Bà Vân Khanh nữ sĩ cũng như bà Cao Ngọc Anh là những người phụ nữ còn sót lại giữa thế hệ này là thâm hiểu rất nhiều Hán học. Bà là chính thất cụ cử Vũ Đạt, một gia đình gồm có những bậc hay chữ ngay từ thuở nhỏ như gia đình bà. Nhờ đó mà từ ngày còn thơ ấu, bà Vân Khanh cũng sớm thông kinh sử. Hiện giờ bà trông nom nghi lễ thờ phượng khói nhang ĐỀN HAI BÀ TRƯNG và đền Phủ Giầy.
Thơ VÂN KHANH đượm một vẻ ưu hoài trước cuộc tang thương dâu bể cuộc đời nhân thế.
Bài DI CƯ NGẪU CẢM dưới đây nói lên hết nỗi u hoài ấy:
Nước xẻ, non chia mấy độ rồi??
Câu thơ ngâm vịnh đề cầu vui
Gặp ai người cũ mà thăm hỏi
Để khách đường xa luống ngậm ngùi
Nhớ thuở một thuyền cùng một hội
Buồn nay đôi ngả cách đôi nơi
Vì đâu vĩ tuyến phân Nam – Bắc
Tính đã bao phen cuộc đổi dời.
Vì không chịu đựng nổi chế độ Cộng Sản. Bà đành phải lìa bỏ quê hương yêu dấu, di cư vào Nam, nhưng luôn luôn bà hướng nhớ về quê, lòng cũng luôn luôn mang mối hận chia đôi non nước, và vì đó bài thơ nào của bà cũng nói lên nỗi nhớ nhà, nỗi hận lòng.
Bài TRUNG THU VỊNH NGUYỆT dưới đây chứng tỏ nỗi niềm thương nước, nhớ nhà của nhà thơ:
Trong vắt lưng trời bóng Tố Nga
Trần gian sao dám bảo trăng già
Bao phen sương tuyết gương càng tỏ
Mấy độ tang thương bóng chửa nhòa
Đỉnh núi mây tan, mày nét liễu
Đầu cành gió thoảng, mặt in hoa
Hàn quang xin chớ soi ly biệt
Để khách tha hương chạnh nhớ nhà!
ĐÀO VÂN KHANH.