Cùng chung một gánh sơn hà,
Trai gươm Hưng Đạo, gái cờ Trưng Vương.
Lúc nhà lãnh tụ Cần Vương Phan Đình Phùng đã chiếm cứ Vũ Quang (Ngàn Trươi) được ba bốn năm. Cái uy danh của “Sơn trung tể tướng” đã lừng lẫy khắp hạt Nghệ Tinh, Quảng Bình và lan ra mãi tận Bắc Hà. Quân lính Pháp đã nhiều lần tìm cách công phá, nhưng vì địa thế hiểm trở, lực lượng nghĩa quân lại hùng mạnh, nên mỗi lần đem quân lần mò vào, chúng đều phải trả một giá rất đắt, cuối cùng lại lui ra. Thanh thế vị lãnh tụ Cần Vương họ Phan cũng như danh Cao Thắn càng ngày càng vang dội khắp đó đây.
Bấy giờ ở hạt Nghệ Tĩnh, ngày nào cũng có phiên chợ Tràng (hiện chợ ấy vẫn còn) là người ta thấy có một chiếc thuyền con của người đàn bà và một đứa con trai nhỏ không biết từ đâu chở than tới chợ bán.
Người đàn bà ấy độ 27 tuổi, nét mặt tuy vẫn rắn rỏi nhưng lúc nào cũng đượm một vẻ buồn kín đáo, sâu đậm. Một đôi khi lại bỗng nhiên chau mày lại dường như trong tư duy tâm khảm còn có những u hoài, uất ức. Đứa trẻ đi theo khoảng độ 6, 7 tuổi, nét mặt cũng khôi ngô, lanh lẹ; mới trông qua cũng đã biết là con cháu của những nhà thế này thế khác, chứ không phải phong độ của mẹ con một nhà bán than.
Người đàn bà ấy là ai, đứa trẻ ấy như thế nào, từ đâu lại, chẳng một ai hay biết, vì người ấy chẳng bao giờ nói chuyện lai lịch hay tâm sự mình với một ai cả. Chỉ thường ngày trong khi mua bán ở chợ, những bạn hàng quen thuộc đều gọi là “Cô Tám” và người ta cũng chỉ biết và gọi như thế thôi.
Cô Tám tính tình điềm đạm, rất ít nói ít cười, cả ngày chỉ ngồi cúi mặt như nghĩ ngợi điều gì. Những bạn hàng ngồi bên, ai cũng cho là người làm bộ. Nhưng trái lại, trong những khi tiếp chuyện với người khác thì cô lại tỏ ra rất nhã nhặn ôn hòa, lời nói bao giờ cũng từ hòa, dịu ngọt; vì thế những người quen biết thân mật lại đem lòng qu1y mến và kính trọng.
Duy có một điều rất lạ là, tuy tính cô điềm đạm ít nói, ít cười nhưng lại rất niềm nở thân mật đối với một hạng người mà hồi đó ai cũng thù ghét nhưng khiếp sợ, đó là bọn lính tập, một thứ lính mà bọn Pháp tổ chức ra để đánh dẹp nghĩa quân Cần Vương, tuyển một trong dân Việt ở những vùng mà chúng đã kiểm soát được, đây là một biện pháp của bất cứ bọn xâm lăng cường khấu nào: Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.
Vì vậy những người trước kia quen biết và kính mến cô, bây giờ trông thấy thế thì họ trầm trồ bàn tán, kẻ chê người cười. Nhưng cô cứ thản nhiên như chẳng hay biết gì những lời dị nghị đó.
Nay chú lính này, mai chú khác, cô vẫn cười nói tiếp đón niềm nở. Có nhiều lúc cô còn mua rượu thịt mời lính xuống ghe thết đãi, và nói những câu chuyện thì thầm với nhau; nhưng mặc dầu người ta luôn luôn chú ý, vẫn không hề thấy cô có cử chỉ gì lả lơi; vì vậy người ta lại càng nghi ngờ theo dõi, nhưng chưa dám khinh.
Rồi cứ thế chợ nào như phiên chợ nấy, những người cùng đi đò về một ngả sông, bao giờ cũng gặp đò cô Tám và đứa trẻ vào hồi gần sáng ở làng Triêu Khẩu, và lần nào cũng như lần nào, khi nghe cô vừa chèo thuyền vừa hát là tự khắc họ biết, chẳng cần hỏi han:
Đôi ta cùng nợ nước non,
Chàng đả trả sạch thiếp còn long đong.
Bao giờ sông lặng nước trong,
Bỏ người chèo lái đêm đông nhọc nhằn.
Hoặc là:
Vội vàng chi mấy hỡi ai?
Mũi tên hòn đạn cho người này theo.
Lênh đênh mặt nước buông chèo,
Nước non gánh nặng vẫn đeo bên mình.
Trong cảnh vắng lặng đêm khuya, giữa dòng dông rộng mà nghe tiếng hát não nùng ai oán của cô, ai nấy cũng rung động tâm hồn và càng đoán chắc người nầy còn mang trong tâm khảm một nỗi u hoài đaiu xót chi đây.
Tuy vậy, người ta cũng chưa ai tìm hiểu được cô ra sao cả, chỉ thấy đúng ngày phiên chợ là cô chèo thuyền tới bán hàng, chiều lại chèo thuyền về, và chẳng phiên nào cô vắng mặt.
Cho tới một hôm, bỗng dưng người ta không thấy cô đến họp chợ nữa. Và cũng từ đó cô vắng mặt luôn, và luôn mãi. Mọi người lấy làm lạ và dư luận thế này thế khác, có kẻ lại vì thấy trước kia cô hay chuyện trò với tụi lính tập nên mỉa mai; “Cô ả đi theo thầy cai, thầy quyền nào rồi!”
Trong cảnh núi cao rừng rậm, trùng trùng điệp điệp của vùng Ngàn Trươi, Quan đổng nhung Cao Thắng đang ngồi cùng chư tướng thảo luận việc quân ở đồn ngoài, bỗng có một tên nghĩa quân vào bẩm là có một người đàn bà và một đứa trẻ xin vào yết kiến ngài, Cao Thắng lấy làm lạ và truyền cho vào.