Bà là con vua Hiển Tôn nhà Lê, sinh năm chưa rõ (khoảng thế kỷ 18). Người ta nói rằng bà có nhan sắc và rất thông minh lại giỏi về nghề văn thơ.
Năm Cảnh Hưng thứ bốn mươi bẩy (1786), khi ông Nguyễn Huệ kéo quân đến Thăng Long, vào chầu vua Hiển Tôn, tỏ ý muốn phù nhà Lê, diệt họ Trịnh, vua Hiển Tôn liền gả bà cho ông ấy, sau khi đã phong cho ông ta làm chức nguyên soái, tước Uy Quốc Công. Rồi bà theo ông Nguyễn Huệ về thành Thuận Hóa.
Năm Mậu Thân (1788), ông Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế đặt niên hiệu là Quang Trung, bà được phong làm Hữu Cung Hoàng Hậu.
Với bà, vua Quang Trung vẫn rất chìu quí và vẫn đối đãi bằng cách rất đặc biệt, cho nên dù khi vua Chiêu Thống mượn quân nhà Thanh về đánh nhà Tây Sơn, vua Quang Trung vẫn gìn giữ lăng miếu nhà Lê và không động đến con cháu vua Lê.
Năm Nhâm T1y (1792) vua Quang Trung tạ thế, bà mới ngoài hai mươi tuổi. Tính ra bà ở với vua Quang Trung đầu đuôi mới có bảy năm, sinh được một người con trai và một người con gái.
Khi nhà Tây Sơn mất nước, bà và các con đổi tên họ vào ẩn ở một làng trong tỉnh Quảng Nam. Nhưng không bao lâu, có kẻ phát giác, bà phải uống thuốc độc tự tử, hai con đều phải thắt cổ.
Bấy giờ, mẹ bà còn sống. Bà cụ họ Nguyễn, đời vua Hiển Tôn nhà Lê, được phong làm chức Chiêu Nghi, quê ở làng Phù Ninh (tục gọi làng Nành, thuộc tổng Hạ Dương, huyện Động Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Từ khi nhà Lê mất nước, bà ấy vẫn về ở tại làng ấy. Khi được tin con gái và cháu ngoại đều bị chết thảm, bà cụ cực kỳ thương xót, liền thuê người lần vào Quảng Nam, lấy trộm cả ba cái xác, đưa xuống thuyền vượt biển ra Bắc, đem về chôn ở đồng làng Nành. Cạnh những mộ đó, bà cụ có lập nên một tòa miếu nhỏ, để thờ con gái và cháu.
Sau đó chừng năm chục năm, vào khoảng đời vua Thiệu Trị, miếu ấy hình như đã đổ nát. Ởng làng Nành có ông Tú tài. Nghĩ đến công đức của Chiêu Nghi họ Nguyễn đối với làng mình bèn đứng lên quyên tiền người làng để sửa lại miếu đó. Chẳng ngờ trong làng có ông Phó tổng thù nhau với ông Tú này, được dịp hắn liền vào Huế tố cáo ông Tú có lập miếu đó để thờ ngụy hậu.
lập tức ở Huế có lệnh truyền ra, bắt quan bản hạt phá ngôi miếu đó và khai quật cả ba ngôi mộ của bà và hai người con, lấy hài cốt đem đổ xuống sông. Viên Tú tài bị tội rất nặng. Ông Nguyễn Đăng Giai lúc ấy đang làm Tổng đốc Bắc Ninh cũng vị giáng cấp về tội “thất sát”.
Trong đời Gia Long ở làng Phù Ninh cũng có một người được làm cung phi, vẫn gọi là bà Chúa Nành. Vì thế người ta tưởng lầm là bà Ngọc Hân sau có lấy vua Gia Long. Sự thực thì bà không hề biết mặt vua ấy bao giờ.
Văn chương của bà để lại rất nhiều, nhưng bị mai một mất cả, chỉ còn một ít bài như: Bài Văn tế – Tế Vua Quang Trung, Bài ai tư vãng – Khóc vua Quang Trung.