Nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Cha là Hồ Phi Diễn, nguyên quán làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, xứ Nghệ An. Mẹ là Hà thị, quê Hải Dương. Xuân Hương là người đồng thời với Phạm Đình Hổ, tục gọi là Chiêu Hổ (1768-1839), tác giả Vũ Trung tùy bút.

Từ khi chưa có Xuân Hương, cha mẹ của bà đã di cư đến ở phường Khán Xuân, gần Hồ tây, thuộc huyện Vĩnh Thuận, Hà Nội.

Về sau, khi đã khôn lớn, Xuân Hương lại dời đến ở thôn Tiên Thị, tổng Tiền Đức, huyện Thọ Xương, ngay gần đền Lý Quốc Sư, phố Nhà Thờ, Hà Nội.

Thông minh, dĩnh dị, Xuân Hương có thiên tài về thơ. Sớm mồ côi cha, Xuân Hương được mẹ cho theo đời bút nghiên, nhưng được ít lâu, lại phải thôi học. Nờ ở tự tu, học nghiệp ngày một tiến, nhà nữ sĩ ấy nổi tiếng hay chữ ở đương thời.

Theo “Gai nhân di mặc”, thì Xuân Hương, mặt hơi rỗ hoa, da hơi ngăm ngăm đen, không đẹp mà có duyên thầm (tr.9).

Tục truyền: Xuân Hương có mở một ngôi hàng nước để tiện tiếp xúc với thi sĩ văn nhân mà kém người đồng điệu. Bấy giờ, nhân gặp khoa thi, nhiều sĩ tử trong nước đến kinh đô Thăng Long, có vào làm thơ với Xuân Hương để mong chiếm được lòng nữ sĩ, nhưng phần nhiều là: “Khéo khéo đi dâu lũ ngẩn ngơ, lại đây cho chị dậy làm thơ”, nên không ai được trúng tuyển cả.

Khoa thi vừa xong, có một ông giải nguyên (tức là thủ khoa) mới đỗ, đi với người em vào nhà Xuân Hương, xin làm thơ dự thí.

Sau khi nhận được đầu đề là “Thạch liên thiên” rồi, nhà tân khoa cứ nhắm bút hàng tám trống canh mới viết được bốn chữ: “thiên thạch nguyên lai” … rồi cứ bí, bí mãi đến nỗi người nữ tì của chủ nhân phải ra bảo khách rằng: “Nếu không nghĩ được thì xin mời ông lại nhà, chớ còn ngồi mà n ậm bút làm gì mãi thế?”

Nghe mấy lời mát mẻ ấy, ông thủ khoa thẹn quá, phát uất, ngất người đi, bổ nhào xuống đất, .. May có người em cùng đi, vội chạy lại cấp cứu và kiếm lời an ủi khuyên để cho anh nguôi dạ. Rồi nối hộ cho thành hai câu:

Thiên thạch nguyên lai bản thậm huyền,

Nhất tiêu vân vũ, thạch liên thiên.

Nghĩa là: những đá do trời sinh ra, nguyên lai vốn huyền bí lắm, một sớm kia, trải qua “mây mưa” thì sắc đá lẫn với da trời, trông như liền nhau.

Khi tỉnh rồi, ông thủ khoa gắn làm nốt bài thơ được Xuân Hương khen là hay và Xuân Hương đẹp duyên cùng ông ấy.

Người ta truyền rằng ông thủ khoa đó tức là ông Phủ Vĩnh Tường, sau này.

Kết hôn được ít lâu, ông phủ mất, Xuân Hương có thơ khóc:

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi;

Cái nợ ba sinh có thế thôi;

Chôn chặt văn chương ba thước đất,

Ném tung hồ thỉ bốn phương trời;

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất?

Miệng túi kiền khôn thắt lại rồi;

Hăm bảy tháng trời là mấy chốc,

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!

Cuộc nhân duyên giữa bà với ông phủ Vĩnh Tường này không biết được bao năm và khi bấy giờ bà bao nhiều tuổi, nhưng theo tác giả Việt Nam văn học sử yếu, thì bà “… duyên phận long đong, sau phải lấy lẽ một ông thủ khoa làm tri phủ Vĩnh Tường# (tr.387).

Cũng theo Việt Nam văn học sử yếu, thì mẹ bà là người Hải Dương, làm thiếp, nghĩa là làm vợ lẽ, của Hồ Phi Diễn. Như vậy, bài thơ tả cảnh lấy lẽ dưới đây của Xuân Hương không những là tiếng thét bất bình cho đám phụ nữ nghèo khổ lép vế, ở xã hội phong kiến, mà lại là tiếng đàn đồng đei65u cảm thương cho mẹ, rồi khóc thay cho chính mình nữa.

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung;

Năm thì mười họa nên chăng chớ,

Một tháng đôi lần có cũng không;

Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm;

Cầm bằng làm mướn, mướn không công;

Thân này ví biết dường này nhỉ,

Thà trước thôi đành ở vậy không.

Về sau, bà đi bước nữa, lấy ông cai tổng góa vợ, tục gọi tổng Cóc. Nhưng, được vài năm, tổng Cóc lại mất.

Chàng Cóc ôi, chàng Cóc ôi;

Công Cóc đi đâu chẳng bảo tôi?

Lòng nọng đứt đuôi từ đây nhé;

Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.

Bài thơ trên chính là những giọt lệ Xuân Hương khóc Tổng Cóc, chồng sau.

Từ đó Xuân Hương ở vậy, vui cùng thơ văn cho khuây khỏa. Những lúc chơi các danh lam thắng cảnh, hoặc khi tàn canh tỉnh giất, đối cảnh xúc hoài, bà thường làm thơ để kỷ thuật, để miêu tả, để kỵ thác.

Thơ bà mới mẻ, thoát sáo, vượt ngoài khuôn khổ trường ốc, linh động như tranh; thật là “chi trung hữu họa”. Lại trội về lỗi tả chân, nhất là “nghệ thuật hí hước trào phúng”.

Thi phẩm của bà, người sau nhặt lượm lại, biến thành một tập, gọi là Xuân Hương thi tập.

Viết xong thiên lạm bình Hồ Xuân Hương, kẻ cầm bút nầy được một nhận xét:

“Trong khi nho học đang thịnh hành, xã hội Việt Nam, từ lễ giáo đến pháp luật, có biết bao xiềng xích để ràng buộc kìm hãm tư tưởng con người không cho phát triển tự do nảy nở đầy đủ. Nhất là nữ giới lại là nạn nhân bị những hai tầng áp lực: một của phái đàn ông và một của giai cấp thống trị.

Vậy mà, từ đầu óc tỉnh táo sáng suốt chứa trong thân hình một người đàn bà mềm yếu, như Xuân Hương đã nảy ra một sức phản động rất hăng, rất mạnh.

Bằng tinh thần thơ, Xuân Hương đã dùng cái lợi chế giễu trào phúng mà mỉa mai cười cợt cả một hệ thống tổ chức của chế độ phụ quyền đã bóp nghẹt tư tưởng tự do của con người, chặn lối ngăn đường tiến hóa của nhân loại.

Bằng hình thức văn tự, Xâun Hương dùng những tiếng “rất Việt Nam”, hạ những chữ rất táo bạo, gieo những vần rất hiểm hóc oái ăm để phá cái thành trì kiên cố của lối thơ khoa cử, lối thơ ứng chế, lói thơ phong kiến, lối thơ “ngự dụng”.

Trước sức tấn công anh dũng của bà về phương diện văn chương, đối phương chống lại cũng rất mãnh liệt. Chẳng thế, Chiêu Hổ, đại biểu cho phái mạnh và phải thống trị ở đương thời, đã phải tấm tức lên tiếng:

Ông ghè không võ ông ghè mãi,

Ghè mãi rồi lâu cụng phải rẽ;

Dưới sức “ghè mãi” của Chiêu Hổ ấy, chẳng hay tiếng chuông hồi trống của Xuân Hương ở trên thi đàn có phải rẽ không, chúng ta chỉ biết rằng Xuân Hương tuy bị phe địch đương thời hết sức bao vây, hết sức đả kích, nào kẻ thì lởm bà:

Ngán nỗi má hồng mà phận bạc;

Nỡ đem yếm thắm gián màu nâu;

Nào kẻ thì giễu cợt:

Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt,

Buồng Xuân chi để lạnh mùi Hương;

Nhưng từ chỗ trung kiên của nhà thơ cách mạng ấy đã tỏa ra giữa đám bình dân ở đương thời, và đời sau, những ảnh hưởng rất sâu rộng.

Như vậy Xuân Hương, lúc sống, tuy bị đối phương hắt hủi vùi dập bằng những nhỏ nhen, những hẹp hòi và,, lúc mất rồi, tuy bị nhiều lời phê bình chưa được xác đáng hoặc vì thiên lệch bất công, hoặc vì thành kiến mờ ám, hoặc vì võ đoán phũ phàng, nhưng cái hạt giống cách mạng văn chương, của bà vẫn tiềm tàng ấp ủ trong mảnh đất văn hóa Việt Nam, gặp lúc mưa thuận, xuân hòa, đã cục dậy, đã vươn lên mà nảy chồi trồ lộc, …

Tại sao tiểu sử Xuân Hương không được chép vào một bộ quốc sử hay một pho liệt truyện nào? Tại sao thi phẩm Xuân Hương không được ghi vào một tập ký ức hoặc một thiên bút lục nào, thế mà từ đời bà đến giờ hàng trăm rưỡi năm nay, thơ bà vẫn được truyền tụng ở cửa miệng người đời trải thế hệ này qua thế hệ khác?

Phải chăng Xuân Hương đã đi sát với bình dân, cảm thông với đại chúng, thơ bà bắt gốc từ nguồn sống mãnh liệt và dẻo dai của dân tộc Việt Nam, nên tác phẩm bà mới cùng thời gian sống mãi?

Đối với bình dân, với đại chúng, lối thơ trường ốc, lõi thơ khuôn sáo, lối thơ “ngự dụng” chỉ là một sản phẩm của một hạng người, dưới chế độ phong kiến, quen bợ đỡ ca tụng bọn lĩnh chủ, bọn vương hầu, lấy văn chương làm nấc thang trèo lên lâu đài phú quí. Bình dân Việt Nam không thể rung cảm trước những vần điệu đài các, những chữ nghĩa kiểu cách, những điển tích bác học và những nét chạm trổ từ công phủ mà thiếu khí sống. Họ không thể đồng tình với hạng nhà văn, nhà thơ “đánh di ngòi bút”, “thừa cơ múa rối”, đem ngón điêu trùng tiểu kỹ cầu làm đẹp ý số ít quí tộc mà “giết lòng người”, mà đầu độc dân chúng, để củng cố thế lực cho giai cấp thống trị, hòng hưởng đôi chút “tơ tằm móc mưa”.

Cho nên thư văn của bọn ấy dù góp lại hàng pho dày, chứa đầy hàng mấy tứ, bình dân Việt Nam có thèm nhắc nhờ đến đâu, truyền tụng đến đâu.

Ấy thế mà với thơ Xuân Hương, trải bao biển dâu, qua bao binh lửa, dân Việt Nam từ đời nọ đến đời kia, ai cũng thuộc làu, nhớ như chôn vào lòng, không cần bia đá mà nó vẫn trơ trơ ở bia miệng; không cần uy quyền để bắt buộc người mua hay khuyến khích người đọc mà nó vẫn lưu hành khắp dân gian.”

Vậy ta có thể nói về Xuân Hương:

“Xuân Hương là một nhà nữ cách mạng văn chương Việt Nam. Trước đây hàng một thế kỷ rưỡi, bà chẳng những là nhà Đại thi hào, mà lại là nhà đại tư tưởng, đại cách mạng. Bà có cái đầu óc sáng suốt, dũng cảm và hào hùng: Không chịu uốn mình trong khuôn khổ lễ giáo ngoại lai, không chịu nép hơi khuất phục trước làn sóng lôi cuốn của văn hóa sức mạnh, không chịu mần xương bợ đỡ tầng lớp đại biểu cho chế độ phụ quyền. Bà là một nữ tiền tiến, thay mặt Văn học bình dân, dùng chiến thuật trào phúng hí hước hoặc đánh thẳng, hoặc đã ngấm vào hàng tôi con phong kiến, vào lối thơ văn ngự dụng. Xuân Hương đã thành công văn học bình dân Việt Nam cũng hoàn toàn thắng lợi.”

error: Content is protected !!