Đồ họa ấn loát ra đời trong một xã hội phát triển, với nhu cầu phổ biến kiến thức, ít nhất trong giai tầng trí thức, hay một nhóm tri thức nào đó. Sách chép tay, tranh vẽ độc bản, văn tự khắc trên bia đá đương nhiên là những hình thái ban đầu, rất khó lưu hành rộng rãi. Người ta có thể mượn sách nhau chép lại thành nhiều bản. Số lượng không thể nhiều, với sự đòi hỏi thời gian và công sức quá lớn để chép lại một quyển sách. Vả lại mỗi lần chép là một lần sai lệch với nguyên bản, cho nên người xưa nói: ‘tam sao thất bản’ là vậy. Văn tự khắc trên bia có thể in, dập lại. Nhưng lượng từ trên một bia đá không nhiều, cách làm bản vỗ cũng không phổ biến. Ngành in khắc gỗ ra đời đã khắc phục tình trạng trên, dù chưa hẳn là một lối in tiên tiến. Đồ họa ấn loát như vậy đòi hỏi các điều kiện: sự phát triển của nghề giấy, mực, sự hình thành các xưởng, phường in khắc gỗ, người quyên gom tiền và tổ chức công việc. Thực ra cho đến thế kỷ 19, người Việt Nam không biết đến một phương pháp in ấn nào ngoài in khắc gỗ. Phạm vi của hoạt động này cũng hẹp. Phục vụ in bản kinh Phật và vài tín ngưỡng khác, in sách cho triều đình, in tranh dân gian, và thảng hoặc mới có vài văn sĩ in truyện, thơ phú cho mình. Trong bất cứ thời đại nào ngày xưa, sách chép tay vẫn chiếm 70% tổng số sách dùng và lưu hành trong nước. Mỗi làng có vài ba ông đồ, vài chục học trò. Ngay thầy cũng chưa chắc có sách in. Trò lại càng phải chép tay để dễ thuộc mặt chữ Hán. Thơ phú chủ yếu truyền miệng. Sách khoa học gần như không có. Sách thuốc và địa lý gần như là sách bí truyền không cần phổ cập. Văn đàn, thi đàn không hoạt động thường xuyên, mà rất lẻ tẻ. Các phường in khắc hoạt động không thường xuyên, cũng không ngang tầm với tổ chức nhà xuất bản hay nhà in bây giờ. Nền văn hiến Việt Nam phát triển xuyên suốt trong những cuộc chiến tranh ngoại xâm và nội chiến liên miên có những đặc thù của nó. Một mảnh giấy bổn chép tay, một ván in gỗ thô mộc còn lại là một cố gắng lớn của sức sống dân tộc từ khói lửa, và cũng đủ để ta nhìn nhận về học vấn và nhu cầu học vấn trong quá khứ như thế nào.
Trong giai đoạn Bắc thuộc từ 111 trước Công nguyên đến thế kỷ 10 sau Công nguyên, không tìm được một di vật ấn loát nào, dù chữ Hán đã được truyền bá bởi Sĩ Nhiếp, đặc biệt trong vùng Luy Lâu (Dâu Keo ngày nay). Các Thiền sư Ấn Độ đã đem sang Việt Nam những bản kinh chữ Phạn. Các Thiền sư Trung Hoa đem sang những bản kinh chữ Hán. Sự gặp gỡ của Hán văn và Phạn văn tại Luy Lâu khá thú vị, mà dấu tích của hai ngôn ngữ đócòn tồn tại đến ngày nay trong các bản khắc ở các chùa trong vùng Dâu – Keo, Thuận Thành. Nhiều ý kiến cho rằng vùng Dâu là một trung tâm văn hóa lớn thời Bắc thuộc, đặc biệt từ thế kỷ 5, 6. Đây là trung tâm thông thương Bắc – Nam Việt Nam, cũng đồng thời nằm giữa trục Đông – Tây. Thiền sư Trung Hoa khi sang Ấn Độ có thể đã học chữ Phạn. Ngược lại, Thiền sư Ấn Độ khi sang Trung Hoa sẽ học chữ Hán. Khi Tỳ-ni-đa-lưu-ci (Vicitaruchi) lập dòng Thiền đầu tiên tại cụm di tích Tứ Pháp ở Dâu năm 580, thì sự hỗn hợp tín ngưỡng bản địa và Phật giáo bắt đầu, cũng như bắt đầu có sự truyền bá quy mô đạo Phật. Dòng thiền Vô Ngôn Thông thế kỷ 9, 10 ở chùa Kiến Sơ, Bắc Ninh , rồi dòng Thiền Thảo Đường, thế kỷ 11 ở Thăng Long, … chắc chắn làm cho nhu cầu về kinh sách Phật tăng lên ở Đại Việt. “Thiền uyển tập anh” là một bộ sách được soạn từ thế kỷ 13, tái bản vài lần vào thế kỷ 17, 18 xác nhận một Thiền sư tên là Tín Học (? – 190) có nghề gia truyền in khắc ván kinh. Ông họ Tô quê ở hương Chu Minh, phủ Thiên Đức, tu ở chùa Quán Đỉnh, núi Không Lộ, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông. Trong suốt thời Lý (1010 – 1225), Đại Việt sử ký toàn thư nhiều lần nhắc đến việc triều đình cho người sang Trung Quốc thỉnh kinh sách, đón sư tăng sang truyền đạo dựng các kho Đại Hưng. Trùng Hưng và vài chùa khác để chứa kinh. Khánh hạ kinh Phật với sự chứng giám của cao tăng và vua chúa thường được cử hành rất long trọng, sau đó mới đến việc chép ra nhiều bản, hoặc cho in khắc gỗ. Mặc dù sử sách đã xác nhận có nghề in khắc gỗ, nhưng vật chứng không còn, và không có gì đảm bảo rằng trong thời kỳ này in khắc gỗ là một phương tiện rộng rãi. Cũng theo lịch sử năm 1295, khi sử nhà Nguyên là Tiêu Thái Đăng sang, vua Trần sai Trần Khắc Dung, Phạm Thảo cùng đi theo, nhận được (có lẽ từ sự giới thiệu của viên công sứ) bộ knh Đại Tạng, đem về để ở phủ Thiên Trường, in bản phó để lưu hành. Tư liệu thì đơn giản như vậy, nhưng thực ra kinh Đại Tạng là một bộ kinh lớn gồm 1422 mục, 6010 quyển đóng lại trong 587 tập. Sư tăng triều đại Nguyên ấn loát tại chùa Phổ Minh (hàng Châu, Trung Quốc) khoảng tử 1278 – 1294, Việt Nam nhận được ngay năm sau, và thực hiện ấn loát trong 24 năm 1295 – 1319 với hàng trăm người viết chữ, hàng trăm thợ khắc bản do Pháp Loa (1284 – 1330) và đệ tử là Bảo Phác điều hành. Trong quá trình trùng san này Đại Tạng kinh được bỏ đi vài mục không thông dụng, vài trước tác về Phật giáo khác của đời Trần được đưa thêm vào. Bản kinh tiêu biểu trên 5.000 quyển với sự hiến máu của Tăng sĩ và cư sĩ được an trí tại chùa Quỳnh Lâm. (Có lẽ việc hiến máu thể hiện hành vi quyết tâm in kinh Phật chứ không phải dùng máu để in?).