Bùi Thị Xuân

Cái hệ lụy của con người bằng xương bằng thịt có lẽ không gì bằng lòng tham: Tham tài, tham sắc, tham danh, tham lợi, tham ăn ngon mặc đẹp, nhất là tham sống. Tham sống thường đi liền với sợ chết. “Tham sanh úy tử” là hèn nhát nhất, đáng bị khinh bỉ nhất, ai cũng biết vậy, mà khi đứng trước tử thần, người ta vẫn không giữ nổi một thái độ xứng đáng.

Đứng trước một cái chết rất rùng rợn đáng ghê tởm nhất, mà chẳng những không chút sợ sệt mà còn tỏ ra một khí thế làm cho cả bọn người chủ trương giết mình cũng phải kính phục, trong lịch sử có lẽ chưa có ai bằng bà Bùi Thị Xuân.

Bùi Thị Xuân là vợ danh tướng Tây Sơn, Trần Quang Diệu, người làng Xuân Hòa, xã Bình Phú, quận Linh Khê, tỉnh Bình Định (Trung Phần). Bà cũng có tài binh bị, bà thường tòng chinh đánh giặc, lập được nhiều chiến công; là một nữ tướng rất dũng cảm, và có độ lượng, không bao giờ bà đem giết những quân đã thua chạy hay đầu hàng.

Đến hồi nhà Tây Sơn suy mạt, khi thành Phú Xuân lọt vào tay chúa Nguyễn, bà theo vua Cảnh Thịnh chạy ra Nghệ An, rồi tự đem 5.000 quân can đảm chống giữ lũy Trần Linh. Đến tháng giêng năm Nhâm Tuất (1802), nghe tin thủy quân Tây Sơn bị phá ở Nhật Lệ, bà phải lui quân.

Bấy giờ Trần Quang Diệu và Vủ Văn Dũng không thể giữ Qui Nhơn, đưa quân theo ngả thượng đạt ra Nghệ An để hội tụ với vua Tây Sơn lo việc chống giữ. Vừa đến huyện Hương Sơn, được tin thành Nghệ An mất, Trần Quang Diệu bèn cùng với Bùi Thị Xuân đi về huyện Thanh Chương. Được mấy hôm, cả hai vợ chồng đều bị bắt. Sau bà cùng với chồng và con gái chịu tội chết; Trần Quang Diệu bị lột da, còn bà và con gái bị tội voi dày.

Giáo sĩ LaBissachère, mục kích cuộc hành hình vị nữ tướng này, đã tả trong cuốn ký sự của ông như sau:

“Bùi Thị Xuân, mặt không đổi sắc, tiến trước mặt voi như chọc tức nó. Mấy tên lính thát bảo Thị Xuân quỳ xuống, nhưng bà vẫn xăm xăm tiến bước. Voi lùi lại.  ọn lính phải cầm giáo thọc vào đùi voi. Bấy giờ voi mới quặp lấy Thị Xuân, tung lên trời … Bùi Thị Xuân chết rồi, bọn lính bèn lấy dao cắt lấy tim gan, thịt ở cánh tay bà mà ăn sống, vì muốn được can trường như bà.”

Bà Bùi Thị Xuân đã để lại tấm gương dũng liệt, và đến nay, tại nơi quê hương bà còn truyền bài thơ ca tụng tài đức bậc anh thư như sau:

Xưa nay khăn yếm vượt mày râu,

Bùi thị phu nhân đứng bậc đầu.

Chém tướng, chặt cờ, khoe kiếm sắt,

Vào thần, ra quỷ, tỏ mưu sâu.

Quên nhà, nợ nước, đem toan trước,

Vì nước, thù nhà, để tính sau.

Tài đức nghìn thu còn nức tiếng,

Non cần chảy ngọc bởi vì đâu?

error: Content is protected !!