Tựa sách: Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời
Tác giả: Haruki Mukarami
Ngôn ngữ gốc: Tiếng Nhật
Haruki Murakami là nhà văn nổi bật của dòng văn học đương đại Nhật Bản, mỗi tác phẩm mới ra mắt của Murakami là một lần tạo nên cơn sốt trong cộng đồng độc giả ái mộ tài năng của ông. Truyền thông thế giới ca ngợi Mukarami bằng vô vàn danh xưng hoa mỹ như “nhà văn best-seller”, “người tạo nên diện mạo cho văn học Nhật Bản”.
Người ta tìm thấy nhiều âm hưởng lịch sử trong các tác phẩm mang phong cách rất đại chúng của Murakami. Và người ta cũng dễ dàng bắt gặp yếu tố mới mẻ, phi truyền thống so với các thế hệ tác giả trước đây trên văn đàn Nhật Bản ở các sáng tác của ông. Người thích Mukarami hiện đại sẽ tìm được sự mới mẻ, người thích yếu tố tính dục sẽ thấy được những vấn đề nhạy cảm ấy. Chúng ta muốn nhìn Murakami từ bất kì góc độ nào cũng được. Ông đủ phong phú để độc giả có thể tìm thấy điều họ muốn.
Khi tiếp xúc với “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”, một trong những truyện vừa thú vị và dễ đọc nhất của Mukarami, độc giả sẽ nhận ra điều ấy. Câu chuyện bắt đầu với mối quan hệ giữa Hajime và Shimamoto khi cả hai mới chỉ 12. Với Hajime, Shimamoto là mối tình đầu, là mảnh ghép cuối cùng cho “thằng người vốn dĩ không hoàn chỉnh” của mình. Và xuyên suốt từ đầu tới cuối, nhân vật chính của chúng ta chưa bao giờ thôi day dứt về mối tình đầu, bất chấp biết bao cuộc tình đi qua, thậm chí cả khi đã có vợ và hai con gái.
Từ tác phẩm, nhà văn truyền cho người đọc nhiều bức thông điệp rất giá trị. Chúng ta sẽ nhận ra rằng mỗi con người suy cho cùng đều mang trong họ những nghi vấn về thế giới này, về những quy luật tồn tại bất định, về mối quan hệ của từng cá thể trong một thế giới rộng lớn và sự hiện diện của chính họ trong cuộc đời này. Những bước chuyển biến của xã hội Nhật Bản theo tháng năm không được khắc họa đậm nét như một bức tranh toàn cảnh mô phỏng ẩn hiện mà toàn vẹn theo dòng hồi ức của nhân vật Hajime từ khi anh là cậu con một thấp bé đến lúc trở thành một người đàn ông có vẻ ngoài vững chãi.
Trong khuôn khổ của câu chuyện này, bằng một giọng văn rất mực ôn tồn, Murakami đã dẫn dắt chúng ta vào một hành trình tìm kiếm bản ngã đích thực của mỗi con người. Có cảm giác mỗi nhân vật của Mukarami đều là những nhân vật kiếm tìm, mỗi chương truyện của ông đều khắc khoải cảm giác trăn trở đầy hoài nghi. Đó là những hoài nghi về tình yêu thật sự, là những câu hỏi về bản thể ngầm ẩn dưới những trăn trở của nhân vật về bản thân mình của hiện tại so với quá khứ, những vết xước về tinh thần từ thực tế đời sống.
Tình yêu trong câu chuyện đó chẳng rõ ràng qua lời nói hay hành động, đó chỉ là một cái chạm tay thôi, là những lần cùng nhau nghe một đĩa nhạc trong những năm tháng trẻ dại và cứ thế nhớ mãi về nhau như một dấu vết hằn sâu, như một tín ngưỡng đẹp đẽ nhất không gì có thể thay đổi được. Mối tình đầu đó chẳng vướng bất kì một thứ tạp niềm nào, cứ nhẹ tênh như vậy mà trôi qua chẳng ai hay biết, trở thành một chấp niệm không thể chạm vào, trở thành một phần của cuộc đời tạo rồi tạo nên hụt hẫng lớn lao trong lòng đến độ không một thứ hạnh phúc nào có thể lấp đầy nó. Và khi chấp niệm hoàn hảo đó cứ ở yên như vậy trong quá khứ còn con người ta cứ phải chạy đi để trưởng thành thì nó đành bị gác lại vào nơi kín đáo nhất, những điều trong trẻo ấy đã trôi qua chẳng kịp níu giữ và cũng không thể nào bám víu được chút gì thì cũng không thể nào tiếp tục cứ hiện diện mãi được.
Còn có một tình yêu khác, cũng chân thành đấy nhưng đáng tiếc nó không vẹn nguyên chỉ là sự hòa trộn giữa cái rung động và những tiếng yêu thương, nó còn có dục vọng. Loại bản năng đó là thứ khiến cho tình yêu nồng nàn hơn nhưng cũng là thứ giết chết đi những tin yêu đẹp đẽ nhất, thuần túy nhất. Đến cuối cùng, không còn lại những thanh âm trong suốt của tiếng yêu đầu đời, không còn những hồi thúc giục của dục vọng, tình yêu sau đó sẽ chẳng là gì cả, ngoài những đau đớn dằn vặt ám ảnh suốt cả cuộc đời.
Trong “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, Murakami đã trực tiếp khẳng định một chân lý rằng, tất cả mọi vật có hình hài rõ rệt rồi đều sẽ biến mất, chẳng thể nào khác hơn: “Khi trời mưa, hoa nở, và khi trời không mưa, hoa héo. Bọn thằn lăn ăn côn trùng, và bị bọn chim ăn thịt. Nhưng tất cả đều sẽ chết và khô teo đi”. Một thế hệ biến mất, một thế hệ khác thế chỗ. Cũng tương tự như việc những câu trả lời sẽ qua đi, còn câu hỏi thì mãi ở lại ám ảnh người đối diện không thôi.