Cho mãi tới bây giờ chưa có một nhà văn học sử nào tìm ra được tên, họ, cũng như năm sinh và năm chất của nữ sĩ. Qua gia phả chồng, người ta chỉ được hay: bà ở làng Nghi Tâm (bên cạnh hồ Tây – Hà Nội), huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Đông.
Dòng dõi nho học, bà được theo đòi bút nghiên từ nhỏ. Khi tới tuần cặp kê lấy ông Lưu Nghi, người ở làng Nguyệt Ánh, huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông. Chồng bà ông Lưu Nghi đậu cử nhân năm Minh Mệnh thứ 11 (1821) sau đó làm tri huyện tại huyện Thanh Quan (nay là phủ Thái Ninh) tỉnh Thái Bình. Do đó người đời cứ quen gọi nữ sĩ là “Bà huyện Thanh Quan”.
Tới triều Tự Đức, một ông vua ham văn chương nên vời nữ sĩ vào cung làm Cung trung giáo tập (Thầy học trong cung).
Thơ của nữ sĩ hết sức trang nhã điêu luyện, dồi dào âm ba tiết điệu, tỏ rõ một tính cách đoan chính, trên căn bản “Văn di tái đạo”. Những bài “Cảnh chiều thu, Qua đèo ngang, Thăng Long hoài cổ, Chơi chùa Trấn Quốc”, diễn tả nỗi lòng u hoài trước những cuộc phế hưng đắc tảng, là nổi tiếng nhất.
Tuy nhiên gần đây đã có người phê bình văn chương cho rằng: Thơ của nữ sĩ quá lệ thuộc vào thơ cổ Trung Hoa. Cho nên đứng trên bình diện Việt Văn mà bàn, thì giá trị so với một nữ sĩ gần như đồng thời Hồ Xuân Hương không thể tương đương nổi.
Dù sao thi văn của nữ sĩ đã nghiễm nhiên nằm trong văn học sử Việt Nam rồi.
Nữ sĩ đã góp mặt với Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương thay mặt nữ giới cống hiến văn nghệ phẩm vào trong kho tàng văn chương của xứ sở đất nước, cũng là vinh dự chung cho nữ giới vậy.