Vào triều đại nhà Trần, lúc bấy giờ đạo Phật đang cực thịnh. Vua Trần Nhân Tôn sau khi đã truyền ngôi cho con là Trần Anh Tôn lên tu một chùa ở núi Yên Tử, mến cảnh núi sông thường hay du ngoạn các nơi, một lần vào tới đất Chiêm Thành. Trong khi ở Chiêm Thành vua Chế-Mân biết du khách mặc áo cà sa là Thượng hoàng nước Việt, cho nên vua Chiêm hết sức tiếp đãi nồng hậu.
Trong Việt Nam Văn học toàn thư, đạon ghi chép về Công chúa Huyền Trân, tới chỗ này ông Hoàng Trọng Miên viết:
“… Không rõ Thượng hoàng vân du có ý định mở mang bờ cõi cho đất nước về phía Nam không, hay vì cảm tình đối với ông vua trẻ tuổi Chiêm Thành mà hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế-Mân …”
Theo thiển ý của chúng tôi, viết như thế ông Miên đã vô tình hay cố ý cho lịch sử là “tình cờ” chứ không phải lịch sử là tất yếu.
Dân tộc Việt đương sơ chỉ một vùng ở phía Bắc, bị sức ép của một kẻ thù mạnh gấp 26 lần nhiều hơn là đế quốc phong kiến Trung Hoa, muốn cho sinh tồn dân tộc Việt không có cách nào là phải lấn xuống tàm thực những lân bang về phía Nam như Lâm Ấp, Chiêm Thành, Thủy- Lục Chân Lạp. Sự kiện này đã thể hiện rõ từ đời Lý dần dần cho mãi tới sau này, cho nên nếu như Trần Nhân Tôn có ý định mở thêm bờ cõi về phía Nam là một sự kiện tất yếu chứ không phải tình cờ còn hồ nghi như lời ông Miên nói. Và nếu như có lấy con gái để đánh đổi lấy đất đai, thì đó cũng chỉ là một thủ đạon dùng người đàn bà làm một phương tiện cho chính trị, cũng như Phạm Lãi hiến Tây Thi, vua nhà Hán gả con gái cho Hung Nô, Khổng MInh tìm cách cho Lưu Bị lấy em Tôn Quyền, hay Nguyễn Huệ đòi đem con gái gả cho vua Tàu, chỉ là những trường hợp dị đồng, còn căn bản vấn đề chỉ là một. Không còn hồ nghi gì nữa mà phải bảo rằng: Thượng hoàng Trần Nhân Tôn có hảo ý đối cới Chế-Mân, muốn được Chế-Mân làm con rể.
Luân lý Á Đông không phép ai thôn tính lĩnh thổ của con rể. Vì Chế-mân cũng như những ông vua Chiêm Thành kế vị không hiểu nguyên lý đó nên lãnh thổ của họ bị nước Việt tàm thực dần, cho đến hết mới thôi.
Khi được hứa là sẽ gả con gái cho, ông Chúa mới mừng híp mắt lại rồi cử sứ giả là Chế-Bồ-Đài cùng đoàn tùy tùng hơn một trăm người mang vàng bạc châu báu, trầm hương và nhiều quý vật sang đất Việt dâng lễ cầu hôn. Triều thần nhà Trần không tán thành, chỉ có Văn Túc, Đạo Tái chủ trương việc gả bán ấy.
Chế-Mân tiến lễ luôn trong 5 năm để xin rể vua Việt, rồi dâng luôn cả hai châu Ô Lý (hai tỉnh Trị Thiên bây giờ) làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân về nước.
Huyền Trân làm hoàng hậu nước Chiêm được một năm, vua Chế-Mân chết. Được tin Chế-Mân chết, bây giờ đất Trị Thiên đã nuốt trôi rồi, Chế-Mân chết là hết chuyện. Câu chuyện Trần Anh Tôn sai Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành bày mưu thiết kế cướp Huyền Trân về là vì sợ em gái phải bị thiêu theo chồng theo tục lệ Chiêm Thành, nói như thế là lối nói để cho có nói, nói để che lấp bớt cái lỗi “gian hôn” của ngài Thái Thượng Hoàng mà thôi.
Để biết rõ thực hcất của vấn đề này, có lẽ ta nên đọc bài thơ vịnh công chúa Huyền Trân của cụ Hoàng Cao Khải sau đây:
Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười,
Vốn đà không mất lại thêm lời.
Hai châu Ô Lý vuông nghìn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi.
Lòng đó khen ai lo việc nước,
Môi son phải giống mãi trên đời.
Châu đi rồi lại châu về đó,
Ngớ ngẩn trông nhau mấy chú Hời!
Tuy nhiên, Trần Nhân Tôn chịu hy sinh một đứa con gái để mở rộng giang sơn thêm hai tỉnh; công chúa Huyền Trân cũng vì lợi ích dân tộc mà vâng lời cha chịu làm vợ vua Hời cũng chỉ vì chuyện đó. Việc làm của hai cha con đều là việc làm ích nước lợi dân, là người Việt chúng ta cần phải ghi nhớ.