Các sự kiện
Tháng Giêng âm lịch, Lê Trung đánh Phố Hài, quân Nguyễn thua lui về Bà Rịa.
Tháng 2 âm lịch, Nguyễn Ánh cùng với Nguyễn Văn Trương đem thủy quân ra Diên Khánh cứu viện.
Tháng 3 âm lịch, Trần Quang Diệu và Kiểm điểm (một chức quan võ) Trần Việt Kết vẫn vây chặt thành Diên Khánh. Quang Diệu đặt nhiều đồn trại ở Khê Sơn (Phú Khánh) để chống quân Nguyễn. Lê Trung đánh chiếm đồn Xuy Mít.
Tháng 5 âm lịch, nội bộ triều Tây Sơn lục đục, Tư khấu Vũ Văn Dũng giết Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Vì Lê Trung và Quang Diệu thuộc phe Tuyên, nên Dũng sai hộ giá Nguyễn Văn Huấn dẫn 500 quân vào thành Qui Nhơn. Văn Huấn giả là quân tiếp viện để giành binh quyền của Trung, Diệu.
Tháng 6 âm lịch, thừa cơ nhân tâm tướng sĩ Tây Sơn phân tán, Nguyễn Ánh huy động toàn bộ lực lượng mở nhiều cuộc tấn công lớn, đánh lui quân Tây Sơn ở nhiều nơi.
Tháng 7 âm lịch, quân Nguyễn phá liền 12 đồn của Tây Sơn. Trần Quang Diệu dẫn quân vây thành Diên Khánh về Phú Xuân. Hộ giá Huấn không thực hiện được mưu kế cũng phải rút.
Tháng 8 âm lịch, Nguyễn Ánh về Gia Định, để Tôn Thất Hội giữ Diên Khánh.
Tháng 9 âm lịch, cấm thuyền buôn Trung Quốc mua vải, lụa, tơ sống ở Gia Định ngoài mức qui định.
Tháng Chạp âm lịch, Nguyễn Ánh ra qui chế về thi cử.
Le Brun vẽ bản đồ “Ville de Saigon” (Thành phố Sài Gòn), ghi rõ thành Bát Quái, Minh Hương phố thị (Bazar Chinois) và Bến Nghé.
Dựng đền Hiền Trung ở thôn Tân Chiêm, huyện Bình Dương (trong thành Ô Ma sau này) thờ các vị công thần. Đền được trùng tu năm 1804. Phụng chỉ Gia Long đem Võ Tánh, Ngô Tòng Châu thờ tại gian giữa chính điện và các công thần khác thì thờ ở hai bên tả hữu. Mỗi năm đền tế 2 kỳ xuân thu. Có 25 lễ phu để lo việc tế lễ và bảo quản. Năm 1845 trùng tu lần nữa. Đền bị chính quyền thực dân phá bỏ vào những năm 1945-1954).