Trần Kim Phụng

Trong số các nữ sĩ danh tiếng miền Nam, khi nhắc đến các tên nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, tức Nguyễn Thị Ngọc Khuê, con gái thứ năm của nhà chân Nho ái quốc Nguyễn Đình Chiểu và bà Trần Ngọc Lầu tức Ngọc Dung hay Ngọc Bích, quê ở Vĩnh LOng, thì người ta cũng vẫn không quên nhắc tới Nữ sĩ Trần Kim Phụng, một nữ sĩ đồng thời và có những nét tương đồng về tư tưởng đã được bộc lộ trong thi ca: tư tưởng ái quốc và bảo tồn văn hóa đạo đức cổ truyền.

Nữ sĩ chính tên là Trần Kim Phụng, tục gọi là cô Hai Hỏn. Chúng tôi rất tiếc là chưa khảo cứu được rõ ngày sinh, quê quán của nữ sĩ ở đâu và song thân tên là gì mà chỉ được biết một cách mập mờ, nữ sĩ là người tỉnh Sa Đéc. Xin đánh nơi đây một dấu hỏi với tất cả thành tâm và thiện chí, ước mong quý vị sẽ bổ cứu thêm cho.

Từ gồi còn trẻ tuổi, nữ sĩ đã có tính hiếu học; tiếng đồn thông minh cũng vang khắp vùng. Về sau văn tài của nữ sĩ lại ngày được thiên hạ tấm tắc ngợi khen, về phương diện hoạt diện và chứa chan tình cảm với một nội dung súc tích.

Chúng tôi xin trích lục bài thơ “Vịnh cây vạn thọ” của nữ sĩ làm lúc mới biết làm văn:

“Tuổi già trường trải có ai qua

Vẹn thọ khung cuồng vốn đấy ta

Vững cõi khoe cành xinh nét vẽ

Lớn chồi tủa lá lịch màu hoa

Tháng ngày thong thả cùng quan các

Tết nhất khoe khoang với phú gia

Bởi có cái danh ai cũng chuộng

Nên người yêu mến chúc ông bà.”

Tuy còn ít tuổi, nhưng nữ sĩ đã cho ta thấy cái cốt cách thanh lịch cao sang “Xinh nét vẽ, Lịch màu hoa” cái vẻ ung dung tự tại, thong cùng thả quan các, và đặc biệt nhất là cái nhìn thấu đáo vào cuộc đời đương buổi loạn ly xáo trộn: “bởi có cái danh ai cũng chuộng”, và vì vậy mà mọi người yêu mến chúc ông bà! Xuất phát từ cái nhìn thấu đáo và thực tế như vậy, nên câu văn tuy nhẹ nhàng và có vẻ bàng bạc mà vẫn hàm súc một ý nghĩa mỉa mai chua chát đối với cuộc đời. Chính cái “nhìn sâu sắc” này về sau khi lớn lên, nữ sĩ lại được dịp tỏ ra nhiều lần nữa; chẳng hạn như trong khi dự một tiệc rượu: trông cái cảnh “Anh Tây, chú khách” đều quá say vùi, nữ sĩ viết:

“Cuộc rượu Nam thành thật rất vui

Trộm xem ai nấy cũng say vùi

Anh Tây chuếnh choáng quăng chai ngược

Chú khách xì xồ ném chén xuôi

Giận đất lung lay không vững bước

 Cười trời lững đững bóng vần lui

Đứng ngồi chẳng tiện lôi thôi cả

Cuộc rượu Nam thành thật rất vui!”

Thoạt mới nghe qua, ta có cảm tưởng như lời thơ quá ư bình dị nôm na, nhưng chính trong cái vẻ nôm na ấy ẩn tàng một bức tranh say rượu”, trong đó một bọn người lạ đang chuênh choáng quăng chai ngược và xì xồ ném chén xuôi. Và trước cái cảnh lộn xộn chướng tai gai mắt đó, nữ sĩ với cốt cách thanh lịch và tế nhị của người đàn bà Việt, chỉ biết giữ một thái độ “trộm xem” và một cảm tưởng “đứng ngồi chẳng tiện”, để cười cùng trở về cái ý nghĩ mỉa mai và buồn cười “thật rất vui” vì chẳng biết nói gì hơn!

Vốn người thanh lịch và điềm đạm như vậy, nên nữ sĩ rất ghét cái lối dùng văn tự để ngụ ý nghĩa khác của một số danh nhân đương thời thường cùng nữ sĩ xướng họa. Người ta kể chuyện rằng, có người gởi tặng một bài thơ, trong đó có những câu:

“Chẳng hya tuổi bao lăm đấy

Mà kết duyên duyên đã bấy chầy

Nét vẻ dung nhan còn đượm thế

Hương đưa phấn nhụy khắp cùng bay

…”

Dụng ý của tác giả bài thơ là muốn châm biếm cái tính giao tiếp rộng rãi của nữ sĩ. Nhưng ở đó bài thơ họa lại dưới đây, ta sẽ thấy cái tài biện bạch và tiếng cười của nữ sĩ:

“Sá chi bồ liễu âu thân phận

Để thẹn mày râu đã bấy chầy …”

Kèm theo là một câu hỏi ngạo khó trả lời:

“Gan óc để đâu nang nã thế

Cánh hồng sao chẳng vẫy vùng bay”

Nhắc gới “gan óc” và “cánh hồng” quả thiệt nữ sĩ đã đánh một nhát búa vào chí nam nhi của ông bạn ngông nghênh nào đó trong buổi quốc phá gia vong vậy! Chính vì tính đoan chính ấy mà các bạn văn nhân nam nữ đương thời đều kính mến nữ sĩ trong khi xướng họa cũng như trong sự giao tiếp hằng ngày.

Nhưng, tài mệnh tương đố, phải chăng là một định mệnh?

Thì đây Trần Kim Phụng quả thật một bạn gái có tài điều ấy không ai có thể phủ nhận. Nhưng tiếc cho tài! Mà thương cho phận Trần thị có tên “trong sổ đạon trường” cuộc đời xuân sắc thường lắm lúc bầm dập thương đau.

Tuy nhiên, vẫn được an ủi khá nhiều, qua những văn thơ của các bạn hàn mặc khắp nơi, cả bạn gái lẫn bạn trai: ai đã có quen biết cùng Trần thị, đều có cảm tình nhiều hơn là rẻ rúng lạnh lùng.

Trong khi lìa tỉnh Sa Đéc lên Nam Vang, Trần thị có bài giã biệt các bạn:

“Vừa cạn chén đưa chửa cạn lời

Thuyền đà vội tách giữa giòng khơi

Xa trông dạng khuất vầng non nước

Cám nghĩa anh em nghĩ ngậm ngùi.”

Một bạn gái của Trần thị là bà Hoàng Ngọc Lan lấy làm cảm động họa tặng Trần thị:

“Ly biệt nhìn nhau những nghẹn lời

Còi tàu giục giã phát xa khơi

Chặt cây che bóng trông càng khuất

Dòng lụy khôn ngăn dạ ngậm ngùi.”

Hơn nữa, lúc vãn niên, Trần thị ngao ngán cuộc đời mà đi tu, lấy hiệu là Hương Thanh; trong khi ấy có người vẫn lấy làm tiếc cho nữ sĩ tuổi xuân sao nỡ gởi cửa thiền. Như bà Quảng Hàn ở Pursat đã gửi khuyên:

“Bà Trần Kim Phụng ở đâu xa?

Sao chẳng nghe thi phú nữa cà.

Hay đã dời chân Thiên Trúc quốc

Hoặc còn lần chuỗi Phật Di Đà

Dĩa nghiên ráo mực khuyên mài nữa

Ngòi viết khô lông hãy chăm mà

Dù muốn tầm niên khoan cỡi hạc

Nợ trần chưa dứt khó xong a!!

Lại một văn hữu khác, ông Quốc Biểu ở ĐaKao 8Saigon) cũng có lời nhắn Trần Kim Phụng.

“Đàn văn chờ đợi vắng âm hao

Bến Nghé sông Rồng dạ khát khao

Non nước đôi nơi người một ngả

Hay là viễn khách bặt phương?”

Đọc được bài thơ trên đây đăng trong tờ báo “Công Luận” do ông Nguyễn Kim Đình chủ trương, Trần Thị – đáp lời:

“Ngao du đã mỏi bước giang hồ

Lánh mộtn trần ai đến Phật đồ

Từ giã non tây cùng biển bắc

Phụng hoàng nay đậu một cành ngô.”

Cuộc đời của Trần Kim Phụng, từng trải lắm cơn thăng trần, đau khổ khôn cùng. Thêm một chuyện sau đây, đủ cho người sầu vương, thương cảm?

Mộng Trần Lê Chân vẫn là người rất mến Trần Kim Phụng, xưng Trần Thị là người tri kỷ. Nhân một đêm trằn trọc ở lữ quán nơi châu thành Battambang, cảm thân thế bại gái tha phương, có làm một bài thơ, sau đó có gởi cho Trần Thị xem:

“Bao giờ chà sát, kẻ bừa vây

Cam chịu như chàm lỡ nhúng tay

Mưa gió dập dồn hoa tái mặt

Tuyết sương chồng chất liễu cau mày

Chẳng cười, song phải cười ra vẻ

Muốn khóc, nhưng mà khóc với ai

Số đoạn trường ghi tên tuổi sẵn

Âu đành nhắm mắt mặc vần xoay.”

Trần Kim Phụng xem bài thơ ấy, thích ngâm câu; “Muốn khóc nhưng mà khóc với ai”.

Tuy nhiên, mùi đời nếm trải dù cay đắng tâm sự mang mang tác lòng tê tái, nhưng ở Trần Kim Phụng – Mặc dù gởi thân trong cửa đạo – Trước sau Trần thị vẫn chẳng bao giờ tỏ ra ủy mị tâm hồn. Mà bài dưới đây: “Trần Kim Phụng làm để đưa một bạn văn là Ngô Vị Đường, nhất là hai câu kết, có thể biểu lộ rõ ràng, một phần nào tâm hồn Trần Kim Phụng đối với đời.

“Mai này bạn đã bước lên đàng

Phận sự chức quyền đặng vẻ vang

Chữ dạ chữ sai lời thiết thạch

Nghiêng vai đừng nệ gánh giang san

Tấc công tạo hóa nên dày dặn.

Cái chí anh hùng mặc ngổn ngang

Phải gặp thế nào nên thế ấy

Sá điều ly hiệp với bi quan.”

Người như thế ấy mà mệnh bạc, duyên phận dỡ dang chẳng ra gì, nghĩ cũng thật là đau đớn!

Huống chi, duyên phận tuy dang dỡ chẳng ra gì, song tâm trí của Trần thị, so trong nữ giới, vẫn chưa dễ đã có ai hơn.

Lại một bằng chứng:

Trong tập “Nữ giới tùng thư” trong mười nữ sĩ, Đinh Hương Đặng Thị Hồi có đưa ra một bài thi sách họa:

“Cũng tai, cũng mắt, cũng hình dung

Chi để ai khí phách má hồng?

Góp mặt bình quyền đôi phận xẻ

Ghé vai nghĩa vụ một bên gồng

Đem đường chỉ thắm khâu trời đất

Dở lá khăn đào bọc núi sông

Trước giúp chồng con sau xã hội

Lệnh kêu, ta cũng thử kêu cồng.”

Trần Kim Phụng đã họa lại rất rắn rỏi:

“Vẫn biết phận là phận nữ dung

Cũng trong trái đất dưới vầng hồng

Đạo nhà riêng giữ ba tùng vẹn

Việc nước chung chia nửa gánh gồng

Chẳng những râu mày hay nghĩa vụ

Khá đem son phấn vẽ non sông

Khuyên cùng nữ sĩ trong ba cõi

Đàng trước gương Trưng lóng tiếng cồng.”

Người ta bảo rằng, những tư tưởng, quan niệm, ý kiến của thi nhân, mà chính là hoàn cảnh cụ thể của thời đại đã cho thi nhân những nghĩ ngợi rung cảm.

Vậy những khúc nah5c lòng của nữ sĩ Trần Kim Phụng thốt lên trong thời đại mà Quốc sử Việt lật tới những trang hoen ố nhất, đen tối nhất, bi đát nhất 1884-1945.

Nữ sĩ cảm khái khi thấy non sông gấm vóc bị ngoại bang giầy xéo; dân tộc âm thầm nhỏ lệ; rồi nàng tự thấy tuy mình là phận gái, nhưng bổn phận đối với tổ quốc, dân tộc cũng phải chung phần đóng góp, nên đã có lần bà đã lên tiếng kêu gọi chị em …

“…

Rằng ta phận đàn bà

Tấm lòng yêu nước cũng như ai

Việc đời ta phải chung vai

Non sông gánh vác gái trai thế nào

Mình sức mạnh Tây nào dám để

Sức mạnh nhờ toàn thể cùng lo

Xưa nay độc lập tự do

Phải dành mà lấy ai cho không mình

Vận tổ quốc lênh đênh dường ấy

Mình không lo nhờ cậy vào ai

…”

Thì lại cũng một cảm nghĩa ấy, một giòng tư tưởng ấy nên khi nữ công Học hội Huế thành lập, ở miền Nam nữ sĩ đã lên tiếng kêu gọi chị em tham gia nhập hội và hoạt động cho tổ chức này.

“…

Chị em ơi:

Chúng ta cũng da vàng máu đỏ

Nông nỗi này biết tỏ cùng ai

Từ khi non nước tơi bời

Tấm thân bồ liễu nhiều lời đắng cay

Chị em sao ngủ dai quá vậy

Chuông tự do khua rẫy bên tai

Ầm ầm vang khắp mọi nơi

Sao mình không dậy trông người thử xem

Kìa phụ nữ chị em các nước

Bọn soa quần tiến bước nữ quyền

Chúng ta cũng bạn thuyền quyên

Cũng phường đồng bệnh đồng thuyền mà ra

Sao mà họ đàn bà như thế

Chị em mình càng kể càng đau!

…”

Qua những khúc nhạc lòng của nữ sĩ họ Trần mà chúng ta vừa lướt qua trên, cũng đủ cho ta thấy nữ sĩ là người thế nào, về văn tài cũng như về tư tưởng, tư tưởng tiến bộ.

error: Content is protected !!