Xứ tuyết – Tác giả Kawabata Yasunari

Tựa sách: Xứ tuyết

Tác giả: Kawabata Yasunari

Ngôn ngữ gốc: Tiếng Nhật

Kawabata Yasunari là một trong những nhà văn hàng đầu của nền văn học Nhật Bản. Với một giọng văn u buồn, tinh tế đến độ thuần khiết, người đọc như bị dẫn dắt vào một thế giới hoàn toàn khác, để rồi từ các sáng tác đầu tay như tiểu thuyết Cô vũ nữ xứ Izu (1925) đến sáng tác gần như cuối cùng Vẻ đẹp và nỗi buồn (1963), tên tuổi của nhà văn đặc biệt này thật sự đã vượt khỏi biên giới Nhật Bản. Ông am tường về văn hoá phương Tây nhưng kỳ thực Kawabata Yasunari vẫn là một người châu Á. Dòng máu phương Đông, hơn bất kỳ lí do nào, đã trở thành động lực thôi thúc “người lữ hành” Kawabata miệt mài những hành trình tìm kiếm cái đẹp và giá trị đích thực của xứ sở và tâm hồn Nhật Bản, nơi đã khởi sinh và nuôi dưỡng ông bằng tất cả tình yêu chân thành nhất.

Năm 1968, Xứ Tuyết cùng với Ngàn cánh hạc Cố đô là bộ ba tác phẩm được chọn để giới thiệu với Viện Hoàng Gia Thuỵ Điển, mang đến giải thưởng Nobel Văn Chương danh giá cho Kawabata. Xứ Tuyết là một câu chuyện được kết hợp hài hoà giữa những nét đẹp độc đáo, tồn tại giữa sự giao thoa của sự sống tràn trề và những biến chuyển mong manh nhưng chân thực và đầy xúc cảm. Khởi nguồn từ một chuyến hành trình lên xứ tuyết, chàng thanh niên trẻ Shimamura đã gặp gỡ được tình yêu của đời mình thông qua việc tiếp xúc với nàng Komako. Vốn là một geisha vùng núi, nàng thường chơi đàn góp vui và uống rượu trong những bữa tiệc chào đón du khách đến với xứ tuyết. Và rồi lần thứ hai khi đến vùng đất băng giá này, chàng trai đa cảm của chúng ta lại tình cờ chú ý đến nàng Yoko khi cùng nàng đi chung một chuyến tàu hoả. Ở xứ tuyết, vùng đất đẹp đẽ mà bi thương ấy, tâm hồn của một kẻ chuyên theo đuổi cái đẹp như Shimamura đã thật sự bị giằng xé, băn khoăn trước hai mối tình u buồn mà tuyệt mỹ.

Trong khuôn khổ của tác phẩm, nhà văn Kawabata đã thật sự thành công khi đồng thời khắc họa được rất nhiều hình tượng thẩm mĩ độc đáo từ góc nhìn của nhân vật chính Shimamura. Từ bỏ những náo nức, ồn ào của Tokyo phồn hoa, tạm thời lãng quên gia đình cùng những ràng buộc của vị thế xã hội, người lữ hành trẻ tuổi ấy đã tìm đến với xứ tuyết. Xứ tuyết, nói một cách không ngoa, là một thế giới đối lập hoàn toàn với cuộc đời thực tại, cũng là một cõi mơ thực trùng trùng khoả lấp lẫn nhau. Tại đây, người đọc như lạc vào một thế giới văn hoá bị bỏ quên, nơi những giá trị nghệ thuật truyền thống của xứ sở Phù Tang vẫn từng ngày được gìn giữ và nâng niu. Không gian đặc biệt ấy cho người ta nhiều cảm giác kỳ diệu, khiến mỗi chúng ta đều tin rằng nếu rũ bỏ được những điều tầm thường, bản thân ta sẽ hội ngộ lại chính mình trong một chân dung mới thuần khiết và bản thể hơn.

Chàng trai trung tâm trong tác phẩm kinh điển này, Shimamura, đã một mặt thể hiện được khao khát ngao du, khám phá thâm sơn cùng cóc của con người. Một mặt khác, tâm hồn chàng, những vẻ đẹp mê hồn lọt vào tầm ngắm của chàng đều thể hiện khao khát ngưỡng vọng cũng như tìm kiếm, chinh phục những điều đẹp đẽ đến nao lòng, đến tuyệt mỹ.

Nếu như ở Shimamura được xây dựng theo mô típ “người lữ hành” chinh phục cái đẹp, theo đuổi những điều tuyệt mỹ thì với Komako người ta thấy rõ được chân dung của vẻ đẹp bị vùi lắp giữa cuộc đời mênh mang như cái cách mà xứ tuyết đã che lấp hết thảy những ánh sáng từ bên ngoài chiếu rọi vào. Komako khiến người ta trầm trồ, thán phục vì ở nàng, không chỉ là một geisha nổi tiếng mà hơn hết sự hội tụ đủ đầy từ vẻ ngoài tuyệt mỹ đến nội tâm bi thương hoà quyện kỳ lạ với nhau. Komako đã chân thành với tất cả, không chỉ với người khiến cô trầm luân mà còn đối với những người khác trong cuộc đời cô. Cô gái ấy, dù ở trong tình thế nào, đối diện với bất kì điều gì vẫn luôn cố gắng thoát khỏi những xiềng xích của vận mệnh, với mong muốn được là chính mình, được yêu thương, được trân trọng như bao người bình thường khác.

Trái ngược với chân dung mạnh mẽ của Komako, sự trầm buồn và vẻ đẹp bi thương từ giọng nói, cử chỉ của Yoko – cô gái sương mai đọng lại trên những tấm gương. Ở Yoko tiềm tàng một sức sống luôn gắng để sinh sôi nhưng dường như lại bị nhấn chìm bởi những cái ưu sầu. Yoko tồn tại mà như không, sự hiện diện của nàng luôn huyền bí, luôn “rất không thực tế”. Nhân vật Yoko với sự đan xen hoà quyện của ba giá trị truyền thống trong mỹ học Nhật Bản: yugen (huyền bí), wabi – sabi (thanh nhã, vô thường) và aware (bi cảm) là một thành công lớn của Kawabata. Nhân vật này khiến người ta không thể phân biệt được nàng có phải một thực thể đang cùng sống trong một bầu không khí hay không, nàng thuần khiết đến độ u sầu, khiến người ta mê đắm nhưng lại chẳng sao chạm đến được.

Kết thúc Xứ tuyết, Kawabata gieo vào lòng mỗi chúng ta nỗi xót xa, hoài vọng về cái đẹp nói chung và vận mệnh của những nét đẹp truyền thống nói riêng. Kế thừa mỹ học truyền thống, tiếp nối bằng những dư âm mới mẻ, Xứ tuyết không chỉ viện dẫn những hoài nghi về bản chất hay số phận của cái đẹp mà hơn hết là lời chất vấn dành cho những linh hồn tội lỗi đã lãng quên mưu cầu của bản thân một cái đẹp.

Tác giả: Tuyết Như

Viết một bình luận

error: Content is protected !!