, cái tài giỏi của một ông Tân học Tú tài đi. Người ta nghĩ thế cũng phải, chẳng có lạ gì.
Nhưng chị ơi! Em dám đoan chắc rằng: một sợi tơ tình của kẻ kia ở trong óc nảy ra, mà tuyệt nhiên không đoái tưởng đến em một lời, chính là khi mà cái ái tình chỉ biết có chị đ1o thôi, ngoài ra không cần xét tới sự hành vi của mình, nếu lỡ ra một chút thì làm sao? Ôi! Người ta thà rằng hy sanh cái đời mình để cầu cái lòng yêu muốn của mình, vậy thật là chí tình đó!
Em đây không phải là tiểu nhân mà kể rõ cái sự xấu của người, nên em đem những vật của kẻ kia đính ước với em khi trước, xin gởi trả lại cả; em nghĩ như thế là để cho người nhà em dẫu có muốn đăng báo hoặc đi kiện, cũng không lấy gì làm tang chứng, và em cũng đã lựa lời yên ủi thân mẫu em, xin thôi đừng kể đến chuyện ấy nữa. Còn về cái thân em, thời cái vinh cái nhục, hết thảy em đổ xuống dòng nước bể đông, nhân duyên kiếp nầy đã là bạc bẽo lỡ lầm, thôi cũng chẳng muốn ở giữa hồng trần làm gì nữa.
Chị ơi! Nếu chị có lòng thương em, thì xin cứ nói rằng: “Ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, ta nhận được một bức thơ tuyệt mạng của một người con gái tên là D. T. Đàm, xem trong lời lẽ ta cũng thương là tình thật.”
Xin chị nói cho một câu như thế, thời kẻ bạc mạng nầy, dầu ngủ một giấc ngàn năm, cũng như là ở chung với chị một kiếp.
Dương Thị Đàm kính thơ.”
* * *
Cô Dương Thị Đàm là ai? Cô là con gái ông Cử Dương Đình Bảo. Ông đã mất sớm, cô ở cùng mẹ, nhà buôn bán ở tỉnh Hà Đông. Mấy năm trước đây bên họ Ngô đã hỏi cô cho Minh Châu, sau vì ông giáo Ngô qua đời, nên Minh Châu phải chờ hết tang mới cưới; đến năm hết tang, Minh Châu lại được đi Tây học, vì vậy mà nhân duyên càng chậm trễ ra.
Trong cái thời gian lâu dài ấy, cô Đàm vẫn một lòng rằng: “miếng trầu là dâu nhà người”, cho nên khi Minh Châu cư tang và du học, cô cũng giúp đỡ ít nhiều tiền bạc v.v. Song vì Minh Châu ở Tây, nhiễm được cái thói tự do kết hôn, khi về lại được bổ Đốc học cùng tỉnh với Ý Hạnh, thành ra quen biết Ý Hạnh.
Từ khi quen biết Ý Hạnh thời Minh Châu có ý lạt tình với cô Đàm, đến bây giờ cô nghe tin cậu đã tự do kết hôn cùng Ý Hạnh, cả nhà muốn đi kiện danh giá, nhưng cô lựa lời khuyên giải, nhứt định không để cho người nhà sanh chuyện. Một hôm, cô thong thả, viết một bức thơ gởi cho Ý Hạnh, tức là bức thơ trên đó.
Ý Hạnh xem chưa hết bức thơ, trong người hình như có hơi điện giựt, con mắt đen sầm lại, đồ đạc trong nhà như lay chuyển cả, bức thơ trên tay cũng rớt xuống đất. Cô gượng cúi xuống lượm lên, có xem cho hết. Trên giấy, thấy dầm dề những giọt lệ hồng pha lẫn với mực đen. Đọc thơ xong, lại lấy những đồ vật ở trong hộp ra coi, thấy có 4 cái khăn thêu, 2 cái cán viết bằng vàng, 6 cái thiếp danh và 6 bức tiểu ảnh của Minh Châu; các thứ đều gói lại, để trong hộp tử tế.
Coixong cả thơ và đồ vật rồi, thì Ý Hạnh gục đầu xuống bàn nhắm mắt lại, không nói gì cả. Chợt có đứa hầu trong trường bưng chén nước lên, thấy vậy thất kinh, hỏi rằng:
– Thưa cô, cô bị cảm phải không?
Ý hạnh đáp lại một tiếng “không”, rồi bảo để chén nước đó. Lúc bấy giờ trong lòng Ý Hạnh hơi tĩnh, nghĩ lại những lời như sóng vỗ lửa nung của cô Đàm, rồi than rằng:
– Những người dụng tâm nhân từ như thế, trên đời nầy chưa dể đã có mấy người, thật đáng gọi là cân quắc anh hùng vậy. Lại nghĩ đến Minh Châu bỏ vợ đả hỏi trước, khéo nói dối gạt ta vào chỗ bất nghĩa, thì đối với đạo đức thật là có tội lớn.
Cô càng nghĩ càng tức tối trong lòng.
Trời đã sâm sẩm tối, đồng hồ đã đánh 5 giờ, tay cầm cái hộp bước ra cửa trường. Than ôi! Tự mình cũng chưa biết rằng: cái bước bước ra lần nầy là lần cuối cùng, mà những bóng tà dương, những cành hoa ngọn cỏ ở trước nhà trường, hình như có ý tống biệt một vị mỹ nhân tuyệt thế.
Phương ngôn Tây có câu rằng: Những sự rất mau chóng của thiên hạ, là hơi điện và óc nghĩ, chỉ có hai cái ấy mà thôi. Ý Hạnh bước ra cửa trường được vài bước, hột chấu lã chã, gan ruột thắt đau, tay cầm cái hộp, liệng xuống đất một cái rất mạnh, nói rằng:
– Con Ý Hạnh kia, mầy vốn là một đứa con gái kỳ khôi, mà mầy lại chịu để cho người ta chưởi mắng mầy một cách êm đềm tao nhã ấy ư? Người ta ai không chết, nhưng nên chết một cách cao thượng, để giữ lấy cái thanh giá là hơn.
Về đến nhà, thời Minh Châu đã về trước, đương ngồi nói chuyện với mẹ vợ (tức là bà Thông Trần, vì lúc ấy bà Thông Trần lên thăm con ở Ninh Bình). Thấy Ý Hạnh về, Minh Châu liền đứng dậy nói rằng:
– Tôi chờ đã lâu lắm, sao hôm nay về trễ vậy? C1i hộp gì đó, sao không sai đứa nào nó cầm cho mà cầm lấy cho nặng?
Ý Hạnh chưa kịp trả lời, bà mẹ nhìn vào mặt con rồi hỏi rằng:
– Con mới bị cảm phải không, ngó mặt mày lợt lạt thế kia?
Ý Hạnh cưới nói rằng:
– Thưa mẹ, con không chuyện gì cả, chỉ có trong mình hơi mỏi một chút thôi.
Nói rồi, ngảnh lại nói với Minh Châu rằng:
– Cái hộp nấy mới nhận được của người bạn gởi mừng vợ chồng ta, trong ấy cũng không có vật gì là nặng lắm.
Rồi cô bỏ đi thẳng vào phòng thay áo, cất cái hộp vào trong rương, mới đi ra bàn ăn, gượng nói gượng cười, vui vẻ như thường, chỉ có một điều ăn ít hơn mấy bữa trước, nhưng không ai để ý làm chi. Cơm tối vừa xong, cô đợi mẹ vào giường nằm, rồi cô tới trước giường nói chuyện kia khác cho đến khi mẹ ngủ; cô lại qua vồn vả chuyện trò với các em hồi lâu.
Lúc ấy Minh Châu ngồi trong phòng, đang coi một cuốn tiểu thuyết, có ý chờ Ý Hạnh vào. Thấy Ý Hạnh vào, chàng hỏi rằng:
– Bây giờ đã hơn 10 giờ, đi nghỉ chớ?
Ý Hạnh cười nói rằng:
– Tôi hôm nay có nhiều thơ phải trả lời, mình nghỉ trước đi, để tôi viết thơ trả lời cho chị em đã.
Minh Châu vốn yên mến và kính trọng Ý Hạnh, coi một tiếng nói của nàng như vàng ngọc sấm sét, chàng không hề dám trái, nên chỉ trả lời một tiếng “vâng” mà thôi, rồi nằm ngủ trước.
Than ôi! Minh Châu có biết đâu rằng cái cười đó là cái cười vĩnh biệt. Một lát Ý Hạnh thấy Minh Châu đã ngủ say, liền để cây đèn trên bàn giấy mé sau cửa sổ, cầm bút viết thật mau, trước hết viết một bức thơ trả lời cô Dương Thị Đàm.
“Namdinh, le 20 Février 1921.
Chị Dương Thị Đàm,
Thưa chị, kính tiếp thơ chị, ân cần bày vẻ lời hay lẽ phải cho em, thật là thâm tình hậu ý, em đọc đi đọc lại hai ba lần, có phải em là người sắt đá đi nữa, cũng phải đau lòng đứt ruột. Mấy lời cao minh của chị, thật đến chết em không dám quên.
Chị nói đến Minh Châu thì chị lại tìm lời khuyên giải, đã biết là chị có lượng rộng lòng nhơn, khiến cho em phải đem lòng kính phục.
Lồng lộng nước Việt Nam, mờ mờ đám nữ giới, biết bao người nham hiểm mưu cơ, gặp việc như vầy, tất nhiên họ phải đối phó bằng cách khác kia, thế mà chị đối với em một cách quân tử như vậy, thật tư cách của chị cao thượng biết bao. Nay em đã trót hãm mình vào chỗ trời đen bể thẳm, bịnh đã mắc rồi, không sao cứu được, dẫu chị có lòng tha thứ cho, nhưng cái lương tâm của em nó vẫn cắn rứt hoài.
Đêm thanh lòng lại hỏi lòng,
Phải rằng con tạo trêu tròng người ta.
Chị ơi! Cổ nhân có câu rằng: Nhứt thất túc thành thiên cổ hận, Tái hồi đầu dĩ bách niên thân (1). Thân em nay đã lỡ lầm như vầy, còn trách ai được. Nếu như trước kia trên đời, thà đừng có em, hay là có em, mà lúc đính hôn em biết cẩn thận, rõ được rằng chị đã đính ước với Minh Châu rồi, thời đâu có đến nỗi như ngày nay?
Chị ơi! Em đến thế nầy là đời đã bỏ đi rồi; chỉ còn có cách chết đi, để chuộc lại lỗi mình. Lúc chị nhận được bức thơ nầy thì em không còn là người ở trên trần thế nữa.
Em chết là đủ, còn Minh Châu thì chị nên tha lỗi cho y. Hồn em có thiêng, sẽ giục cho y tới xin lỗi chị, rồi chị thứ lỗi cho y, cùng nhau nối ước xưa hẹn cũ, thì em đây chết cũng yên lòng thỏa dạ.
Vài hàng tuyệt mạng, xin chị xét soi.
Ý Hạnh tuyệt bút.”
Ý hạnh viết xong, niêm lại tử tế, rồi viết luôn một bức thơ nữa. Khi xong hai bức thơ rồi, nàng ngồi suy nghĩ rằng: “Đành rằng là ta phải chết, nhưng kiếm cách nào chết cho êm ái, đừng gây ra cái dư luận thị phi thì hơn. Nàng còn đang suy nghĩ vẩn vơ, tụ nhiên nghe đầu óc phát nhức, như ai lấy kim châm, cặp mắt tối đen lại, rồi hộc máu tươi ra.
Nàng cũng ráng sức đứng dậy, uống một chén nước trà nóng, thấy trong mình hơi tỉnh, lần bước đi vô phòng, thấy Minh Châu nằm ngáy pho pho. Nàng cúi xuống hun vào má Minh Châu một cái, nói rằng:
– Mình ơi! Mình ơi! Tôi đã hết nợ trần duyên rồi,..
Nói bấy nhiêu tiếng mà không ra hơi, miệng lại khạc ra ít máu tươi nữa, kế kêu lớn lên rằng:
– Mẹ ơi! Con chết đây, mẹ ơi!
Minh Châu đang ngủ mê, giựt mình tỉnh dậy, thấy Ý Hạnh lăn xuống đất, vội vàng ôm đặt lên giường, thì nàng đã tắt hơi rồi, kêu mấy cũng không tỉnh lại.
Bây giờ chàng lăn khóc kêu gào, cả nhà xúm lại coi. Than ôi! Thế là Ý Hạnh chưa phải dùng đến thủ đạon của mình, mà trời đã chìu cho một cách chết êm đềm như vậy; không chết bằng lưỡi dao, không chết bằng vải lụa, cũng không chết bằng chén thuốc độc, mà chết bằng máu tức, máu hờn, máu ăn năn về sự mình lầm về sự tự do kết hôn.
Minh Châu thương vợ, bà mẹ thương con, đàn em thương chị, cái cảnh cả nhà vật vả khóc than, khi có một người tử biệt như thế, là cái cảnh thường trong đời, không cần nói ra làm chi hết.
Mấy đứa em gái mở rương của chị ra, lấy trang phục và đồ trang sức ra để lo khâm liệm, thấy một cái hộp da, trên có đề một câu rằng: “Thiên tân vạn khổ, ở cả trong nầy, Ngô lang ơi! Xin đừng quên nhé”. Lật bề trái có bốn chữ: “Ý Hạnh tuyệt bút”. Mấy đứa em gái giựt mình, vừa khóc vừa nói với Minh Châu rằng:
– Cái hộp da nầy là cái hộp hồi chiều, chị ấy mới cầm về, những gì ở trong nầy sao anh không coi.
Minh Châu mới thấy cái hộp da, thì hình như có sấm sét đánh vào tâm can chàng, chàng kêu “trời ơi” một tiếng rồi ngất đi, bất tỉnh nhơn sự. Một lát chàng lại tỉnh, trợn mắt lên và kêu lớn rằng:
– Trời ơi! Tôi tự làm cho vợ tôi chết. Tôi còn sống sao được?
Mọi người hiểu rằng chắc có duyên cớ chi đây, ai nấy đều vội vàng hỏi:
– Làm sao? Làm sao?
Người em gái mở hộp ra, thấy một bức thơ của cô Dương Thị Đàm, bèn đọc lên, mọi người đều đổi nét mặt buồn rầu ra dáng giận dữ, nhìn chăm chỉ vào Minh Châu. Minh Châu run sợ, hình như người điên cuồng. Người em gái lại đọc bức thơ của Ý Hạnh trả lời, người trong nhà đều khóc rùm cả lên. Người em gái cũng khóc nức nở, không đọc được nữa, đứa em trai phải cầm lấy đọc tiếp.
Sau lại thấy một bức thơ đề ngoài bao: “Bức thơ vĩnh biệt mẹ cùng chống và các em”.
Bà Thông Trần nói:
– Thôi, ta không muốn nghe những lời đứt ruột ấy nữa.
Người em gái đã toan cất đi thì Minh Châu chạy lại, dằng lấy và nói:
– Thơ của tôi thì đưa tôi đọc.
Chàng mở thơ ra coi; thấy viết như vầy:
‘Cậu Ngô Minh Châu ơi!
Cái ái tình của đôi ta đang dầm thắm nồng nàn, ngờ đâu chăn loan gối phượng, chưa được đôi tuần, mà rẻ thúy chia uyên, hóa ra thiên cổ, những sự thương tâm ở đời còn gì thảm hơn thế nữa? Nhưng thôi, sau khi tôi đã trả nợ trần, xin cậu đừng nên vì tôi mà quên cái tráng chí nam nhi của cậu; tôi chết là vì danh dự tôi, vì số mạng tôi, cậu không nên thương tiếc khóc than chi lắm, cho hao tổn tinh thần.
Có điều người bạc mạng nầy đinh ninh di chúc, là xin cậu, sau khi đã an táng tôi xong rồi, thì cậu nên mau mau về Hà Đông, xin lỗi với bà Cử Dương đi. Chị Dương Thị Đàm là người nhân tâm hiệp cốt, chắc không để ý đến lỗi trước đâu.
Than ôi! Tôi chết đi, đối với mẹ thật là bất hiếu, đối với cậu thật là vô tình, vậy sau khi tôi chết, xin cậu phụng dưỡng giùm mẹ tôi, và khéo ở với tân nhân. Nếu cái tiền oan nghiệp chướng của đôi ta chưa hết, thì tôi xin hẹn gặp kiếp sau.
Người bạc mạng Ý Hạnh.”
Ngô Minh Châu đọc xong, nét mặt rầu rĩ, nước mắt chứa chan, nói không rõ tiếng.
Đến sáng hôm sau cả hàng phố đều đồn là Ý Hạnh bị cảm chết, tội nghiệp! Ai cũng thương tiếc.
Người em gái ra nhà điện báo đánh một cái dây thép lên bà giáo Ngô biết tin buồn, và luôn dịp gởi bức thơ cho cô Dương Thị Đàm.
Cách hôm sau làm lễ an táng, các thầy giáo cô giáo và nam nữ học sanh cùng thân thích đi đưa rất đông, ai cũng tỏ tình thảm thương.
Sau đó ba ngày, bà Thông Trần bảo Minh Châu rằng:
– Nay việc đã như thế rồi, tôi cũng không nỡ trách cậu nữa, chỉ có một điều cậu nên tự tỉnh lại, theo như bức thơ của em thì ngày mai cậu phải đi Hà Đông xem sao?
Minh Châu khóc lóc vâng lời.
Nói về cô Dương Thị Đàm từ bữa gởi bức thơ cho Ý Hạnh rồi, thì cô nhuốm bịnh liền. Cô có cái cốt cách ốm yếu rồi, lại bị buồn rầu lo nghĩ thái quá, thành ra bịnh nặng. Thầy thuốc khuyên cô phải tĩnh dưỡng mới có thế khỏi được. Cô cũng nghĩ rằng: Ngẫu nhiên bị bịnh, ta nên tĩnh dưỡng, thời không đến nỗi nào.
Ai ngờ một đạo linh phù đến đòi mạng, tức là bức thơ của Ý Hạnh đưa tới nơi. Cô tiếp được thơ, ngồi dậy đọc xong là ngã lăn trên giường, khóc lóc kêu gào rằng:
– Tôi giết chị Ý Hạnh rồi, trời đất ơi! Giết người ta chết, thì tôi còn sống sao được nữa.
Từ bữa đó cô Đàm nghĩ đến Ý Hạnh chừng nào, thì bịnh lại nặng thêm chừng nấy.
Trong khi cô Đàm đang đau nặng, thì Minh Châu đến, bà Cử trông mặt, người đen và gầy, cũng có lòng ái ngại.
Bà nói:
– Mi còn đem mặt đến đây làm gì nữa?
Minh Châu khóc:
– Cái tội của con dầu xử bằng sấm sét búa rìu, cũng còn là nhẹ, nhưng nay nếu bà không thương, thì con chỉ còn một cách chết nữa mà thôi.
Bà nói:
– Con Đàm bây giờ, bịnh liên miên ngày đêm, không biết sống chết ngày nào? Mi còn quyến luyến cái nắm xương bọc da kia làm gì vô ích; mi là người thông minh tài giỏi, thiếu gì vợ đẹp người khôn. Mi bây giờ mới nhớ tới người ước cũ nguyền xưa, muộn quá đi rồi.
Nghe mấy câu ấy, MInh Châu chỉ có ôm mặt khóc mà thôi, chớ không biết nói sao nữa hết.
Thị Đàm nằm dưỡng bịnh trong phòng, nghe nói Minh Châu đã đến, thì nàng tự nghĩ Ý Hạnh vì ta mà chết, khi lâm chung còn ân cần gởi bức thơ xin lỗi, ta nỡ nào mà để phụ lòng; nhưng làm người con gái quí về cao khiết, chớ như đã bị lạt lẽo khi trước, lẽ nào lại đằm thắm khi sau, thà rằng sớm về nơi tĩnh thổ, thoát khỏi nợ trần hoàn còn hơn.
Được một lát, Minh Châu vào thăm cô Đàm, thì bấy giờ cô đã mê mệt, không còn biết gì nữa, chỉ có thể chào bằng đôi con mắt mà thôi. Đêm hôm ấy cô Đàm chết.
Minh Châu vật vả khóc than, rồi xin bà Cử cho mình đem cô Đàm về làng mình an táng cùng với mộ Ý Hạnh một chỗ.
Từ hôm sau trở đi, cứ chiều chiều Minh Châu cầm nắm hương ra mộ hai người, khóc than hồi lâu rồi mới về. Một hôm đã đến 8-9 giờ tối chưa thấy về, người nhà đi tìm, đến nơi thấy hương cháy đã tàn, mà Minh Châu thời ngồi dựa một gốc cây bên mộ, rờ đến người thời đã lạnh từ bao giờ rồi, vạt áo hãy còn đầm đìa giọt lệ, một tay còn cầm hai cái tiểu ảnh của hai vợ.
Bởi mối tơ duyên buộc mối sầu,
Vì ai khăng khíu hỡi Minh Châu?
Màu hoa vườn “Hạnh” say vì túc,
Giọt nước ngành “Dương” rưới tợ lau.
Non nước đã sai lời thuở trước;
Cửa nhà khôn lẽ trọn về sau.
Thương nhau như thế là thương hại,
Tình ái chi mà thác với nhau?
———- Chung ———–
(1) Hai câu nầy nghĩa là xảy chơn một chút ân hận ngàn năm,tới chừng biết ăn năn thì lúc ấy đầu đã bạc, ăn năn cũng đã muộn lắm rồi.