Thập niên 1930-40, trong buổi thịnh hành của sân khấu cải lương, các điền chủ thường xuất vốn lập các gánh hát lưu động biểu diễn khắp các tỉnh Nam Kỳ. Năm 1942, thầy giáo Lư Hòa Nghĩa (nghệ danh Năm Nghĩa) vì mê đờn ca nên bỏ trường lập Gánh hát Hậu Tấn – Năm Nghĩa do ông Phạm Minh Tấn đầu tư, ngoài ra còn có gánh Hậu Tấn – Bảy Cao của danh ca Bảy Cao. Nhưng vì gặp nạn nên hai gánh rã cùng lúc.
Năm 1949, thầy Nghĩa gá nghĩa với bà Nguyễn Thị Thơ, hành nghề bán chạp phô, vợ ba đã góa của ông hội đồng ấp Nguyễn Văn Lợi, đã được 4 mặt con. Ban đầu, vì ngõ ý không được, thầy Năm Nghĩa bèn soạn bài vọng cổ Điên đảo vì tình và nhờ đài phát thanh thâu. Bà Thơ nghe được, cảm động, mới bằng lòng cưới ông. Ngày 11 tháng 09 cùng năm, con trai Bảo Quốc chào đời tại xã Thái Hiệp Thạnh, tỉnh Tây Ninh (nay là phường 1, thành phố Tây Ninh). Ngay sau đó, vợ chồng dắt díu nhau lên Sài Gòn lập Gánh hát Thanh Minh, nhân vì suất diễn đầu nhằm tiết thanh minh.
Năm 1958, ngay khi cô ba Thanh Nga được giải Thanh Tâm, bà bầu Thơ bèn đổi thành Đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga, lúc này đã quy tụ toàn giọng ca thượng thặng trên sân khấu Việt Nam như Phùng Há, Út Trà Ôn, Thành Được, Việt Hùng, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mộng Tuyền… Trừ ngày thứ Hai được nghỉ, thì hôm nào gánh hát cũng phải miệt mài diễn, trở thành đại ban cạnh tranh được với hai đại ban đã có danh vọng từ lâu là Kim Chung và Dạ Lý Hương