Các trường phái hội họa

Hội họa là một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng và phổ biến nhất. Nói cách khác, hội họa là một ngôn ngữ để truyền đạt ý tưởng bằng các tác phẩm sử dụng kỹ thuật (nghệ) và phương pháp (thuật) của họa sĩ. Trong hội họa, thuật ngữ ”trường phái” dùng để chỉ một phong cách, trong đó phân loại một nhóm các họa sĩ có chung những kỹ thuật và phương pháp thể hiện.

Trường phái Phục Hưng – Renaissance

Thuật ngữ Renascenza (tái sinh) được nhà sử học Giorgio Vasari dùng ban đầu vào năm 1550 để chỉ sự hồi sinh và phát triển rực rỡ các hoạt động nghệ thuật và khoa học bắt đầu tại Italia vào thế kỷ XIII. Sau đó, thuật ngữ Renaissance được Jules Michelet dùng trong tiếng Pháp và nhà sử học Thụy Sỹ Jacob Burckhardt phát triển (khoảng những năm 1860). Tái sinh ở đây có hai nghĩa: một là sự khám phá lại các sách vở cổ điển và đem ứng dụng vào trong khoa học và nghệ thuật; hai là để chỉ kết quả của các hoạt động văn hóa đó mang lại sự hồi sinh cho văn hóa châu Âu nói chung. Như vậy, Phục Hưng có thể hiểu theo hai cách chính tuy khác biệt nhưng đều có ý nghĩa là sự tái sinh của nền giáo dục cổ điển Tây phương thông qua sách vở, tài liệu kinh điển của phương Tây và hồi sinh của văn hóa châu Âu nói chung.

Phần lớn các bức tranh của nghệ thuật Phục Hưng là các bức tranh thờ và bích họa có nội dung tôn giáo được vẽ cho nhà thờ, tranh với các đề tài trần tục hay thần thoại không mang tính tôn giáo, huyền thoại anh hùng hay thần thánh, lịch sử Cổ đại và chân dung cá nhân của những danh nhân đương thời. Bên cạnh đó cũng xuất hiện những tranh vẽ phong cảnh và phong tục đầu tiên, diễn tả cuộc sống thời bấy giờ.

Chiều sâu của không gian được thiết kế hình học một cách chính xác bằng phương pháp phối cảnh. Thêm vào đó là phương pháp phối cảnh không gian và phối cảnh màu. Người nghệ sĩ diễn tả cơ thể khỏa thân của con người như nghệ thuật khỏa thân bằng các tỷ lệ lý tưởng. Cách cấu trúc tranh cân bằng hài hòa và đối xứng được hỗ trợ bằng những hình dáng tam giác, bán nguyệt hay hình tròn là phong cách cấu trúc thường được ưa chuộng.

Các họa sĩ tiêu biểu của trường phái này gồm có: Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael, Titan, …

Trường phái Dã thú (Fauvism)

Là một trường phái nghệ thuật tồn tại trong thời gian ngắn của một nhóm họa sĩ hiện đại. Để chống chọi với trưởng phái Ấn tượng, quá chú trọng đến ánh sáng mà quên đường nét của cảnh vật nên trường phái Dã thú ra đời. Trong khi phong cách nghệ thuật Dã thú bắt đầu từ năm 1900 và kéo dài qua năm 1910, thì trường phái này chỉ tồn tại trong vòng 3 năm (1905 đến 1907). Những người đứng đầu trường phái này là họa sĩ Henri Matisse và André Derain, Marquet, Dufy, …

Trường phái này có sự phản ứng mạnh mẽ chống lại trường phái Ấn tượng, chống lại sự mất mát không gian do dùng quá nhiều ánh sáng, do sự phân tích tỉ mỉ, không theo quy luật nào, vì thế chỉ là sự ngẫu nhiên và không có suy tính trước. Sự cần thiết cho họa sĩ trường phái Dã thú là màu sắc, chứ không phải vẽ như thấy thực tế, mà là phải sáng tạo sắc độ. Bức tranh là một bố cục nhiều màu, không phải là sự sao chép thiên nhiên; là sự liên tục tạo hình sống động, không là cảnh sắc vụn vặt, là một sự bố cục màu sắc mạnh bạo, không phải là sự tình cờ đạp mắt.

Trường phái Ấn tượng (Impressionism)

Là một trào lưu nghệ thuật bắt đầu ở Paris (Pháp) vào cuối thế kỷ XIX. Trường phái Ấn tượng đánh dấu một bước tiến quan trọng của hội họa. Cái tên “Ấn tượng” do các nhà phê bình gọi là theo một bức tranh nổi tiếng của Claude Monet: Ấn tượng mặt trời mọc.

Những bức tranh thuộc trường phái Ấn tượng được vẽ bằng những nét cọ có tể nhìn thấy được, sự pha trộn không hạn chế giữa các màu với nhau và nhấn mạnh đến sự thay đổi và chất lượng của độ sáng trong tranh. Đây là hai ý tưởng đáng chú ý trong trường phái này: Bức tranh được vẽ rất nhanh với mục đích à ghi lại một cách chính xác tổng quan của khung cảnh. Tiếp theo sau là thể hiện một cái nhìn mới, nhanh và không định kiến, khác với trường phái hiện thực, tự nhiên.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!