Có một lần nào bạn được làm du khách đặt cah6n tới đất An Bồi, một làng phồn thịnh vào bậc nhất, nhì trong địa hạt Kiến Xương. Một tiếng chuông ngân nga, quyện theo mùi nhang thơm ngát sẽ đưa chân bạn theo con đường đất đỏ, giữa hai hàng cỏ đượm hơi sương, tiến dần lên khu đất rộng. Giữa đám cổ thụ um tùm, nhô lên một ngôi đền lớn toàn bằng đá xanh chạm trổ rất công phu. Bà từ coi ngôi đền đó sẽ hướng dẫn du khách ngoạn cảnh trong, ngoài. Du khách sẽ như rụt rè, sợ sệt trong không khí trang nghiêm của ngôi đền, sẽ không quên tới trước bàn thờ, thắp nén nhang thơm tỏ lòng sùng bái vị liệt nữ thời xưa. Bà Cao Nhự, phải, nơi đây chính là đền thờ Cao tướng quân, một nữ tướng tài kiêm văn võ, đã đem thân liễu yếu chống lại áp bức Đông Hán dưới lá cờ khởi nghĩa của Trưng Vương. Cuốn sử của bà đặt trên hương án, sẽ đưa du khách lùi lại hơn hai ngàn năm về trước … Du khách thầm kính và trầm tưởng niệm tới người xưa.
Hồi xưa, hồi mà nước ta còn gọi Giao Chỉ bộ, hồi mà dân ta còn quằn quại dưới ách thống trị của quan lại nhà Đông Hán, ở huyện Trân Định (nay gọi là phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), làng Thiên Bồi (nay gọi là An Bồi), có Cao công nhà khá giả, rất giàu lòng từ thiện. Dân miền Bồi thôn đều kính phục Cao Công vì phần lớn mỗi người đều nhờ vả họ Cao. Cao Công hiếm hoi chỉ sinh được một gái là Cao Nhự. Được thân phụ chìu chuộng, lại sẵn bản tính thông minh, Cao Nhự thạo cả văn lẫn cả võ.
Dân Thiên Bồi, dưới quyền cai trị của Tô Định, cũng chịu chung phần cực khổ, sưu thuế nặng nề nhiều người cùng túng, không kịp dâng tiền làm dầy túi viên Thái thú họ Tô; liền bị tra tấn dã man tức khắc. Trước cảnh đau lòng của người đồng loại, Cao Công can đảm đứng lên thay mặt dân Thiên Bồi, xin giảm thuế. Tô Định giận lắm, vu cho ông có ý muốn xúi dân kháng cự, liền bắt giam ông và sai quân về vây bắt nhà ông. Nhờ lòng dân quý mến, Cao Nhự được báo ngầm cho biết, nửa đêm hai thầy trò Cao Nhự và nữ Tiểu Mai cải dạng nam trang lẻn trốn thoát. Để tránh sự lùng xét gắt gao của giặc Tàu, thầy trò Cao Nhự tìm vào một ngôi chùa gần Yên Tử Sơn, tạm khoác aáo nâu sòng, nấp bóng cửa từ bi, nhưng vẫn ngầm thao luyện võ nghệ, chờ cơ hội trả thù cha.
Người lão bột của Cao Công là Cao Nghĩa trốn khỏi vòng vây của quân giặc, cố công tìm Cao Nhự để cùng tiểu chủ bàn mưu kế rửa hận cho Cao Công.
Lang thang tới đất Mê Linh, dò được tin Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Cao Nghĩa mừng rỡ, càng sốt ruột tìm cho chóng thấy Cao Nhự để báo tin lành.
Một chiều kia, qua nơi Yên Tử, Cao Nghĩa nhờ độ đường xin vào chùa ngủ nhờ. Thấy bóng Tiểu Mai ra mở cửa, Cao Nghĩa ngờ ngợ nhìn theo Tiểu Mai thấy vậy giận lắm, lại nghĩ là người của Tô Định đi dò tông tích chủ mình, nên đuổi luôn Cao Nghĩa ra ngoài, đóng sập cửa lại. Cao Nghĩa nổi sung đạp cửa vào, hoa quyền đánh Tiểu Mai. Ngờ đâu người nữ tỳ của Cao Nhự cũng là tay giỏi võ, Cao Nghĩa luống cuống không kịp đỡ gạt, đang lúc nguy cấp một tiếng quát trên thểm: “Tiểu Mai! Hãy ngừng tay!”
Cao Nghĩa giật mình nhìn lên, một vị sư nữ trẻ tuổi đang trách mắng Tiểu Mai.
Nhận được bà Cao Nhự, Nghĩa hết sức vui mừng sụp lạy tiểu chủ, kể rõ lòng mong mỏi của mình và tình hình trong nước. Y không quên kể lại kỹ càng những tin tức lượm được về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, sự phẫn uất của dân chúng trước cái chết của ông Thi Sách và trí tranh đấu giành độc lập của dân tộc đã nổi lên như nước vỡ bờ.
Thấy cơ hội đã tới, Cao Nhự lập tức trút nâu sồng khoác nhung y cùng Tiểu Mai và Cao Nghĩa xuống đầu quân để trả nợ nước, báo thù nhà; Cao Nhự được Hai Bà tin dùng đối đãi như em ruột. Thấy Cao Nhự xuất thên nơi miền duyên hải, Hai Bà Trưng liền ủy thác Cao Nhự về hải khẩu Kỳ Bá một thủy quân lãnh đạo toán quân đánh trên mặt nước. Bà đánh đâu được đấy, lập được rất nhiều chiến công trong cuộc đánh đuổi Tô Định về Tàu.
Ba năm qua, khi Mã Viện đem quân sang đánh. Trưng Nữ Vương sai bà đem thủy quân về đóng tại Hát Giang. Bà dùng chiến thuật du kích, chận đánh lương thực khiến Mã Viện nhiều phen khốn đốn. Khi được tin Trưng Vương bị thua Mã Viện tại hồ Lăng Bạc, bà vội đem quân đến tiếp cứu, nhưng quân Tàu khí thế đang hăng, tràn tấn như vũ bão, bà chống không nổi phải phù giá Trưng Nữ Vương chạy trở lại Hát Giang. Quân Mã Viện đuổi mỗi lúc một gấp, Hai Bà Trưng phải nhẩy xuống sông tự vận, thấy chủ tướng đã hy sinh thân mình để bảo toàn danh tiết, lại biết đại sự đã hỏng bà Cao Nhự cũng theo gương Trưng Vương mượn giòng nước trong để rũ sạch nợ trần, mang theo một mối hận chưa gặp thời cơ để đem hết tài hoa giúp nước, giành lại độc lập lâu dài cho dân tộc khỏi lầm than.
Sau đó dân quanh vùng mò tìm thi thể của Bà nhưng không thấy, chỉ vớt được một đai kiếm bằng vàng mà Cao tướng quân vẫn thường đeo. Dân liền đặt đai kiếm đó lên bàn thờ. Từ đó khói hương vẫn nghi ngút tại miền Hát Giang cũng như ở Thiên Bồi, nơi bà Cao Nhự sinh trưởng để nhắc nhở tới lòng sùng bái chân thành của toàn dân đối với một nữ tướng oanh liệt trong cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng dành độc lập đầu tiên của Dân tộc Việt Nam vào năm canh tý (40 theo Công lịch).