Vào khoảng tháng 5 năm 1984, “Hùm thiêng Yên Thế” sau bao năm chọc trời khuấy nước, nay đã lâm vào cảnh thoái trào bởi những thế lực quân sự của giặc Pháp tấn công dồn dập.
Các tay thủ túc thân tín, thiện xạ bị hao hụt đi khá nhiều. Chỉ riêng ông là một tướng tài du lích lỗi lạc cho nên bao phen vây bọc mà bọn Pháp không làm sao đụng tới ông được.
Hôm ấy trời vừa tối mịt, Thám cũng vừa đi tới làng Vạn Âm, một làng ở quanh vùng Yên Thế, một mình xông pha nơi rừng hoang cỏ rậm trong khi ông đang tần ngần lo nghĩ đêm nay sẽ nằm nghỉ vào đâu?
Thẫn thờ Thám đưa mắt trông theo rặng cây xanh mờ sương phủ. Đó đây tiếng chim kêu vượn hú, tiếng các thú rừng gào lên, hòa tan trong hơi gió vang dội khắp rừng sâu núi thẳm đang chìm dần vào bức màn đêm tối tăm lạnh lẽo.
Bỗng nghe có tiếng chân người xa lạ đi tới có vẻ vội vàng hối hả. Ngỡ là lính Pháp. Thám vội né mình sau một bụi rậm và lẹ làng rút khẩu súng nằm thế thủ đợi chờ. Bóng đen thấy vậy liền cất tiếng dõng dạc không chút sợ hãi:
– Ai đó? Sao đêm khuya mà còn vớ vẩn ở đây?
Tiếng nói trong lanh lảnh rõ ra tiếng nói của đàn bà.
Thám trố to hai mắt nhìn. Thì một thiếu nữ tay cầm dao tiến tới. Thám không còn sợ nữa, nhưng vẫn phân vân về sự có mặt của nàng ở đây vào giờ này.
– Thưa cô, tôi là người đi buôn bán bị giặc lấy hết cả tiền bạc hàng hóa; đi đến đây gặp trời tối giữa rừng mà không biết đâu là làng mạc để tìm nơi tạm trú, đành phải ngồi đây xin người cứu giúp cho.
Thiếu nữ “A” lên một tiếng nhẹ rồi thu đao cài vào sườn và nói:
– Nếu quả thực ông là kr3 lỡ độ đường, xin hãy theo về nhà tôi ở gần đây tạm nghỉ rồi sau sẽ liệu tìm cách trở về quê quán.
Thám vô cùng mừng rỡ và xin theo ngay tức khắc. Thiếu nữ vui vẻ đi trước, còn Thám lẽo đẽo theo sau, lòng những khấp khởi mừng thầm cho là bao giờ gặp bước cùng đó thì ông lại cũng gặp được người giúp đỡ.
Đi quanh quẩn trong rừng một lúc lâu, Thám thấy đường dần trở nên quang đãng. Chẳng bao lâu một ngôi nhà nhỏ nhỏ xinh xinh, xung quanh có vườn rộng bao bọc rất đẹp mắt đã hiện ra trước mắt Thám. Thấy người lạ theo vào, con chó từ đâu trong nhà chạy ra sủa vang. Thiếu nữ cất tiếng lanh lảnh mắng chó rồi mời Thám đi theo mình vào trong nhà. Cô kính cẩn kể lại cho vị cha già nghe về tình cảnh không may của người lỡ bước.
Cụ già nghe lời con nói, niềm nở chào đón và dịu dàng an ủi bảo khách cứ yên tâm lưu lại đây vài ngày cũng không hề gì. Thám chỉ vâng dạ cho qua chuyện. Thật ra lúc đó tâm trí của ông đang quay về dĩ vãng, nhưng không phải là nuồn nản; trái lại, lúc nào bầu nhiệt huyết của ông cũng vẫn sùng sục tựa dầu sôi.
Trong chốc lát, từ dưới nhà, thiếu nữ đã lẹ làng bưng lên một mâm cơm nóng hổi.
Thám để ý nhìn kỹ thiếu nữ thì thấy nàng có vẻ mạnh bạo khác thường. Người dong dỏng cao, mặt trái xoan, hai má lúm đồng tiền, đôi mày hơi xách và cách xa nhau để lộ phía trên sống mũi dọc dừa một khoảng rộng, làm cho khuôn mặt có một vẻ ngang tàng đặc biệt. Với dung quang như vậy, thiếu nữ đã khiến cho Thám bồi hồi cảm động vì cái duyên chan chứa, vì vẻ mặt cương nghị ngang tàng, nhiều hơn là vì nhan sắc nghiêng thành nghiêng nước.
Trong khi ngồi ăn, Thám đã không khéo gợi chuyện về thiếu nữ. Ông cụ vẫn thực thà kể rõ tên tuổi và nói thiếu nữ chính là con mình. Ông lại cho Thám biết là con gái mình tính tình khảng khái cương cường hơn cả con trai, lại cậy có đôi ba miếng võ nên thường vẫn cả gan xông pha đây đó khắp trong rừng để săn bắn mà không hề sợ hãi … Kể chuyện xong về thiếu nữ, ông cụ lại than phiền thân phận:
– Ông tính, nhà chỉ có một cháu trai nuôi từ hồi nhỏ, ai ngờ lớn lên cháu nó lại đi theo ông Thám, thành thử quanh năm chẳng về, ở nhà chỉ có một mình cháu bé này chăm nom công việc, nhưng hàng ngày cũng không biết nó đi đâu luôn mà có vẻ bí mật lắm, thành thử tôi chỉ sống một mình trơ trọi ở nơi rừng xanh hiu quạnh này.
Nghe lời ông cụ nói vậy, Thám mới rõ thiếu nữ đó tức là Đặng Thị Nhu, con gái ông tuổi đã lớn mà vẫn còn phòng không chiết bóng.
Còn một điều nữa mà Thám rất lấy làm lạ là ông cụ nói có người cháu trai anh cô Nhu đi theo mình. Người ấy là ai, còn cô Nhu thì vì cớ gì mà hay đi xa và có những hành động bí mật như vậy? … Tính tò mò của Thám bị kích thích mạnh mẽ, Thám liền nhỏ nhẹ hỏi ông cụ:
– Dạ thưa cụ, người cháu mà cụ vừa nói đi theo ông Thám ấy tên là gì và đi đã bao lâu nay rồi?
Ông cụ không chút nghi ngờ, thản nhiên trả lời vanh cách:
– Cháu nó ở với tôi từ nhỏ, tôi coi như con và đặt tên cho nó là Luận, nhưng vẫn để nguyên họ bố cháu tức là Thân Văn Luận, cháu tính tình hiên ngang, không thích sống trong vòng cương tỏa nên nó mới bỏ đi theo ông Thám mấy năm nay. Đi lâu lắm mà tôi vẫn chưa được tin gì của nó cả, không biết nó còn sống hay là chết rồi …
Đến đây ông cụ ngừng lại và thở dài não nuột.
Còn Thám khi nghe nói đến tên Luận thì không khỏi giật mình đánh thót. Thì ra Luận, một tay thủ túc cừ khôi của Thám đã từng lập biết bao nhiêu công trận, mà mấy lâu nay vẫn không hề chịu lộ một chút tông tích nào về gia đình riêng cho Thám biết, là một đứa con yêu, một người anh quý của gia đình nhỏ bé kín đáo này. Thám càng cảm phục cái khí phách của viên bộ tướng ít có ấy. Thừa dịp nầy, ông lại muốn dò xét xem thái độ ông cụ đối với công cuộc của mình ra sao nên mới kiếm câu gợi ý:
– Thưa cụ cứ như ý cháu thì lệnh lang đi theo Thám quả là phí cả một đời người, vì chung quy Thám chỉ là một tên cướp tầm thường, phá hại nhân dân mà thôi. Chính tôi mới bị quân Thám cướp giải nên mới khổ cực như thế nầy.
Thám cố làm ra vẻ tức giận oán hờn. Nhưng cụ già vẫn một vẻ mặt thật thà, chất phác, cụ cười nhạt và đáp:
– Ông nói sao tôi cũng chỉ biết vậy, còn quả tình ông Thám là người như thế nào và làm những việc gì ra sao thì già này cũng không hiểu một tý gì cả.
Trong khi Thám và ông cụ đang ngồi nói chuyện vẩn vơ thì bỗng nghe ngoài cổng có tiếng gõ rất mạnh. Cô Nhu theo lệnh ông cụ, xăm xăm bước ra mở cửa.
Trong giây lát, một đoàn 4 người đi thẳng vào trong nhà, mà người đi đầu chính là Thống-Luận. Cô đi theo vào chưa kịp giới thiệu anh họ với người khách lạ thì Luận đã cúi chào Thám một cách rất cung kính, và vồn vã hỏi về cậu trạng ra vẻ vui mừng không xiết. Cả cụ già và cô Nhu đều tròn mắt không hiểu tại sao Luận lại quen người khách lạ ấy.
Hai cha con chưa kịp hỏi thì Luận đã kính cẩn trình bầy rõ ông khách lỡ độ đường chính là người anh hùng chọc trời khuấy nước Đề Thám, đang bị quân Pháp truy nã rất gắt. Thì ra, trong khi thua trận, mỗi người chạy tản một nơi, Luận đi tìm Thám mãi không thấy, nhân đi qua nhà mới ghé vào thăm cha nuôi và em, may sao lại được gặp Thám ở nhà mình.
Cuộc tương phùng này vui vẻ không sao kể xiết. Không ai nghĩ đến việc thất bại đã qua và chỉ biết vui với hiện tại. Hy vọng lại dâng lên tràn trề trong lòng những viên hổ tướng bại trận. Nhưng, họ vẫn chăm chú ngó tới tương lai sáng lạng và tin ở sự thành công sau này. Vì nghĩa cả, dẫu phải vào sinh ra tử nguy hiểm tới mức nào, họ cũng cương quyết dám làm mà không hề nản chí.
Đêm đã khuya, ông cụ vì mệt, xin vào buồng ngủ, cả bốn năm thầy trò của Thám ngồi quây quần bên nhau bàn định mọi việc. Còn cô Nhu vẫn đi lại săn sóc, thu dọn đồ đạc trong nhà. Cô cảm thấy vui vẻ một cách khác thường. Vốn có một tâm hồn ngang tàng, lúc nào cô cũng chỉ có ý muốn noi theo các bậc anh hùng nghĩa sĩ sát thân thành nah6n, làm nên những nghĩa sử ích nhà lợi nước. Bởi vậy, hôm nay may mắn gặp Thám, lòng cô bỗng xao xuyến và cảm như có một mối tình trièu mến thiết tha đối với người khách anh hùng “biên thùy một cõi”; cô lấm lét nhìn Thám, thấy tuy đã đứng tuổi nhưng vẻ mặt vẫn còn lộ vẻ hùng dũng ngang tàng, chứng tỏ một cuộc đời đã lăn lộn nhiều trong gian khổ hiểm nghèo.
Trong khi đó, Thám và các bộ tướng tuy chưa ngủ nhưng câu chuyện cũng không còn được sôi nổi như ban đầu. Trong tiếng muỗi kêu vo vo, người ta nghe tiếng hơi thở đều đều nhè nhẹ.
Bên ngoài gió trời hiu hắt lạnh buốt vẫn từng hồi tạt vào các khe ván hở, mang theo cả tiếng hú não nuột, tiếng gầm rùng rợn của các thú sơn lâm. Vắng vẻ. Lạnh lùng. Thám nằm ghếch đầu lên chiếc gối xếp vừa được ông cụ chủ nhà trao cho, chốc chốc lại liếc mắt nhìn cô Nhu, lòng tràn ngập một nguồn hy vọng lớn lao về đại cuộc: ông thầm nghĩ, đã đến lúc trời giúp ta một người cộng sự!
Hôm sau trời chưa sáng rõ, Đề Thám cho gọi một mình Luận ra hầu trà. Bấy giờ, trong lúc tinh thần sảng khoái, Thám nhấp dần chén trà còn bốc hơi thơm ngát rồi từ từ bảo Luận:
– Anh Luận ạ! Ta có câu chuyện muốn nói với anh và nhờ anh giúp sức …
Thấy Luân chưa hiểu gì, lòng rất áy náy, nhưng vừa cất định hỏi lải thì Thám đã giơ tay ra hiệu bảo im và nói tiếp.
– Câu chuyện này đã nhiều lần ta tính nói với anh hồi đêm, nhưng vì ta còn phải suy nghĩ nhiều nên ta chưa vội. Nay thì ta cân nhắc kỹ rồi …
– Dạ!
Thống Luận mở to mắt nhìn Chủ lòng hồi hộp chờ đợi.
– Anh Luận ạ! Ta thấy người em họ nhà anh quả là người gan dạ và có thể giúp ta nhiều việc lớn sau này. Thực là duyên trời đưa lại nên ta mới có dịp gặp gỡ giai nhân, như thế ta muốn nhờ anh nói dùm với ông Cụ xin cô Nhu cho ta, không biết có thể được không.
Thống Luận lộ vẻ vui mừng, vội vàng gật đầu và lễ phép nói:
– Thưa Chủ, việc này tưởng không có gì là khó cả. Chủ đã có lòng thương mà để ý đến em tôi thì đó là một diễm phúc cho gia đình tôi và cho cả nó rồi.
Thám mỉm cười, và ra vẻ thỏa mãn:
– Ừ, thì cái đó cũng phải nhờ anh nữa chớ.
Nói xong, hai thầy trò cùng cười vang. Tuần trà càng trở nên thân mật.
Tới bữa ăn, Luận đem câu chuyện ấy ra nói với ông Cụ. Cụ già cũng tỏ ra rất đỗi vui mừng. Thực ra, trong thâm tâm, Cụ vẫn có một cảm tình nồng hậu đặc biệt đối với vị anh hùng cứu quốc.
Còn cô Nhu, từ trước tới nay cô vốn rất trọng những khách tài ba lỗi lạc đang đem tấm thân ra phụng sự giống nòi. Nhiều khi cô cũng địng đi theo anh dưới cờ “Ông Thám” để làm một tay bộ tướng. Chỉ hiềm một nỗi nhà còn cha già không ai chăm nom hôm sớm, nên cô đành phải nán lại hầu hạ phụng sự cho phải đạo.
Nay thấy anh nói ông Thám muốn hỏi mình làm vợ, cô bỗng vui mừng khôn xiết; bông hoa dại trong rừng thẳm còn dám trông mong gì hơn nữa.
Cuộc kỳ ngộ đã giải quyết xong. Một bữa tiệc thanh đạm nhưng trang nghiêm được tổ chức. Các tướng tá thất trận chạy tản các nơi được tin Chủ ở nhà Luận đều rủ nhau kéo đến mỗi lúc mỗi thêm đông. Ai nấy đều lộ vẻ vui mừng về mối lương duyên đó. Trong bữa tiệc mừng chủ tướng, tất cả đều kính cẩn cất chén chúc bách niên giai lão.
Từ đó, cô Nhu đã nghiễm nhiên trở nên vợ ba Đề Thám và khắp hàng tướng tá và ba quân đều tôn trọng và gọi là Cô Ba.
Sẵn có võ nghệ từ trước, nay lại được rèn luyện thêm chẳng bao lâu Cô Ba cũng ra bài binh bố trận, giúp Thám rất đắc lực trong công cuộc biệt lập một giang sơn, đường hoàng chống lại người Pháp. Và chính về sau này, trong mọi mưu cơ chính trị cũng như quân sự vị anh hùng chọc trời khuấy nước một vùng Yên Thế đã trông cậy rất nhiều vào tài ba lỗi lạc của vị nữ trung anh kiệt ấy.
Cho đến khoảng tháng 11 năm 1909, trải qua nhiều gian khổ cực quá đỗi, sức khỏe của cô đã trở nên suy nhược. Thế rồi trong khi cô dắt đứa con quý ngàn vàng là Hoàng Thị Thế vừa 8 tuổi chạy theo Thám trong rừng tới hạt Bắc Giang thì cả hai mẹ con đều bị bắt. Được tin ấy, Thám hốt hoảng rụng rời, liền quay trở lại liều đánh để cứu lấy vợ con, nếu không thì cũng để cùng nhau thủy chung trọn nghĩa. Nhưng hy vọng ấy đã tan tành, vì khi Thám trở lại tìm thì không còn thấy tăm hơi đâu nữa!
Mấy Cô Ba, Hùm thiêng Yên Thế như không còn nanh vuốt, mà bên quân Pháp bắt được Cô Ba cũng tự biết chắc là từ nay Thám sẽ không còn thế lực gì mạnh nữa.
Rồi đến một ngày kia vào cuối năm 1909, trong khi Thám còn lang thang nay đây mai đó, lòng ôm một mối uất hận không tan; cái hận đại cuộc tan tành thì lênh đên ngoài mặt biển, trên chiếc tàu binh của Pháp từ Hải Phòng đi Guyane, cô Đặng Thị Nhu cũng cắn lưỡi tuẫn tiết trước hơn 40 chiến sĩ anh hùng Yên Thế đang ngậm ngùi sa lệ, cảm thương vị nữ tướng anh hùng và xót xa cho thân thế lao đao của mình trong thảm cảnh nhà tan nước mất.