Gánh Huỳnh Kỳ của Cô Bảy Phùng Há và Cậu Tư Phước Georges, chính là bạch công tử Lê Công Phước.
Vốn là người mê cải lương, năm 1926 Bạch Công tử kết hợp với ông Nguyễn Ngọc Cương lập gánh hát Phước Cương (tên ghép của 2 người) và quy tụ nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như Năm Phỉ, Tám Danh, Tám Mẹo… Nhưng chỉ chừng một năm sau thì Bạch Công tử tách ra và lập gánh Huỳnh Kỳ với sự tham gia của các nghệ sĩ: Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne. …
Theo nhiều tài liệu thì đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng lục tỉnh Nam kỳ và không thua gì gánh thầy Năm Tú đang nổi danh lúc bấy giờ. Trong thời gian này, Bạch Công tử cho xây dựng rạp hát cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho để làm nơi gánh hát biểu diễn thường xuyên. Đến khi Bạch Công tử bị sạt nghiệp thì cả ngôi nhà và rạp hát đều bán lại cho ông Lê Ngọc Chiếu, là người giàu có ở vùng Chợ Gạo. Vì vậy rạp hát được đổi tên thành rạp Lê Ngọc.
Khoảng năm 1963, ông Chiếu bán lại rạp hát cho người khác và đổi tên thành rạp Viễn Trường, đến thập niên 1980 lại được đổi tên thành rạp Mỹ Tho. Rạp hát hiện vẫn còn trên đường Đinh Bộ Lĩnh, TP Mỹ Tho, nhưng đã bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Riêng căn nhà thì sau năm 1975 được sử dụng làm trụ sở UBND phường, hiện nay là trụ sở Phòng Văn hóa Thông tin và Thể thao Mỹ Tho.