Người tình – Marguerite Duras

Tựa sách: Người tình

Tác giả: Marguerite Duras

Ngôn ngữ gốc: Tiếng Pháp

“Ranh giới giữa Đông và Tây có thể xóa nhòa bằng một phương cách đơn giản hơn, cổ xưa hơn, huyền bí hơn và mạnh mẽ hơn. Đó là một chuyện kể về tình yêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà. “Người tình”, đơn giản chỉ là một tình yêu như thế, tình yêu vượt lên những quy tắc và ranh giới thông thường…”.

Nữ văn sĩ Marguerite Duras, tác giả tiểu thuyết Người Tình, là một tên tuổi đã được biết đến và nhận được nhiều sự ngưỡng mộ của công chúng tại Việt Nam từ nhiều thập niên nay. Sức hút của “Người tình” cho đến nay vẫn chưa hề giảm sút. Ai một lần đến chơi Sa Đéc, thăm nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê và trường nữ học Trưng Vương, sẽ được nghe chính người Sa Đéc kể lại câu chuyện tình đã trở nên bất hủ ấy. “Người tình” là tác phẩm đoạt giải Goncourt năm 1984, góp phần đưa tên tuổi của Marguerite Duras lên một tầm cao mới trên văn đàn Pháp.

“Người tình” của Marguerite Duras là quyển tiểu thuyết tự truyện của chính tác giả. Câu chuyện kể lại một thời thiếu nữ tuy thơ ngây nhưng đầy khát khao và cả hồi ức về một tình yêu mơ hồ nhưng cũng đậm sâu theo nhân vật “tôi” suốt những năm tháng sau này. Ấn tượng đặc biệt trước hết trong tác phẩm này chính là sự khuyết danh của hàng loạt các nhân vật. Việc sử dụng các đại từ xưng hô để chỉ một lượng ít số nhân vật xuất hiện trong truyện, không gọi tên cụ thể bất kì ai tạo cho câu chuyện một không gian bảng lảng đầy thú vị. Không thể phủ nhận rằng chính sự giản lược này khiến sự xuất hiện của các nhân vật trong xuyên suốt gần hai trăm trang sách trở nên vô cùng điển hình nhưng không kém phần riêng biệt.

Trước hết chính là cô nàng nữ chính được đánh giá là nhân vật hư hỏng bậc nhất trong nền văn chương Pháp. Lần đầu tiên, người ta thấy được sự táo bạo, trần trụi, đầy nhục tính của văn học Pháp. Cô bé mười lăm tuổi với những bộ váy áo xuềnh xoàng phối hợp lạ lùng gợi nhớ cho chúng ta hình tượng nhân vật Lolita trong tác phẩm cùng tên của Nabokov. Ở cô bé khác người này, người đọc thấy ở đâu đó sự bốc đồng, nổi loạn của độ tuổi mười lăm mười sáu, đầy thơ ngây với bao biến chuyển về cuộc đời. Và cũng chính cô là người khiến người khác phải chấn động, phải rùng mình nhẹ một chút vì những suy nghĩ có phần lệch lạc, có phần “quá đáng” mà cô không nên có trong đầu.

Tiếp theo, người ta sẽ chẳng thể nào quên anh chàng tài phiệt gốc Hoa bị giằng xé giữa bao mâu thuẫn, xung đột của tâm tưởng, để rồi lạc lối trong vòng tròn luẩn quẩn những thế thái nhân tình. Tình yêu trong “Người tình” khác hẳn với những dạng thức tình yêu khác, nó vượt qua cả quy chuẩn thông thường, đào sâu đến tận gốc rễ của tâm hồn và khoái lạc thể xác của con người.

Hai con người luôn biết rằng bản thân đã yêu, yêu thật nồng nhiệt nhưng cũng lại hãi hùng, lo sợ và tội lỗi vì tình yêu đó. Hai con người biết rằng sự quấn quýt ấy là tình yêu nhưng lại chẳng biết phải yêu thương nhau thế nào. Hai con người đau khổ vì phải rời xa nhưng lại chưa một lần kiên quyết, chưa một lần quyết liệt bảo vệ tình yêu đó. Những câu hỏi dai dẳng về thực hư của tình yêu này đến cuối cùng được giải đáp vô cùng trọn vẹn và xúc động đến mức day dứt bằng cuộc gọi sau nhiều năm chia ly và “Anh nói rằng mọi sự vẫn như trước, rằng anh vẫn yêu cô, rằng anh không bao giờ có thể ngừng yêu cô được, rằng anh sẽ yêu cô cho đến chết.”

Marguerite Duras đã thông qua hành trình trưởng thành của nhân vật nữ chính để vẽ lại một bức tranh thời cuộc đầy biến động của thời đại. Độc giả sẽ có dịp chiêm ngưỡng những chuyển biến sắc màu đầy văn hóa của vùng Sài Gòn – Gia Định. Người ta sẽ thấy trong đó vẫn có nét quen thuộc của vùng Chợ Lớn, khu vực sinh sống của những người Hoa từ nhiều tầng lớp khác nhau. Cái huyên náo, cái ồn ả của tiếng bán buôn trong những âm thanh hỗn tạp của khu chợ Tàu được tác giả đề cập như một hồi ức xa xôi trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm. Các vùng không gian trong tác phẩm dù là miền Sa Đéc thôn dã với cái đập nước, với những ao hồ, với căn nhà cũ hay Sài Gòn ở nhà hàng, quán bar hay ngay cả đất Pháp với toà lâu đài cũ thì đều hòa chung một tone màu trầm buồn, đầy lạc lõng. Con người trong tác phẩm phải đối diện với cuộc chiến tranh “lan tràn khắp nơi, xộc vào khắp nơi, đánh cắp, giam hãm, nơi nào cũng có mặt, trà trộn dính líu với mọi thứ, hiện diện trong cơ thể, trong ý nghĩ, khi thức, khi ngủ, mọi lúc”.

Và họ, cũng chính họ lại gánh chịu luôn cả hậu quả của sự tiếp biến văn hoá, của những điều lẫn lộn Đông Tây, của sự mơ hồ về các ý thức hệ, họ sa lầy vào trong sự mới mẻ của văn hoá Tây phương nhưng lại chẳng thoát được ra khỏi bề dày văn hoá cũ của các thế hệ trước đó. Họ dần dà trở nên xa lạ ngay trong thế giới, trong gia đình và ngay trong chính con người của họ. Họ lúc tỉnh, lúc mê; lúc chật vật với đời thực và lúc cuồng loạn trong những cảm xúc hỗn loạn của chính mình.

Tác giả: Tuyết Như

Viết một bình luận

error: Content is protected !!